Hợp tác phát triển năng lượng mặt trời

(Chinhphu.vn) - Là một trong các quốc gia đi đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển các giải pháp cho năng lượng mặt trời, các doanh nghiệp hàng đầu của Na Uy đã có những chia sẻ về những giải pháp tiên tiến nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời, cụ thể là điện mặt trời nổi.

(Chinhphu.vn) - Là một trong các quốc gia đi đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển các giải pháp cho năng lượng mặt trời, các doanh nghiệp hàng đầu của Na Uy đã có những chia sẻ về những giải pháp tiên tiến nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời, cụ thể là điện mặt trời nổi.

 

Ngày 15/10, Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 (PECC1) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo giới thiệu về Công nghệ Năng lượng mặt trời của Na Uy.

Tại Hội thảo, chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới trình bày tổng quan về ngành năng lượng mặt trời ở Việt Nam, tình hình thực tế cũng như kế hoạch và tiềm năng phát triển của lĩnh vực này trong tương lai. 

Là một trong các quốc gia đi đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển các giải pháp cho năng lượng mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời nổi, các doanh nghiệp hàng đầu của Na Uy chia sẻ về những giải pháp tiên tiến nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời, cụ thể là điện mặt trời nổi. Đây là một công nghệ tương đối mới nhưng đã đạt được những kết quả ấn tượng. Công nghệ này là một giải pháp có triển vọng cho những nước nông nghiệp nơi đất mặt đã trở thành mối quan tâm lớn đặc biệt trong các dự án điện mặt trời.

“Việt Nam là thị trường rất tiềm năng. Hệ thống sông, hồ, trong đó có cả lòng hồ thủy điện rất phù hợp với các giải pháp công nghệ mặt trời nổi mà chúng tôi cung cấp. Với công nghệ này chúng ta có thể phát triển điện mặt trời ở quy mô lớn mà không tác động tới đất nông nghiệp và hệ sinh thái của Việt Nam”, Giám đốc khu vực châu Á của Công ty Ocean Sun, ông Are Gloersen cho biết.

Tín hiệu cho sự phát triển của năng lượng mặt trời ở Việt Nam được đánh dấu bằng việc ban hành Biểu giá điện nối lưới (FIT) mới và Hợp đồng Mua bán điện mẫu (PPA) năm 2017. Bộ Công Thương cho biết, 8.000 MW của các dự án điện mặt trời đã được đưa vào Quy hoạch Phát triển Điện Quốc gia, và 10.000 MW đang nằm trong danh sách chờ.

“Chính vì vậy, các công ty Na Uy tham dự Hội thảo ngày hôm nay rất mong muốn được hợp tác, đầu tư và triển khai các dự án năng lượng mặt trời với các đối tác Việt Nam. Hy vọng trong thời gian tới doanh nghiệp của hai nước chúng ta có thể kết nối, hợp tác với nhau và phát huy đầy đủ tiềm năng hợp tác song phương giữa hai nước trong lĩnh vực này”, Đại sứ chỉ định của Na Uy tại Việt Nam bà Grete Lochen phát biểu tại lễ khai mạc.

Hội thảo là sự kiện đánh dấu một tuần làm việc của các doanh nghiệp Na Uy tại Việt Nam. Trong chuyến đi này, phái đoàn sẽ gặp gỡ các doanh nghiệp trong nước, các cơ quan hữu quan cũng như các nhà đầu tư tiềm năng tại Việt Nam. Phái đoàn bao gồm đại diện đến từ các công ty Ocean Sun, Norfund, Multiconsult, DNVGL và Scatec Solar.

Đỗ Hương

Theo baochinhphu.vn

Từ khóa : năng lượng mặt trời