Làm sao khơi nguồn nông sản Việt?

Dù xuất khẩu nông lâm thủy sản với kim ngạch ước tính năm 2018 đạt 40 tỷ USD, nhưng trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn không dễ vượt qua.

Ngày 14/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ III với chủ đề “Khơi nguồn nông sản Việt”. 

Toàn cảnh diễn đàn

Xuất khẩu đến 180 quốc gia, nhưng chủ yếu là xuất thô

Theo Tổng biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay Lưu Quang Định, xuất khẩu nông lâm thủy sản luỹ kế từ đầu năm 2018 đến nay là khoảng 40 tỷ USD.

Trong năm 2017, khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt trên 36,37 tỷ USD và trong 8 tháng đầu năm nay đã đạt 25,7 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2018 hướng tới con số 40 tỉ USD. Hiện đã có tới 10 sản phẩm nông sản Việt Nam đạt từ 1 tỷ USD trở lên như: lúa gạo, cà phê, tôm, cá tra, cao su, sắn, hạt điều, rau quả… 

Hiện các sản phẩm nông sản của nước ta đang ngày càng được ưa chuộng tại thị trường trong nước với sự xuất hiện của một loạt các thương hiệu nông sản Việt, cùng hàng loạt chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản đã được thiết lập như hệ thống 4.000 của hàng tiện ích của Vinmart, chuỗi các siêu thị Big C, Saigon Co.opmart…

Phát biểu tại diễn đàn, ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết: “Tại thị trường trong nước, mức tiêu thụ các mặt hàng nông sản ngày càng tăng theo mức thu nhập của người dân và tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa. Chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP, VietHAP, GlobalGAP…Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt được kết quả tích cực, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chuyên canh, áp dụng công nghệ cao hướng đến tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu”, ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

Mặc dù, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào như trên, nhưng ông Thào Xuân Sùng cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém. Nhận định này dễ chứng minh qua việc tỷ lệ xuất khẩu nông sản thô còn cao; không ít ngành hàng nông sản có chất lượng còn thấp khiến đối tác nước ngoài trả lại hàng…Thêm vào đó, tình trạng nổi lên những năm gần đây là việc “được mùa mất giá”, các cấp, ngành và xã hội liên tục kêu gọi giải cứu các loại nông sản như dưa hấu, hành tây, rau xanh, heo…

Vẫn cứ mãi... tiềm năng

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 3 với chủ đề “Khơi nguồn nông sản Việt” được tổ chức vào dịp kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2018). Diễn đàn tập trung thảo luận, chia sẻ theo 3 chủ đề (phiên) đối thoại chính thức gồm: Phiên 1 có chủ đề “Tổng quan chợ nông sản Việt”, tại đây các đại biểu đã tập trung thảo luận thảo luận các vấn đề về: Tổng quan thị trường nông sản Việt Nam, tác động từ các hiệp định FTAs; Ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đến xuất khẩu nông sản Việt Nam và tìm hướng đi bền vững cho nông sản Việt. 

Phiên 2 có chủ đề “Cùng nông dân đi chợ” các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về việc: Nông dân cần làm gì và chuẩn bị gì để tổ chức sản xuất ra các sản phẩm nông sản đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu và nội địa; nâng cao nhận thức và năng lực cho nông dân; tổ chức sản xuất theo nhóm, trục sản phẩm; nâng cao năng lực doanh nghiệp Việt Nam và vai trò của các tổ chức (hiệp hội ngành hàng, Hội Nông dân, HTX…) trong việc đồng hành, liên kết cùng nông dân trong việc xuất khẩu, tiêu thụ nông sản. 

Phiên 3 có chủ đề “Đưa nông sản Việt ra chợ thế giới”: Các đại biểu đã thảo luận các chính sách hỗ trợ để đưa nông sản Việt Nam vươn xa ra thế giới; chính sách điều hành tỷ giá của ngân hàng trong việc xuất khẩu nông sản; chính sách về hỗ trợ sản xuất, chế biến nông sản, các dịch vụ công của chính quyền địa phương; chính sách vận tải, logistic; xúc tiến thương mại; hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Đông đảo nông dân từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đã tham dự diễn đàn

Trong cuộc trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, trong bối cảnh các rào cản kỹ thuật dựng lên ngày càng nhiều, nông sản Việt vẫn đến được 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt khoảng 36 tỷ USD, con số này năm 2018 dự kiến đạt 40 tỷ USD. Dư địa phát triển của nông sản Việt còn vô cùng lớn, với rất nhiều đặc sản của từng vùng sinh thái, trình độ canh tác của nông dân ngày càng được cải thiện. Điều còn lại là chúng ta có khắc phục được những điểm yếu để tìm ra hướng đi riêng hay không.

"Dù là cung ứng cho ai và theo kênh nào thì chỉ có một đòi hỏi chung duy nhất: Đó là phải nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì, mẫu mã, giá thành hợp lý, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Đây là đòi hỏi không phải chỉ trong một thời điểm, đối với một mặt hàng mà là đòi hỏi liên tục và tất cả các mặt hàng, các quy mô sản xuất phải đáp ứng", ông Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, trong một nền kinh tế hội nhập, sự đơn lẻ sẽ khó có thể tồn tại, không còn con đường nào khác, phải liên kết thành chuỗi khép kín từ vùng nguyên liệu đến nhà máy chế biến và cung ứng hàng hóa, trong đó doanh nghiệp phải là trụ cột. Điều này phải làm với tất cả ngành hàng, tất cả quy mô, từ sản phẩm cấp quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh đến sản phẩm đặc sản “mỗi xã một sản phẩm".

LÊ HẬU

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : nông sản