Chiết khấu cao 'cản' nông sản Việt vào kênh bán hàng hiện đại

Tỷ lệ nông sản sạch vào các hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm từ 7-10%. Chiết khấu cao “cản” nông sản Việt vào kênh bán hàng hiện đại.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Việt Nam cho biết như trên tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 3 với chủ đề “Khơi nguồn nông sản Việt” diễn ra sáng 14/10, tại Hà Nội.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Việt Nam

Thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân rất hấp dẫn mà nhà đầu tư bán lẻ nào cũng muốn tham gia, còn người tiêu dùng ở đây luôn khát khao có hệ thống phân phối phục vụ các sản phẩm tiêu dùng có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để sử dụng hàng ngày.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, tỷ lệ nông sản sạch vào các hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm từ 7-10%, như vậy còn tới 80 – 90% hàng hóa nông sản được bán tự do ở các chợ, cửa hàng bán lẻ và cửa hàng rong. Trong đó, có đủ các loại gồm cả các sản phẩm đạt chất lượng và cả các sản phẩm không đạt chất lượng.

Việc số lượng hàng nông sản sạch vào siêu thị mới chiếm một thị phần nhỏ là do một phần yếu kém ở khâu sản xuất, mặt khác, còn do sự thiếu trách nhiệm, vì lợi nhuận mà chèn ép nhà cung ứng.

Ông Vũ Vinh Phú nhắc lại dẫn chứng: "Trong 1 diễn đàn kinh tế đầu năm 2018, đại diện Vụ Quản lý thuế - Tổng cục Thuế đã cho biết chiết khấu vào các siêu thị lớn ở con số 30%, đây là con số báo động của nền kinh tế". 

Nhiều siêu thị có doanh số bán lớn, có sức ép lớn có quyền quyết định. “6 người gửi rau vào chỉ có một người được chọn, mức chiết khấu lên đến 30%, chưa kể giao hàng xong đến siêu thị đòi tiền thì... kế toán đi vắng. Đây là một hình thức chiếm dụng vốn”, ông Phú nêu quan điểm.

Do vậy, nhiều nhà cung ứng đã không chịu nổi, đành phải rời “cuộc chơi”. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nông sản sạch của Việt Nam được bán ở thị trường tự do là chính, lẫn lộn với hàng hóa không đạt tiêu chuẩn.

Chiết khấu cao đang cản trở đường vào của nông sản Việt

“Ngay tại thị trường nội địa với 100 triệu dân vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là trong khâu phân phối, chia sẻ lợi nhuận giữa các khâu. Ở nước ngoài, hàng hóa chỉ cần 30 phút kiểm tra là vào được siêu thị, mức chiết khấu bình quân 12,8%; trong khi ở Việt Nam tại nhiều hội nghị liên kết cung cầu, rất nhiều doanh nghiệp đã phản ánh những bất cập khi đưa hàng vào siêu thị”, ông Phú cho hay.

Điều này là một báo động cho khâu phân phối. Nếu không cải thiện sẽ làm triệt tiêu nhuệ khí của nông sản Việt. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có luật hóa trong khâu phân phối. Thái Lan quy định 70% lợi nhuận là của người trồng nhưng tại Việt Nam, nông dân vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi.

Do đó, việc ngăn chặn sự lũng đoạn của khâu bán lẻ là cần thiết. 

Người nông dân và một số doanh nghiệp sản xuất nông sản chưa sống khỏe một cách trọn vẹn trên mảnh đất trồng trọt của mình và nông sản nhiều lúc phải đi cửa sau mới vào được một số siêu thị. Theo ông Vũ Vinh Phú, những vật cản của dòng chảy thương mại nông sản cần phải được phá bỏ càng sớm càng tốt. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tổ chức lại sản xuất và hệ thống phân phối nội địa để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và kinh tế tiêu dùng một cách bền vững.

Để khơi thông dòng chảy nông sản Việt, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, cần tổ chức lại sản xuất lớn theo quy hoạch của từng địa phương và từng vùng có lợi thế cho sự phát triển của các loại nông sản. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất và phân phối nhằm giảm chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản. Hình thành hệ thống chợ đầu mối, sàn giao dịch nông sản để đảm bảo mua bán được công khai minh bạch và quản lý an toàn thực phẩm. Đi đôi với việc phát triển nhanh hệ thống thương mại hiện đại, cần hạn chế tiến tới chấm dứt những hình thức độc quyền của thương mại bán lẻ, cần quan tâm tới xây dựng, cải tạo và phát triển các chợ dân sinh, đây là nơi hiện nay vẫn còn tiêu thụ đến 80% hàng hóa nông sản….

Khơi thông được dòng chảy nông sản, đây sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt, đẩy mạnh được tiêu thụ hàng hóa tại các phân phối hiện đại. Người tiêu dùng, xã hội sẽ được lợi từ dòng chảy lành mạnh này.

Không đánh đồng tất cả, ông Vũ Vinh Phú cho hay, trong giai đoạn khó khăn của các nhà cung ứng, vẫn nổi lên một số điểm sáng về mối quan hệ tốt đẹp. Tập đoàn Vingroup là một ví dụ. Giai đoạn 2016 – 2017, họ quyết định chiết khấu 0% 1 năm cho hàng gửi bán vào hệ thống của họ. Những điển hình này vần phải được nhân rộng trong cộng đồng mua bán ở thị trường Việt Nam.

LÊ HẬU

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : nông sản