Samco “bao biện”, né tránh khoản thua lỗ hàng trăm tỷ đồng

(NTD) - Hợp đồng hợp tác lắp ráp xe Fuso Rosa 29 chỗ giữa Samco và Công ty TNHH Mercedes Việt Nam (MBV) đã chấm dứt từ tháng 9/2017, để lại khoản thua lỗ gần 200 tỷ đồng, nhưng đến nay Samco vẫn chưa thừa nhận việc này và liên tục có những giải thích thiếu thuyết phục. Samco đang cố tình “bao biện” để né tránh trách nhiệm của khoản thua lỗ trong thương vụ nói trên?

Khoản lỗ gần 200 tỷ đồng chưa có người chịu trách nhiệm

Như Báo Người Tiêu Dùng đã thông tin: Năm 2014, Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) đã đầu tư xây dựng Nhà máy ô tô thương mại SCV tại địa chỉ lô E3, E4, KCN Cơ khí ô tô TP.HCM (huyện Củ Chi), có diện tích 40.000m2. Theo giới thiệu, SCV có vốn đầu tư hơn 114 tỷ đồng do Samco hợp tác cùng MBV, chuyển giao công nghệ từ Fuso (Nhật Bản) để sản xuất dòng xe thương mại 29 chỗ, mang thương hiệu Fuso Rosa. Công suất thiết kế dự kiến khoảng 1.000 xe/năm.

Đầu tư lớn nhưng kết quả kinh doanh của SCV lại rất kém. Trong 2 năm 2016-2017 SCV liên tục thua lỗ. Cụ thể, báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016, SCV lỗ hơn 37 tỷ đồng, năm 2017 lỗ hơn 1 tỷ đồng. Trong một báo cáo khác của SCV gửi Ban Tổng Giám đốc Samco cho thấy trong 2,5 năm hoạt động nhà máy này gánh khoản lỗ lên đến 55 tỷ đồng, bằng gần ½ tổng giá trị đầu tư nhà máy ban đầu. Từ đầu năm 2018 SCV không còn sản xuất dòng xe Fuso Rosa. Tài liệu phóng viên thu thập được cũng cho thấy, việc hợp tác giữa Samco và MBV đã kết thúc từ tháng 9/2017 bằng một thỏa thuận chấm dứt hợp đồng hợp tác lắp ráp.

Như vậy, tính đến thời điểm này, chỉ riêng khoản đầu tư dành cho SCV, Samco đã thua lỗ gần 200 tỷ đồng và gần như không có khả năng thu hồi bởi hợp đồng hợp tác lắp ráp với phía MBV đã kết thúc. Tuy vậy, Samco vẫn chưa công nhận sự thất bại của mình trong thương vụ đầu tư này. Cũng chưa có bất kỳ cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm khoản thua lỗ hàng trăm tỷ đồng nêu trên.

Cố tình “bao biện”, né tránh?

Ngoài ra, như Báo Người Tiêu Dùng từng đề cập, lẽ ra mọi hoạt động của SCV phải được Samco thông báo, xin ý kiến của UBND TP.HCM vì đơn vị này là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM. Thế nhưng các báo cáo gần nhất của Samco hoàn toàn không thấy bóng dáng nhân tố SCV, kể cả thông tin cực kỳ quan trọng như việc chấm dứt hợp tác sản xuất xe Fuso Rosa với MBV và số phận nhà máy trị giá 114 tỷ đồng đã đầu tư năm 2015.

Trong khi đó, trả lời phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, ông Đào Hoàng Trọng - Giám đốc Marketing của Samco lại khẳng định, mọi hoạt động liên quan đến SCV đều có báo cáo cho UBND TP.HCM. Tuy nhiên, ông Trọng từ chối cung cấp và hứa sẽ thông tin rõ ràng trong thời gian sớm nhất. Đồng thời vị này cũng khẳng định: “Thông tin nhà máy SCV ngưng hoạt động và sản xuất là không đúng, nhà máy chúng tôi ngưng hợp tác với đối tác trước đó cụ thể là MBV, ngưng gia công do họ không thuê nữa nên cho người khác thuê làm việc khác”.

Có thể thấy, trả lời của ông Trọng đã đi ngược hoàn toàn với hợp đồng hợp tác giữa Samco và MBV. Nếu nhà máy lập ra để cho thuê như lời ông Trọng thì cần gì phải đầu tư chuyển giao công nghệ như SCV đã làm. Và hợp đồng thuê đang ở đâu, giá trị bao nhiêu, hiện chấm dứt với MBV thì ai đang thuê? Ở góc độ khác, nếu SCV được Samco cho MBV thuê thì tại sao khi kết thúc lại không chấm dứt hợp đồng thuê mà là thỏa thuận chấm dứt hợp đồng hợp tác lắp ráp? Rõ ràng, có rất nhiều uẩn khúc tại SCV cần khai mở.

Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên ở góc độ người làm doanh nghiệp, ông Q.B, tổng giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh ô tô đã phản bác hoàn toàn ý kiến trả lời của người đại diện Samco. Ông Q.B nói: “Samco và MBV đã cùng hợp tác, bắt tay nhau tạo ra một sản phẩm và cùng chịu trách nhiệm về sản phẩm đó, hoàn toàn không phải gia công. Gia công là “mua đứt, bán đoạn”, bản chất rất khác nhau. Mà nếu chỉ gia công thì không thể báo lỗ được. Bởi gia công là làm cái nào bán hết cái đó thì làm sao lỗ? Vì vậy, trả lời gia công, không cho người này thuê thì cho người khác thuê là thoái thác trách nhiệm, là lái vấn đề sang hướng khác để che đậy cái sai, cái yếu kém của mình!”.

Nhận định thêm về nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của SCV, ông Q.B cho rằng, chủ yếu do chiến lược kinh doanh sai lầm, không hiệu quả, sản phẩm ít được thị trường đón nhận và câu chuyện về tài chính. “Cái đáng nói ở đây là biểu hiện thiếu trách nhiệm, sử dụng vốn Nhà nước không hiệu quả. Thậm chí, đây còn là số vốn rất lớn. Tôi cho rằng phải làm rõ, truy tới cùng trách nhiệm những người có liên quan. Phải xem rõ, thời gian dài báo lỗ, giấu dốt… mà không ai đá động đến thì nội tình bên trong là gì? Có thế lực bao che, có lợi ích nhóm thao túng hay không?” - ông Q.B nhấn mạnh.

Công suất SCV dự kiến đạt 5.000 xe/ 5 năm. Tuy nhiên, đi vào hoạt động 2,5 năm thì sản xuất tổng cộng chỉ 460 xe, đạt 18,4% so với kế hoạch ban đầu. Trong đó, sản lượng kinh doanh của dòng xe Fuso Rosa chủ lực chỉ đạt 200 xe, sau 2 năm ra mắt. Đây là con số quá khiêm tốn so với kế hoạch đề ra (1.000 xe/ năm).

Lợi nhuận ban đầu của dự án trong 5 năm ước đạt 14 tỷ đồng. Thế nhưng, sau 2,5 năm đi vào hoạt động lại lỗ đến 55 tỷ đồng, gần bằng ½ vốn đầu tư ban đầu cho nhà máy.

Võ Nguyễn - Kim Ngọc

 

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : samco, khoản lỗ