Thoái vốn ngân hàng vì sao không còn dễ dàng?

Ngày càng nhiều ngân hàng triển khai thực hiện việc thoái vốn tại các ngân hàng. Thị trường chứng khoán vẫn đang khá thuận lợi nhưng việc thoái vốn hiện nay được cho rằng sẽ không còn dễ dàng như giai đoạn trước. Đâu là nguyên nhân?

Dễ khó tùy trường hợp?

Ngân hàng Vietinbank vừa thông báo đấu giá toàn bộ hơn 15 triệu cổ phần, tương ứng 4,91% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SGB). Trước đó hồi năm 2016, VietinBank đã bán gần 17 triệu cổ phần tương đương 5.48% vốn cổ phần Saigonbank với mức giá khởi điểm là 10,800 đồng/cổ phiếu; giảm sở hữu tại Saigonbank xuống 4.91% như hiện nay.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang sôi động như hiện nay, ngày càng nhiều tổ chức muốn thoái vốn ra khỏi các tổ chức tín dụng. Hồi tháng 9 Vietcombank cũng cho biết sẽ thoái vốn tại ngân hàng Eximbank (EIB) và Quân đội (MBB), đưa tỷ lệ sở hữu về thấp hơn mức quy định 5%, nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định về tỷ lệ sở hữu chéo.

Tuy nhiên, một thực tế cần phải nhìn nhận là dù thị trường chứng khoán đang diễn biến khá thuận lợi, nhưng việc thoái vốn hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Đối với những ngân hàng đang hoạt động hiệu quả và niêm yết sẵn trên sàn như MBB thì việc bán vốn là khả thi, và có thể giúp những tổ chức sở hữu như Vietcombank thu được lợi nhuận lớn.

Có thể thấy giá cổ phiếu của MBB kể từ sau thông tin Vietcombank thoái vốn thì đã tăng hơn 10% trong vòng 2 tuần qua. Cổ phiếu EIB cũng đã ghi nhận mức tăng gần 15% trong cùng khoảng thời gian. Theo đó giá giao dịch trên sàn của 2 cổ phiếu trên hiện đã tăng lên cao hơn mức giá chào bán khởi điểm của Vietcombank.

Ngược lại, với những ngân hàng chưa niêm yết thì việc thoái vốn có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, khi không chỉ đối tượng nhà đầu tư mua sẽ có những hạn chế nhất định, mà còn vì những ngân hàng chưa niêm yết đến thời điểm này thường là những ngân hàng nhỏ, hiệu quả kinh doanh không cao nên cũng khó thu hút người mua.

Như tại SGB, vốn điều lệ hiện nay của ngân hàng này ở mức khá thấp là 3.080 tỷ đồng, cận kề với mức vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng. Dù báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay công bố mức lợi nhuận trước thuế đạt 112 tỷ đồng, hoàn thành đến 75% kế hoạch năm nay, nhưng so với cùng kỳ giảm đến 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, huy động vốn và tín dụng đều sụt giảm so với đầu năm, với tăng trưởng tín dụng âm 1,79%. Chằng những vậy, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 6,48%, với con số tuyệt đối là 897 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 là 201 tỷ đồng, nợ nhóm 4 là 238 tỷ đồng và nợ nhóm 5 lên đến 459 tỷ đồng.

Hồi năm 2015, cũng đã có những thông tin về việc SGB sẽ sáp nhập vào Vietcombank, tuy nhiên thương vụ này cho đến nay dường như đã thất bại khi không có thêm diễn tiến nào khác. Thậm chí hồi cuối năm 2017, Vietcombank đã thoái 13,2 triệu cổ phần tại SGB và thu về hơn 266 tỷ đồng, với mức đấu giá thành công bình quân là 20.100 đồng/cp, cao hơn rất nhiều so với mức giá khởi điểm 12.550 đồng/cp.

Thương vụ sáp nhập giữa Vietcombank và Saigonbank được đồn đoán một thời đã không đi tới đâu

Đến lúc khó khăn?

Nếu nhìn vào mức giá khởi điểm mà Vietinbank đưa ra chỉ ở mức 10.800 đồng/cp mới thấy, cho thấy sự tự tin của tổ chức muốn thoái vốn đã ít nhiều giảm xuống, nhất là khi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay của SGB không mấy tích cực như đã nói, cũng như thị trường chứng khoán tuy vẫn còn thuận lợi nhưng tiềm năng tăng trưởng đã giảm xuống so với giai đoạn năm 2017, sau khi phải trải qua đợt điều chỉnh mạnh mẽ vừa rồi.

Đơn cử như trường hợp của của ngân hàng Tiên Phong (TPB). Gần đây MobiFone đã đăng ký bán hơn 5,5 triệu cp TPB ứng với 0.95% vốn điều lệ tại TPBank, giá khởi điểm là 29,510 đồng/cp. Tuy nhiên, do tình hình thị trường chứng khoán biến động không thuận lợi dẫn đến giá cổ phiếu TPB dao động trong khoảng từ 23.900 đến 27.500 đồng (tính khoảng thời gian từ khi MobiFone công bố thông tin trên HOSE), thấp hơn so với mức giá khởi điểm mà MobiFone đưa ra, do đó, Tổng Công ty chưa thực hiện việc thoái vốn tại TPB.

Có thể thấy TPB đã ít nhiều chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm chung của thị trường, dù ngân hàng này gần đây trở thành một trong những ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ, tập trung phát triển mảng ngân hàng số và hiệu quả kinh doanh cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm cho rằng Mobifone hiện không hoàn toàn muốn thoái vốn khỏi TPB do hiệu quả kinh doanh của ngân hàng này đang rất tốt, chính vì vậy mới đặt giá giá chào bán khởi điểm được đưa ra cao hơn so với thị giá của cổ phiếu TPB trên sàn HOSE.

Cụ thể, kết thúc tháng 9/2018, tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 4,035 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 1,613 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ và đạt 75% mục tiêu kế hoạch, hệ số an toàn vốn CAR đạt chuẩn ở mức trên 11%. Cũng theo đà của kết quả kinh doanh này, đại diện TPBank tin tưởng năm nay nhà băng sẽ  hoàn thành mục tiêu thách thức đại hội đồng cổ đông đề ra đầu năm là 2,200 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng của TPB được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát tốt ở mức  trên dưới 1%. Các chỉ số về hiệu quả hoạt động của TPB cho thấy ngân hàng đang có sự tăng trưởng đột phá, đúng định hướng chiến lược đã đề ra.

Tháng 8 vừa qua, TPB cũng đã được Tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng mức xếp hạng lên B1 với triển vọng ổn định. Và mới đây nhất, NHNN đã có văn bản chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ của TPBank từ 6,718 tỷ đồng lên mức 8,566 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng.  

MẪN NHI

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : thoái vốn, ngân hàng