Công nghệ đang thay đổi việc làm ở Việt Nam và thế giới như thế nào?

Loài người luôn e sợ về tương lai do chính khả năng sáng tạo của họ dẫn dắt. Trong thế kỷ 19, Karl Marx từng lo ngại rằng “máy móc không chỉ là lực lượng cạnh tranh siêu việt với công nhân, nó còn là vũ khí hiệu quả nhất để trấn áp đình công”.

John Maynard Keynes cũng cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng trên diện rộng do ảnh hưởng từ công nghệ. Sự đổi mới còn thay đổi các tiêu chuẩn sống như tuổi thọ tăng, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cơ bản được phổ biến, thu nhập của hầu hết mọi người tăng.

3/4 công dân Liên minh châu Âu (EU) tin công sở hưởng lợi từ công nghệ, theo kết quả một khảo sát gần đây của Eurobarometer. 2/3 nói công nghệ sẽ có lợi cho xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống hơn nữa.

Nhiều lo ngại về tương lai vẫn còn hiện hữu, như tác động đến việc làm tại các nền kinh tế phát triển. Những người tham gia khảo sát giữ quan điểm tình trạng bất bình đẳng, cùng sự ra đời của “kinh tế thần tốc” - tổ chức ký hợp đồng với những công nhân độc lập trong ngắn hạn - sẽ tạo ra cuộc đua về điều kiện làm việc, theo báo cáo về việc làm của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group – WBG).

Tại một số nền kinh tế phát triển và những nước thu nhập trung bình, việc làm trong lĩnh vực sản xuất đang bị mất dần vào tự động hóa. Công nhân phải làm những công việc mang tính lặp đi lặp lại là lực lượng dễ bị thay thế nhất.

Công nghệ cũng mang lại cơ hội tạo ra việc làm mới, tăng cường năng suất và cải thiện hiệu quả dịch vụ công. Thông qua đổi mới, công nghệ cũng tạo ra những lĩnh vực mới, nhiệm vụ mới.

Công nghệ số cho phép doanh nghiệp tăng giảm quy mô nhanh chóng, xóa nhòa ranh giới giữa các công ty, thách thức phương thức sản xuất truyền thống.

Ảnh: Reuters.

Mô hình kinh doanh mới, trên nền tảng kỹ thuật số, đang phát triển từ những start-up địa phương cho tới những gã khổng lồ toàn cầu, thường với ít nhân viên hoặc tài sản hữu hình.

Điều này đặt ra những câu hỏi về chính sách với các vấn đề tư nhân, cạnh tranh và thuế. Các chính phủ bị hạn chế nguồn thu bởi bản chất “phi hữu hình” của tài sản sản xuất.

Những nền tảng mua sắm gia tăng cho phép công nghệ tiếp cận nhiều người nhanh hơn bao giờ hết. Các cá nhân, công ty chỉ cần kết nối Internet là có thể giao dịch hàng hóa, dịch vụ trực tuyến.

Chính “quy mô không có khối lượng” này mang lại cơ hội kinh tế cho hàng triệu người không sống ở những nước công nghiệp hóa hay khu công nghiệp.

Thay đổi trên đòi hỏi các kỹ năng nhất định, sự nhận thức cao hơn ở cả các nền kinh tế phát triển cũng như mới nổi. Đầu tư vào năng lực con người là ưu tiên trên hết trong cơ hội này.

Những yếu tố thay đổi bản chất việc làm

Có 3 kỹ năng ngày càng quan trọng trong thị trường lao động: nhận thức như giải quyết vấn đề phức tạp, hành vi xã hội như làm việc nhóm, và phối hợp để dự đoán khả năng thích ứng. Xây dựng những kỹ năng trên đòi hỏi nền tảng nhân lực vững mạnh và học hỏi cả đời.

Nền tảng nhân lực, thiết lập từ giai đoạn mầm non, ngày càng quan trọng hơn. Chính phủ các nước đang phát triển chưa ưu tiên nhiều cho giai đoạn này và kết quả là nhân lực sau đó vẫn dưới chuẩn.

Việc làm đang thay đổi bản chất. Nhiều yếu tố đã được đưa ra trong quá trình nghiên cứu của WGB nhưng chỉ có một số phù hợp với bối cảnh các nền kinh tế mới nổi.

Thứ nhất, công nghệ đang xóa nhòa ranh giới doanh nghiệp, rõ ràng nhất là sự trỗi dậy của các nền tảng mua bán, giúp hoạt động hiệu quả hơn.

IKEA, công ty Thụy Điển ra đời năm 1943, phải chờ 30 năm mới bắt đầu mở rộng ở châu Âu. Sau hơn 70 năm, doanh thu toàn cầu của IKEA đạt 42 tỷ USD. Trong khi đó, công ty Alibaba của Trung Quốc cán mốc 1 triệu người dùng trong 2 năm, 9 triệu thương gia trực tuyến cùng doanh thu toàn cầu 700 tỷ USD trong 15 năm nhờ công nghệ.

Ảnh hưởng của công nghệ đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Thứ hai, công nghệ đang định hình những kỹ năng cần thiết cho công việc. Nhu cầu những kỹ năng cấp thấp – có thể bị thay thế bởi công nghệ, đang giảm. Nhu cầu về kỹ năng nhận thức cao, hành vi xã hội và phối hợp cùng năng lực thích ứng tốt hơn thì ngược lại.

Xu hướng này hiện rõ ở các quốc gia phát triển và một số quốc gia đang phát triển. Ở Bolivia, tỷ lệ việc làm kỹ năng cao tăng 8% trong giai đoạn 2000 – 2014. Con số này ở Ethiopia là 13%.

Thứ ba, mối đe dọa từ công nghệ robot tới việc làm đang gia tăng dù ý tưởng dùng robot thay thế công nhân vẫn còn là vấn đề nhạy cảm.

Việc làm công nghiệp giảm tại nhiều nền kinh tế thu nhập cao trong 2 thập kỷ qua là xu hướng được nghiên cứu kỹ. Bồ Đào Nha, Singapore và Tây Ban Nha nằm trong nhóm có tỷ lệ việc làm công nghiệp giảm 10% hoặc hơn kể từ 1991, thể hiện sự chuyển dịch từ công nghiệp sang dịch vụ.

Trái lại, tỷ lệ lao động công nghiệp trên tổng lực lượng lao động tại các nền kinh tế thu nhập thấp và trên trung bình không thay đổi trong giai đoạn 1991 – 2017, lần lượt ở 10% và 23%, nhưng tăng ở nhóm thu nhập dưới trung bình từ 16% lên 19%.

Tại Việt Nam, tỷ lệ lao động công nghiệp trên tổng lực lượng lao động tăng từ 9% năm 1991 lên 25% vào năm 2017. Tại Lào, tỷ lệ trên tăng 7%.

Những nước này đã cải thiện năng lực con người, đưa thêm lao động trẻ có kỹ năng vào thị trường. Lực lượng lao động đó cùng với công nghệ mới đã cải tiến sản xuất. Kết quả, tỷ lệ lao động công nghiệp ở Đông Á tiếp tục tăng.

Tỷ lệ việc làm công nghiệp (a) giảm tại các nước phương Tây và đang tăng ở châu Á nhưng tổng lực lượng lao động (b) nhìn chung vẫn tăng.

Thứ tư, nhiều quốc gia đang phát triển vẫn còn nhiều công nhân làm những việc năng suất thấp, thường trong những lĩnh vực phi chính thức bị hạn chế tiếp cận công nghệ dù các quy định về môi trường kinh doanh đã được cải thiện trong 2 thập kỷ qua. Giải quyết tình trạng này tiếp tục là mối quan tâm của các nền kinh tế mới nổi.

Thứ năm, công nghệ, đặc biệt là truyền thông xã hội, tác động đến sự nhận thức về gia tăng bất bình đẳng tại nhiều nước.

Con người thường hướng đến các tiêu chuẩn sống cao hơn và tham gia nền kinh tế nếu có cơ hội. Tuy nhiên, nếu có sự chênh lệch giữa cơ hội việc làm và kỹ năng, sự thất vọng có thể dẫn tới di cư hoặc phân mảnh xã hội.

Chính phủ các nước nên làm gì?

Kết quả phân tích của WB cũng nêu ra một số lĩnh vực chính phủ các nước có thể hành động.

Thứ nhất là đầu tư vào năng lực con người, đặc biệt là giáo dục từ bậc mầm non để phát triển nhận thức và hành vi xã hội ngoài những kỹ năng cơ bản.

Tiếp theo là tăng cường an sinh xã hội. An sinh xã hội được đảm bảo ở mức tối thiểu và tăng cường bảo hiểm xã hội bằng cách cải cách các quy tắc trong thị trường lao động tại một số nền kinh tế mới nổi sẽ giúp đạt mục tiêu này.

Thứ ba là thiết lập không gian tài chính để tài trợ phát triển năng lực con người và an sinh xã hội. Thuế bất động sản tại những thành phố lớn, áp thuế với đường hoặc thuốc lá, carbon là những cách giúp chính quyền tăng nguồn thu. Một phương thức khác là xóa bỏ những phương thức né thuế doanh nghiệp hay sử dụng nếu không muốn tăng thuế suất.

Sự đầu tư đáng kể nhất mà mọi người, doanh nghiệp và chính phủ có thể thực hiện trong thay đổi bản chất công việc là tăng cường năng lực con người. Một trình độ cơ bản của nhân lực, như đọc và tính toán, là điều cần thiết để nền kinh tế tồn tại. Công nghệ ngày càng có nhiều vai trò trong cuộc sống và kinh doanh đồng nghĩa mọi loại hình công việc, kể cả không cần kỹ năng, đều đòi hỏi khả năng nhận thức cao hơn.

Vai trò của năng lực con người cũng gia tăng bởi nhu cầu kỹ năng hành vi xã hội cần thiết cho công việc cần có tương tác giữa các cá nhân, vốn chưa sẵn sàng để máy móc thay thế. Để thành công, kỹ năng hành vi xã hội – tiếp nhận từ khi còn bé và phát triển suốt cả đời người – phải mạnh mẽ. Năng lực con người quan trọng bởi thời đại cần khả năng thích ứng cao hơn.

Theo Như Tâm

NDH

Theo cafebiz.vn

Từ khóa : công nghệ, việc làm