Doanh nghiệp ô tô chao đảo và “sức nóng” của tân đại gia VinFast

(NTD) - Hàng loạt doanh nghiệp ô tô trên thị trường Việt Nam nối tiếp chuỗi ngày chao đảo. Có đơn vị “nhờ cậy” đến lĩnh vực “nóng” bất động sản nhưng vẫn chưa gặt hái được nhiều thành công. Mới đây, VinFast vừa xuất hiện đã mang sức nóng tới thị trường chứng khoán. Không ít cổ đông đã nghĩ tới câu chuyện tân đại gia VinFast sẽ là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp ô tô.

Cùng với nhiều đơn vị khác, Ô tô Giải Phóng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đại gia ô tô chao đảo

Trong 2 năm trở lại đây, những nhà đầu tư chứng khoán đam mê lĩnh vực ô tô đã ngậm trái đắng khi chứng kiến loạt đại gia ô tô liên tục lao dốc. Có đơn vị nhìn lợi nhuận “rơi tự do”, có đơn vị thậm chí gánh chịu những khoản thua lỗ nặng nề.

Trước đây, CTCP Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy là một thế lực lớn trong ngành ô tô Việt Nam. Cổ phiếu HHS của công ty này đã đưa ông Đỗ Hữu Hạ lọt vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với giá trị tài sản lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Thế nhưng, đã qua rồi những ngày tháng tươi đẹp đó. Kể từ năm 2016 đến nay, Hoàng Huy có xu hướng đi xuống là chủ yếu. Nếu năm 2015, Hoàng Huy đạt đỉnh khi lãi tới 481 tỷ đồng thì trong 2 năm 2016 và 2017, chỉ tiêu này giảm dần đều xuống còn 139 tỷ đồng và 92 tỷ đồng.

Sang năm 2018, lợi nhuận của Hoàng Huy được cải thiện hơn khi trong tháng thu về gần 88 tỷ đồng, tăng mạnh so với 25 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Đây chưa hẳn là tín hiệu tích cực vì doanh thu trong kỳ của Hoàng Huy lại giảm từ 702 tỷ đồng xuống chỉ còn 658 tỷ đồng.

CTCP Ô tô TMT cũng có chuỗi ngày lao dốc tương tự. Trong năm 2015, lợi nhuận sau thuế của TMT vọt lên 187 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2016 và 2017, con số này chỉ còn là 48 tỷ đồng và 11 tỷ đồng.

Tới 6 tháng đầu năm 2018, TMT thậm chí còn thê thảm hơn Hoàng Huy khi thua lỗ hơn 10 tỷ đồng. Đây là kết quả của doanh thu giảm sâu từ 1.244 tỷ đồng xuống chỉ còn 688 tỷ đồng.

Vì kết quả kinh doanh yếu kém, cổ phiếu TMT và HHS cùng ngụp lặn dưới đáy. Chốt phiên giao dịch ngày 9/10, TMT và HHS lần lượt dừng ở mức 11.000 đồng/cổ phiếu và 4.270 đồng/cổ phiếu.

CTCP Ô tô Giải Phóng (GGG) và CTCP Công nghiệp Ô tô - Vinacomin (VMA) thậm chí còn bi đát hơn. Lợi nhuận của VMA trong nhiều năm luôn loanh quanh mức 4 tỷ đồng nên cổ phiếu VMA chỉ được định giá ở mức 8.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu GGG có thị giá siêu thấp, chỉ đạt 600 đồng/cổ phiếu. Đó là kết quả của việc GGG thua lỗ trong nhiều năm liền và âm vốn chủ sở hữu hơn 100 tỷ đồng.

Bất động sản không cứu nổi

Trước đà “lao dốc” này, GGG và VMA dường như đã “chịu trận”, chưa tìm được cách nào để đến cánh “cửa sáng” hơn. Trong khi đó, TMT và Hoàng Huy đã có rất nhiều nỗ lực. Nếu TMT vẫn trung thành với ngành nghề chính của mình thì Hoàng Huy lấn sân sang bất động sản.

TMT có định hướng phát triển, mở rộng thị trường miền Nam. Vừa qua, TMT đã đưa vào khai thác và kinh doanh showroom - tổng kho miền Nam trên khu đất 10.000m2 tại Q.12, TP.HCM. Trong năm 2018, TMT dự kiến xây dựng thêm 4 điểm trưng bày bán hàng trực thuộc gồm 2 ở TP.HCM và 2 ở Hà Nội. Và tất nhiên, bước đi mới mẻ này vẫn chưa mang lại nhiều kết quả.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Hoàng Huy là đại gia ô tô nỗ lực vượt khó nhất. Bất động sản là “cứu cánh” của Hoàng Huy. Ban lãnh đạo công ty đánh giá năm 2018 được xem là thời cơ không thể tốt hơn cho Hoàng Huy để đầu tư bất động sản.

Quy mô các dự án của Hoàng Huy không khổng lồ như Sala của Đại Quang Minh nhưng cũng đủ cho doanh nghiệp ô tô này đặt nhiều kỳ vọng. Hiện Hoàng Huy đang phát triển 5 dự án bất động sản gồm 4 dự án tại Hải Phòng và 1 dự án tại Hà Nội. Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như tòa tháp Gold Tower thuộc dự án Golden Land Building số 275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân với tổng số vốn đầu tư 800 tỷ đồng.

Trong thời gian này, thị trường xe gặp khó khăn, bất động sản mang lại khá nhiều doanh thu. Lợi nhuận gộp mảng bất động sản mang lại là 38,6 tỷ đồng, tương ứng 87% tổng lợi nhuận của công ty. Thế nhưng, đây vẫn là con số rất nhỏ bé. Kết quả là thị giá của HHS vẫn chưa bằng một nửa mệnh giá.

Hay là… chờ VinFast?

Hơn 2 năm qua, các doanh nghiệp ô tô niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đồng loạt chao đảo. Dù đã có rất nhiều nỗ lực nhưng có vẻ như khó khăn vẫn bủa vây các đơn vị kể trên. Thế nhưng, gần đây, giới đầu tư chứng khoán lại bàn tán về “cửa sáng” bất ngờ. Đó là sự xuất hiện của VinFast.

Chiều 2/10, thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam VinFast đã có màn ra mắt ấn tượng, thành công tại Paris Motor Show 2018. Cùng với cựu danh thủ David Beckham và tân Hoa hậu Việt Nam Trần Tiểu Vy, các mẫu xe của VinFast được cộng đồng mạng bình luận rất rôm rả.

Dù chưa biết mức giá, chưa biết sức nóng của ô tô VinFast còn duy trì lâu đến đâu nhưng anh Nguyễn Thanh Bình, một nhà môi giới chứng khoán cho rằng hợp tác với VinFast là “cánh cửa nhiều tiềm năng” cho các doanh nghiệp ô tô đang “mắc kẹt”.

Anh Bình bình luận: “Ô tô VinFast đang rất nóng và còn có thể nóng hơn trong tương lai nếu mức giá của chúng cạnh tranh hơn so với các mẫu cùng phân khúc. Vì vậy, hợp tác với VinFast có khi lại là lối ra cho các doanh nghiệp ô tô gặp khó. Chẳng phải VEAM lãi hàng ngàn tỷ đồng nhờ hợp tác với Honda và Toyota hay sao?”.

Hiện tại, VinFast đã bắt đầu tuyển dụng đại lý ủy quyền kinh doanh. Các đại lý ủy quyền kinh doanh sẽ có mô hình linh hoạt, đáp ứng từ bán hàng đến dịch vụ và phụ tùng. VinFast cho rằng sự đa dạng này nhằm tăng cường độ phủ và sự tiện lợi cho khách hàng.

Bảo Linh

 

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : vinfast, ô tô