Lo doanh nghiệp Việt bị Trung Quốc 'mua chuộc'

Dẫn chứng câu chuyện Tào Tháo chiêu dụ Quan Vũ trong Tam Quốc diễn nghĩa để so sánh vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, TS. Lê Đăng Doanh lo ngại doanh nghiệp Việt Nam rất dễ trở thành “đại lý” xuất khẩu hàng hóa, đưa sản phẩm Trung Quốc sang Mỹ.

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan theo dõi thông tin trước giờ bắt đầu tọa đàm công bố báo cáo vĩ mô quý III.2018. (Ảnh: VEPR)

Thanh gươm treo lơ lửng trên đầu DN Việt

Tại tọa đàm công bố báo cáo vĩ mô quý III.2018 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR tổ chức sáng 10.10, giữa những diễn biến căng thẳng leo thang trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đe dọa gây ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: “Trung Quốc vốn có lợi thế, và giờ có thêm nhu cầu xuất khẩu sản phẩm từ nội địa Trung Quốc sang các quốc gia xung quanh, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu là vừa tiêu thụ hàng hóa của họ, vừa để tìm đường xuất khẩu sang thị trường Mỹ thông qua nước thứ ba. Như vậy, kinh tế Việt Nam chịu “thiệt đơn, thiệt kép”.

Bà Phạm Chi Lan phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: VEPR)

Theo bà Phạm Chi Lan, khi hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang thị trường Việt Nam sẽ xuất hiện sự chèn ép đối với sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp trong nước. Điều này đồng thời cũng sẽ khiến phía Mỹ đưa Việt Nam vào tầm ngắm trong hoạt động áp thuế chống lẩn tránh, bán phá giá.

Ví dụ như vụ việc Bộ Thương mại Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với thép các bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Rồi sơ bộ khẳng định, việc lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm này là có thật, cụ thể là từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang nước này.

“Hầu hết sản phẩm chúng ta đang xuất khẩu đều làm gia công trên cơ sở nhập nguyên liệu, sản phẩm trung gian từ Trung Quốc. Nếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục làm gia công như trước, không tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn ở Việt Nam, sản phẩm của chúng ta sẽ bị coi là không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Bản thân Việt Nam cũng là một quốc gia xuất siêu lớn thứ 5 sang thị trường Mỹ, thanh gươm vẫn đang treo lơ lửng trên đầu DN Việt Nam rồi. Cộng thêm yếu tố Trung Quốc đẩy đầu tư, hàng hóa sang Việt Nam có thể khiến chúng ta bị đưa tên vào danh sách trừng phạt do xuất siêu sang Mỹ”, bà Phạm Chi Lan phân tích.

 Lo Trung Quốc sẽ đưa doanh nghiệp Việt "vào tròng"

Dẫn chứng thông tin dự báo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), theo đó, diễn biến leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế ở cả hai nước trong năm tới. Trong đó, Trung Quốc chịu tổn thất nặng hơn.

TS. Lê Đăng Doanh lo lắng Trung Quốc sẽ tìm cách dụ doanh nghiệp Việt Nam trở thành “đại lý” xuất khẩu hàng hóa, đưa sản phẩm Trung Quốc sang Mỹ như câu chuyện Tào Tháo chiêu dụ Quan Vũ trong Tam quốc diễn nghĩa. (Ảnh: I.T)

TS. Lê Đăng Doanh cho biết, dựa trên những mức thuế quan đã được đưa ra, tổ chức này điều chỉnh lại các ước tính về tăng trưởng của thế giới trong năm nay và năm tiếp theo giảm 0,2 điểm phần trăm và giữ ở mức 3,7%. Song ông Doanh cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm được điểm dừng trong cuộc chiến thương mại này bởi tính chất “buộc chân vào nhau” của hai nền kinh tế.

Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu không ít thiệt hại. Đồng USD sẽ mạnh lên, FED sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất tăng lên, trong khi đó, lãi suất huy động USD tại hệ thống ngân hàng Việt Nam là 0%.

“Ai sở hữu vài triệu USD sẽ tìm cách chuyển tiền sang Mỹ để hưởng chênh lệch lãi suất. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tìm cách rút dòng vốn khỏi Việt Nam để đầu tư về Mỹ. Đó là lý do TTCK Việt Nam liên tục trao đảo, chỉ số VnIndex rung lắc trong thời gian qua.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, liệu phía Mỹ có tiếp tục mở rộng áp thuế trừng phạt với Việt Nam hay không? Nếu có, hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, Canada sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, TS. Lê Đăng Doanh nói.

Dẫn chứng câu chuyện Tào Tháo chiêu dụ Quan Vũ trong Tam quốc diễn nghĩa, TS. Lê Đăng Doanh tiếp tục chia sẻ nỗi lo của mình đối với DN Việt Nam trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Ông Doanh cho biết: “Tác động về cán cân thương mại rất rõ ràng. Giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu trang thị trường Mỹ là 503 tỷ USD, giờ không xuất khẩu được họ sẽ tìm kiếm thị trường khác và Việt Nam là một thị trường gần gũi với họ.

Trung Quốc sẽ tìm cách đi cả cửa trước và cửa sau, thậm chí tuồn hàng hóa qua biên giới hai nước. Nếu có doanh nghiệp Việt Nam dùng hàng hóa Trung Quốc, nhưng dán mác Việt Nam, rồi xuất khẩu sang Mỹ sẽ dẫn tới con sâu làm dầu nồi canh bởi hàng rào nhập khẩu phía Mỹ lập ra rất khắt khe. Chỉ cần phát hiện một trường hợp gian lận, cả ngành hàng xuất khẩu sẽ chịu tác động”.

HOÀNG NHẬT/Dân Việt

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : doanh nghiệp Việt