Bát nháo quảng cáo thực phẩm chức năng

Nhiều website quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) sai quy định, không đúng sự thật đã được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y liên tiếp “điểm mặt, chỉ tên” trong thời gian qua. Tình trạng bát nháo này cho thấy, hiện cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp quản lý triệt để đối với quảng cáo TPCN trên mạng…

Một sản phẩm của Công ty cổ phần dược phẩm PQA được Cục An toàn thực phẩm phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định quảng cáo.

Nguy cơ rủi ro khi mua TPCN trên mạng

Anh Nguyễn Hoàng Dương, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, cách đây nửa năm, anh đã mua sản phẩm TPCN hỗ trợ điều trị cao huyết áp cho mẹ mình sau khi đọc những lời quảng cáo tràn lan trên các website.

Điều đáng nói, những dòng quảng cáo này khá mập mờ, hầu hết không nói rõ sản phẩm đó là thuốc hay TPCN. Đặc biệt trong đó thổi phồng rất nhiều công dụng của sản phẩm khiến anh tin rằng, bệnh của mẹ mình sẽ thuyên giảm nếu sử dụng. Tuy nhiên, quảng cáo công dụng là 10 phần thì thực tế chỉ đạt 1-2 phần. Bệnh tình của mẹ anh không những không thuyên giảm mà còn nặng hơn. Sau đó anh đã đưa mẹ mình đến cơ sở y tế khám, nghe tư vấn điều trị từ các bác sỹ.

Thời gian gần đây, gần như ngày nào Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cũng đưa ra lời khuyến cáo đối với người tiêu dùng khi mua TPCN trên rất nhiều trang web điện tử.  Mới đây nhất, sáng 22/10, Cục ATTP đã phát hiện hai sản phẩm sức khỏe Viên xương khớp và đột quỵ não Nattospes đăng quảng cáo sai quy định, không đúng sự thật trên một số website. Tuy nhiên, vì các công ty có sản phẩm được quảng cáo trên các trang web đó đều phủ nhận, nên Cục ATTP chỉ đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua những sản phẩm này trên các web…

Tình trạng các website vi phạm quy định về quảng cáo liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây. Tuy nhiên khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, hầu hết các công ty có sản phẩm được quảng cáo đều phủ nhận không liên quan đến các website quảng cáo đó. Đây thực sự là một tồn tại khó xử lý đối với cơ quan chức năng.

Cần có biện pháp quản lý triệt để

Dược sĩ Hoàng Minh Đức, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, khi mua TPCN online, người tiêu dùng rất dễ gặp phải rủi ro như mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhiều trang web thổi phồng công dụng, chất lượng của sản phẩm, nội dung thông tin cố tình mập mờ giữa thuốc và TPCN để đánh lừa người tiêu dùng. Ông Trần Đáng, Chủ tích Hiệp hội TPCN Việt Nam chia sẻ, sai phạm chủ yếu của hoạt động quảng cáo TPCN trên mạng là quảng cáo thái quá, quảng cáo sai thành phần trong các sản phẩm, nhiều sản phẩm chưa được xác nhận an toàn thực phẩm từ cơ quan chức năng...

Khảo sát của Báo Thế giới tiếp thị online trên trang web lohha.com.vn thì thấy, tại đây đang quảng cáo sản phẩm “Vương bảo phụ” nhưng không nêu rõ sản phẩm đó là thuốc hay thực phẩm chức năng để người tiêu dùng phân biệt. Tình trạng này cũng xuất hiện trên trang shopthucphamchucnang.com.vn với phần quảng cáo TPCN “Nga phụ khang”.

Điều đáng nói, bên cạnh những dòng dày đặc về công dụng của sản phẩm, thì hầu hết trên các trang web này đều không đưa ra những khuyến cáo về tác dụng phụ khi dùng sản phẩm có thể gặp phải.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và truyền thông đã có văn bản gửi các đài truyền hình, đài phát thanh trên toàn quốc về việc chấn chỉnh, rà soát hoạt động quảng cáo trên sóng phát thanh, truyền hình. Tuy nhiên, đối với hoạt động quảng cáo TPCN trên mạng thì lực lượng chức năng vẫn chưa có biện pháp quản lý triệt để. 

Là cơ quan quản lý trực tiếp trong lĩnh vực này, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ Thông tin truyền thông; lực lượng An ninh văn hóa, Bộ Công an liên tục rà soát nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm về quảng cáo thực phẩm, nhất là quảng cáo trên website.

Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 89 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 5,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm đã tạm dừng lưu thông 26 lô sản phẩm vi phạm (13 lô sản phẩm vi phạm về ghi nhãn, 04 lô sản phẩm vi phạm về chất lượng, 09 lô sản phẩm không công bố sản phẩm theo quy định); thu hồi 24 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, 4 giấy xác nhận nội dung quảng cáo và 7 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đã chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả; chuyển Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử 23 trường hợp…

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, cơ quan này vẫn đang liên tục thực hiện việc thanh kiểm tra, rà soát hoạt động quảng cáo, kinh doanh, sản xuất của các công ty sản xuất các TPCN nhằm phát hiện các sai phạm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ngoài việc xử lý vi phạm đối với người quảng cáo/cơ sở có sản phẩm thực phẩm được quảng cáo, Cục An toàn thực phẩm sẽ chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định đối với người phát hành quảng cáo nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong các hoạt động quảng cáo thực phẩm, giúp người tiêu dùng có những thông tin đúng về sản phẩm để khách hàng lựa chọn những sản phẩm có chất lượng tốt với giá thành phù hợp.

THẠCH HƯƠNG

Ngày 19/10 vừa qua, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, đã ký quyết định xử phạt Công ty TNHH CTR BIO (phường Tân Hưng, quận 7) số tiền 93 triệu đồng vì 3 lỗi sau:

Không tuân thủ các quy định về bảo quản thực phẩm: Kho bảo quản sản phẩm không đạt;

Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kanka Katsuryokujin trên website bothankankanhatban.com và tờ rơi quảng cáo sản phẩm Kanka Viagra sa mạc nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.

Sản phẩm Kanka Katsuryokujin và Kanka Viagra sa mạc được quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh, như: “Thuốc tăng cường sinh lý 1 giờ”, “Nhục thung dung - chìa khóa vàng giải quyết vấn đề sinh lý trỗi dậy phong độ đàn ông” với phương pháp Nhật Bản.

Trước hàng loạt sai phạm trên, Ban quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM buộc công ty TNHH CTR BIO phải tháo gỡ, xóa bỏ các quảng cáo trên và cải chính thông tin.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : quảng cáo, thực phẩm chức năng