Trung Quốc thuê đất Lào, Campuchia sản xuất, nông sản Việt Nam gặp khó

Không chỉ tăng quy mô đàn lợn, Trung Quốc còn mở rộng diện tích trồng thanh long, dưa hấu để chủ động nguồn cung, thậm chí còn sang Lào, Campuchia thuê đất trồng rồi xuất ngược về nước. Nếu Việt Nam không thay đổi thói quen sản xuất thì tình trạng dư thừa, phải đổ bỏ nông sản là điều khó tránh khi 75% nông sản Việt xuất sang thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc sang Lào, Campuchia thuê đất sản xuất

Với thị trường hơn tỷ dân, hàng năm Trung Quốc phải nhập khẩu một khối lượng hàng nông sản cực lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu trong nước. Thế nhưng, những năm gần đây, nước này đang cố gắng mở rộng vùng sản xuất để tự nội địa hóa, giảm dần khối lượng nhập khẩu.

Cụ thể, với mặt hàng thịt lợn, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc đang bước vào chu kỳ mới. Theo đó, đàn lợn của nước này sẽ tăng hơn 27 triệu con trong năm 2018. Một trong những động lực thúc đẩy Trung Quốc có thể tăng đàn trong năm nay là giá lợn hơi đang ở mức cao. Năm 2016, giá lợn hơi của Trung Quốc lên cao kỷ lục, đạt khoảng 100 USD/con.

Trung Quốc đang tìm cách giảm dần khối lượng nhập khẩu nông sản

Thực tế, những nông trại nuôi lợn lớn hàng đầu Trung Quốc cùng với nhiều hộ chăn nuôi khác đang chạy đua xây dựng mô hình nông trại hiện đại tại khu vực Đông Bắc nhằm mở rộng thị trường thịt lợn đồng thời thúc đẩy nhu cầu ngũ cốc cho chăn nuôi.

Một số nhà nghiên cứu dự đoán, sản lượng thịt lợn khu vực Đông Bắc nước này sẽ chạm ngưỡng 120 triệu con/năm, gần gấp đôi các khu vực chăn nuôi chính như Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Nội Mông với sản lượng năm ngoái đạt 69 triệu con.

Không chỉ tăng quy mô đàn lợn trong nước để giảm lượng nhập khẩu, đầu năm 2017, Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), cho biết, sản lượng dưa hấu tại Trung Quốc tăng đều qua các năm gần đây (từ 72 triệu tấn năm 2013 lên 77,5 triệu tấn năm 2016). Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, mỗi năm nước này sẽ tăng khoảng 1% (khoảng 2,2 triệu ha) diện tích trồng dưa hấu, dưa lưới trong giai đoạn 2015-2020.

Trung Quốc đang thu hẹp dần các khu vực trồng dưa nhỏ lẻ và thay thế bằng những vùng trồng có điều kiện tự nhiên phù hợp, quy mô sản xuất lớn, đồng đều đối với loại nông sản có tính mùa vụ cao.

Trước đó, vào năm 2015, lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) chia sẻ: "Người Trung Quốc sang tận Lào, Campuchia thuê hàng trăm ha đất tự trồng dưa hấu, do vùng trồng trong nước hạn chế".

Mới đây, theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), Trung Quốc cũng đang phát triển vùng trồng thanh long tại Quảng Tây, đảo Hải Nam với diện tích khoảng 20 ngàn ha, dự kiến đến năm 2019 sẽ là 30 ngàn ha. Ngoài ra, họ còn thuê đất trồng thanh long tại Lào, Campuchia.

Việt Nam cần điều chỉnh đối sách

Trao đổi với PV, ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cho rằng, hiện các nước nhập nông sản của Việt Nam đều điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cạnh tranh thương mại, đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới kết cấu tiêu dùng ngày càng gia tăng thì rất nhiều yếu tố thúc đẩy các nước đang nhập khẩu nông sản phải lo đến “cái dạ dày” của mình. Họ phải điều chỉnh bằng mọi cách. Đây là vấn đề thực tế đang diễn ra, không phải riêng Trung Quốc.

Trước tình hình trên, không chỉ người nông dân mà cả nhà nước và doanh nghiệp cần phải hiểu, nắm bắt lại thông tin, từ đó điều chỉnh cho thích hợp. Ông Sơn dẫn chứng, chúng ta biết trước Trung Quốc đã mở rộng vùng thanh long hàng năm trời, biết họ điều chỉnh quy mô đàn lợn hàng năm trời,... thì chúng ta cũng phải điều chỉnh đối sách của mình.

Trung Quốc đã mở rộng vùng thanh long từ cách đây nhiều năm

“Vấn đề chính hiện nay không phải là chúng ta không có thị trường mà là việc điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với thị trường”, ông Sơn nói. Ông khẳng định, việc nghiên cứu thông tin thị trường cực kỳ quan trọng. Chúng ta đang quản lý các mục tiêu di động thì chúng ta phải có radar, có thước ngắm, có la bàn, phải có tầm nhìn thật bao quát.

Thế nên, Việt Nam cần chú tâm tới nghiên cứu thị trường, phân tích thị trường để kết nối với thị trường mới và phân khúc mới, đối tượng mới. Nói thẳng thì Trung Quốc nói riêng và các nước nói chung, với sức sản xuất, lao động của mình,... họ không thể có nguồn nông sản cung cấp đủ, chỉ là đi từ phân khúc này sang phân khúc khác, từ tiêu chuẩn này sang tiêu chuẩn khác và chúng ta phải nắm bắt được cái đó, ông Sơn nhận định.

Theo ông Sơn, nông sản Việt Nam vẫn cạnh tranh được với Trung Quốc nếu chúng ta hạ được giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng an toàn. Đấy là phần của nông dân, nhưng để họ làm tốt phải đi trước một bước là ưu tiên cao độ chuyện quan sát, phân tích, định hướng, điều chỉnh. Còn nếu không thay đổi thì sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng dư thừa và đổ bỏ nông sản như hiện nay.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 75% lượng nông sản xuất khẩu của nước ta. Các chuyên gia trong ngành dự báo, thời gian tới, một số mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do Trung Quốc giảm nhập khẩu nhờ tự nội địa hóa nguồn hàng của mình bằng cách tăng quy mô chăn nuôi, mở rộng vùng sản xuất. Chưa kể, những năm gần đây, Trung Quốc cũng tăng cường kiểm soát nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.

Thực tế, như hồi đầu năm, dưa hấu tại một số tỉnh miền Trung rớt giá thảm, phải tổ chức “giải cứu” để giúp nông dân vượt qua khó khăn. Lý do, thời điểm đó Trung Quốc hạn chế nhập dưa hấu Việt Nam để ưu tiên tiêu thụ dưa nội địa của họ khi vào vụ thu hoạch.

Tương tự, với việc Trung Quốc mở rộng vùng trồng thanh long, các chuyên gia khuyến cáo xuất khẩu thanh long của nước ta thời gian tới ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cũng nhận định, Trung Quốc kiểm soát nhập khẩu tiểu ngạch, cộng với chủ động được nguồn cung nội địa với giá rẻ hơn giá lợn Việt Nam, thế nên, từ năm 2017 đến nay, thịt lợn Việt Nam không còn xuất sang thị trường này nữa.

Theo Vietnamnet

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : nông nghiệp, nông sản