Người kế nghiệp Đại Đồng Tiến

(DĐDN)- Từng du học và làm việc ở Singapore 7 năm, Trịnh Chí Cường ngồi vào chiếc ghế Tổng giám đốc Cty Nhựa Đại Đồng Tiến ở tuổi 26. Nhưng Cường đã từng bước khẳng định vị trí trong Cty với tâm nguyện của người cha: “Vượt lên trên điều bình thường, kiến tạo nên sự khác biệt, để hết thảy mọi người đều có cơ hội đón nhận sự tiến bộ, phát triển, kiến tạo nên những sản phẩm chất lượng cao, mang đến những giá trị cuộc sống tốt đẹp hơn cho khách hàng và người tiêu dùng…”.

Anh Trịnh Chí Cường – Tổng giám đốc Cty Nhựa Đại Đồng Tiến

Anh Trịnh Chí Cường không ngần ngại chia sẻ với báo DĐDN: lợi thế của Đại Đồng Tiến là đã có bề dày thương hiệu, có thị trường, nhưng cũng chính là thách thức đối với tôi để làm thế nào phát huy được lợi thế và đưa Cty phát triển vững bền trong môi trường hội nhập hiện nay. Tôi không dám nói sẽ làm tốt hơn các bậc tiền bối, nhưng tôi phải làm chuyên nghiệp hơn. Có như vậy mới không phụ lòng họ.

Chuyên nghiệp từ tư duy…

– Vậy anh đã bắt tay vào công việc như thế nào khi nhận chức Tổng giám đốc ở tuổi 26?

Việc đầu tiên của tôi là lên kế hoạch thành lập Phòng Nghiên cứu và Phát triển cho Cty. Điều này trước đây, lúc còn hoạt động theo mô hình Cty gia đình, Đại Đồng Tiến chưa từng nghĩ tới. Đồng thời, cuối năm 2007, Đại Đồng Tiến đã sản xuất ra sản phẩm mang nhãn hiệu Sina, ứng dụng công nghệ Nano Bạc (công nghệ kháng khuẩn). Những hộp nhựa Sina gia dụng có thể kháng khuẩn và ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc trong môi trường, giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn. Đây là cột mốc quan trọng, vì từ đó, Đại Đồng Tiến bắt đầu có nhãn hàng mang phong cách hiện đại, chú trọng yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

– Trong cơ cấu đang áp dụng cho Cty, anh tách bạch hai khâu sản xuất – thiết kế và R&D (nghiên cứu và phát triển). Nhờ vậy mà Đại Đồng Tiến đã có sự đột phá về sản phẩm mới?

Một ví dụ thành công của việc triển khai bộ phận R&D là đưa ra dòng sản phẩm công nghệ kháng khuẩn Sina. Tôi khuyến khích phát triển công tác R&D, không gò bó bộ phận này trong việc sáng tạo và tạo ra khung pháp lý để họ có thể sáng tạo.
Đến nay, chỉ 80% sản phẩm mới của Đại Đồng Tiến thành công khi đưa ra thị trường, nhưng theo tôi, đây là con số khả quan bởi sản phẩm mới thường luôn gặp rủi ro. Mặt khác, tôi phát triển R&D vì muốn bên cạnh sản phẩm bằng nhựa Đại Đồng Tiến còn phải hướng tới các sản phẩm khác nữa.

– Tại sao anh có ý tưởng sản xuất sản phẩm nhựa gia dụng có chất lượng cao, trong khi thị trường lại không mấy chú trọng và người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là sản phẩm nhựa an toàn…?

Như chúng ta đã biết, lâu nay, người tiêu dùng Việt Nam vẫn thờ ơ, nhà phân phối không mặn mà với chất lượng các sản phẩm nhựa gia dụng. Nên các mặt hàng này đa số nằm ở phân khúc giá rẻ, chiếm thị phần nhiều nhất hiện nay. Và giá cả cũng chênh nhau từ 50 – 70%. Khó khăn này tôi đã chạm tay vào nó, nhưng tôi nghĩ rằng: nếu mình không đi tiên phong, thì tương lai, mình sẽ đánh mất thị trường nhựa gia dụng chất lượng cao và nhường chỗ cho hàng nhập. Vì thế cho dù khó khăn, trở ngại đến mấy tôi không từ bỏ: bởi sự sáng tạo, công nghệ hiện đại là sự sống còn của ngành nhựa.

– Vậy anh có “hối tiếc” trước sự sáng tạo chưa đem lại kỳ vọng này không?

Kinh doanh là câu chuyện dài nhiều tập. Điều quan trọng của một nhà quản trị là biết chấp nhận thất bại, bước qua nó để đi tới chứ không phải ngồi đó than thân trách phận. Không có cái gì hoàn hảo cả, chỉ có làm tốt hay không mà thôi.
Dòng sản phẩm kháng khuẩn Sina ra đời đúng vào thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế, sản phẩm cao cấp ít được người tiêu dùng chú ý và chính chúng tôi – nhà sản xuất cũng chưa chú trọng làm phong phú và quảng bá sản phẩm. Hơn nữa giá cả còn quá cao nên rất khó bán nên chúng tôi chọn phân khúc sản phẩm dành cho dân thành thị và được bán tại các siêu thị. Đặc biệt, doanh thu từ sản phẩm Sina chỉ chiếm khoảng 3-5%.
Hơn nữa, hàng gia dụng nếu nhà sản xuất không có lương tâm sẽ dùng nhựa tái sinh để sản xuất. Sản phẩm sẽ gây độc hại cho cơ thể trong quá trình sử dụng, thậm chí dẫn đến ung thư. Các chất độc có trong sản phẩm sẽ ngấm từ từ, chứ không ngộ độc liền như thực phẩm ăn vào. Nhưng với đồ nhựa cao cấp, sử dụng nguyên liệu sản xuất sẽ là hạt nhựa nguyên sinh, không chứa chất BPA (nguyên nhân gây bệnh tiếu đường, ung thư và vô sinh nam).

– Như vậy, Đại Đồng Tiến đã đi tiên phong trong sản xuất nhựa gia dụng cao cấp này?

Thậm chí, cho đến thời điểm này, rất ít người tiêu dùng nhận thức sản phẩm loại nào sử dụng tốt cho sức khỏe. Vậy nên muốn người tiêu dùng thấy được cái lợi sản phẩm mang lại cần phải có thời gian. Điều đó đồng nghĩa mình phải kiên trì, nhẫn nại và tâm huyết. Những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất ra nhiều mặt hàng nhựa gia dụng nhựa cao cấp có tính năng đặc biệt (bao bì thực phẩm, hộp đựng thức ăn)… được sản xuất từ nhựa chính phẩm không chứa chất BPA.

Đồng thời, Đại Đồng Tiến cũng đáp ứng tốt các tiêu chuẩn và chỉ số CSI (chỉ số sự hài lòng của khách hàng) trong đó tiêu chuẩn ICTI (trách nhiệm xã hội đối với nhà sản xuất…) là một chứng nhận rất quan trọng mà chúng tôi vừa đạt được trong năm 2015. Mặc khác, do được đầu tư tốt ở khâu công nghệ và thiết kế, lại được quản lý chất lượng tốt nên các sản phẩm Đại Đồng Tiến luôn có chất lượng cao, mẫu mã tinh tế hiện đại, thân thiện an toàn với sức khoẻ.

– Nhưng chắc anh cũng đã có những thành công bước đầu?

Nhờ kiên trì với tiêu chí chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu, sau khi vững chắc với thị phần hàng nhựa gia dụng trong nước, Đại Đồng Tiến đang chuyển trọng tâm sang thị trường xuất khẩu và nhóm hàng công nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, Đại Đồng Tiến đã có trên 200 mẫu mã nhựa trong sinh hoạt, công nghiệp… theo tiêu chuẩn an toàn. Có hơn 10% sản phẩm được xuất sang Úc, châu Âu và Trung Đông.

Gần đây nhất, tháng 10 /2015, chúng tôi đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm gia dụng mới như: Tủ đựng áo quần làm bằng nhựa PP, ABS, bền, chắc nhẹ, chóng ẩm, chóng mối mọt, không công vênh. Bình đựng nước, ly, hộp đựng thực phẩm, xô, rổ… làm bằng 100% từ nhựa chính phẩm. Đó cũng chính là những mục tiêu mà Đại Đồng Tiến đã và đang thực hiện từ nhiều năm gần đây.

Đồng thời, trong chiến lược phát triển, chúng tôi đã quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho bộ phận R&D và khâu thiết kế sáng tạo. Thông qua các đối tác từ châu Âu, Đại Đồng Tiến đang sản xuất và gia công các mặt hàng đồ chơi trẻ em với các tiêu chuẩn cực kỳ nghiêm ngặt và được bán rộng rãi tại thị trường EU. Hai nhà máy của công ty tại quận Bình Tân và KCN Nhơn Trạch Đồng Nai đang sản xuất liên tục không nghỉ suốt cả năm để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu khắp các châu lục. Hiện tại, nhà máy tại Nhơn Trạch đang tiếp tục xây dựng mở rộng để thêm các dây chuyển sản xuất mới, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm sau, với mục tiêu tăng trưởng doanh số thêm 20% nữa.

Hợp tác để cộng hưởng sức mạnh

Cường cho biết: Ngành công nghiệp nhựa là một trong những ngành quan trọng trong cơ cấu công nghiệp quốc gia và hiện đang phát triển nhanh tại Việt Nam. Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu vào năm 2020 so với hiện nay mới đạt khoảng 2,2 tỷ USD.

Hàng gia dụng nếu nhà sản xuất không có lương tâm sẽ dùng nhựa tái sinh để sản xuất và sẽ gây độc hại cho cơ thể trong quá trình sử dụng.

– Vậy theo anh, ngành nhựa phải làm gì để đạt được mục tiêu này?

Hiện nay các DN nhựa trong nước đang tập trung vào nhóm nhựa gia dụng và hiện đang chiếm lĩnh thị phần nhóm hàng trung bình khá trở xuống. Để cạnh tranh và phát triển ở quy mô lớn hơn, chúng ta phải nghĩ đến việc sản xuất các sản phẩm nhựa cao cấp, nhựa công nghiệp, các sản phẩm xuất khẩu quốc tế có tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu. Và đó cũng chính là những mục tiêu mà Đại Đồng Tiến đã và đang thực hiện từ nhiều năm gần đây.
Ngoài ra các DN đối thủ từ Trung Quốc và Thái Lan luôn nhận được các gói hỗ trợ của Chính phủ trong việc phát triển thương hiệu quốc tế và xuất khẩu, thì gói hỗ trợ này của Việt Nam vẫn chưa có. Chúng tôi rất mong điều này sẽ được quan tâm hơn trong thời gian tới.

– Nhưng Việt Nam bước vào sân chơi toàn cầu khi các hiệp định song phương, đa phương đã và đang có hiệu lực, liệu đòi hỏi được hỗ trợ của anh có là… quá đáng?

Việc mở cửa thị trường cần những DN vừa và lớn thì mới đủ sức cạnh tranh và kết nối nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu. Nhưng theo tôi biết Việt Nam chỉ có khoảng 2% DN vừa và có tới 96% DN nhỏ. Nên chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố cốt lõi giúp DN dễ dàng hội nhập khi các hiệp định được kí kết. Nếu không đủ sức, hãy cân nhắc việc kết nối hoặc sáp nhập. Bởi theo tôi, cho dù với một DN khi mở cửa may mắn có cơ hội, nhưng nếu không nỗ lực cũng khó gặt hái thành công, thậm chí bị loại khỏi cuộc chơi. Một khó khăn nữa là của chúng tôi khi chinh phục các thị trường mới là sẽ phải cạnh tranh cả với các đối thủ mà mình không hề biết trước…

– Đó là chuyện làm ăn… vậy trong đời sống doanh nhân làm thế nào để anh cân bằng cuộc sống của mình khi dành quá nhiều thời gian dành cho công việc kinh doanh?

Guồng quay công việc đôi khi chính là môi trường mà người doanh nhân cảm thấy cân bằng nhất. Sự nghỉ ngơi vui chơi đôi khi lại mang đến cảm giác chông chênh nếu nó kéo dài quá lâu. Theo tôi yếu tố gia đình – nơi bình yên nhất chính là điểm quan trọng để giúp cân bằng trong cuộc sống của doanh nhân.

– Với anh, điều gì làm anh “tỉnh táo” sau mỗi ngày làm việc và động lực mới cho ngày làm việc hôm sau?

Tôi phải lo lắng cho gần 2.000 công nhân viên cho nên động lực này luôn luôn hiện hữu, không phút nào có thể xao nhãng, không cần phải có động lực hay không. Với tôi, trở về nhà trong bầu không khí đại gia đình với những tiếng cười vui vẻ là điều tuyệt vời nhất giúp tôi mau chóng lấy lại năng lượng cho cuộc sống của mình.

– Cảm ơn và chúc anh cùng Đại Đồng Tiến đạt được mục tiêu của mình!

Theo Phương Nhi thực hiện (enternews.vn)

Từ khóa : Đại Đồng Tiến,Trịnh Chí Cường