Gian nan câu chuyện xếp hạng HDV du lịch ở Việt Nam
(NTD) - Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam (VTGA) đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) tiến hành triển khai việc xếp hạng Hướng dẫn viên (HDV) du lịch. TP.HCM là địa phương được tiến hành thí điểm đầu tiên, sau đó lần lượt đến Hà Nội và Quảng Ninh.
Xếp hạng HDV du lịch, thế giới đã làm từ lâu
Đây là dự án do Liên minh Châu Âu (EU) hỗ trợ và dự án này không chỉ giúp Việt Nam rà soát chất lượng HDV mà còn quản lý hồ sơ HDV bằng hệ thống phần mềm online chuyên nghiệp, tiện lợi hơn trong tương lai. Trong 3 ngày 22, 23, 24/10/2018, tại TP.HCM, các HDV đăng ký tham gia phần thi xếp hạng (miễn phí), chấm điểm qua 3 nội dung thi chính: Thi năng lực, chiếm 20% tổng số điểm gồm trình độ học vấn, nghiệp vụ hướng dẫn, trình độ ngoại ngữ, các chứng chỉ nghiệp vụ bổ sung, số năm kinh nghiệm hướng dẫn; thi kiến thức gồm: kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ chiếm 50% tổng số điểm và thi kỹ năng gồm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết minh, kỹ năng xử lí tình huống, kỹ năng văn nghệ hoạt náo, kỹ năng tổ chức quản lí, làm việc nhóm.
Ở các nước có nền phát triển du lịch mạnh và lâu đời trên thế giới, việc xếp hạng HDV du lịch đã được tiến hành từ lâu. Ví dụ như ở Vương quốc Anh, ngoài việc sở hữu thẻ HDV theo chuẩn CEN (chuẩn châu Âu) mang tên EN15565, các HDV phải tham gia cuộc thi sát hạch để phân cấp. Những HDV đủ tiêu chuẩn hành nghề khắp vương quốc Anh sẽ nhận huy hiệu màu xanh nước biển, còn những HDV có trình độ thấp hơn, chỉ được hành nghề ở từng khu vực, sẽ chỉ được nhận huy hiệu màu xanh lá cây.
Thạc sỹ Dương Đức Minh, Giảng viên bộ môn du lịch, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Ở châu Âu, việc xếp hạng các HDV rất khắt khe, quy củ. Chính vì vậy, trình độ của các HDV ở đây rất cao. Họ không chỉ là HDV đơn thuần mà còn là nhà tổ chức, đại sứ văn hóa… đối với khách du lịch. Ở Anh, thậm chí có những HDV còn nhận được huy hiệu OBE (Sĩ quan Đế chế Anh), MBE (Thành viên Đế chế Anh) vì những đóng góp to lớn cho ngành du lịch của quốc gia này”.
Ở Úc, các HDV ban đầu chỉ được nhận chứng chỉ hướng dẫn những tour nhỏ ở địa phương và dần dần học hỏi kinh nghiệm, thi lên bậc cao hơn và ít nhất phải đến bậc III mới được hành nghề chính thức. Tại Ấn Độ, Nhật Bản, Bộ Du lịch là cơ quan xếp hạng HDV và kiểm soát rất chặt chẽ quy trình này. Ở Nhật Bản, một HDV hành nghề mà không tham gia quy trình xếp hạng sẽ bị phạt tiền lên đến 500.000 yen (gần 103 triệu đồng).
Ở Việt Nam, các HDV vẫn chưa hào hứng
Trong cuộc họp báo mới đây tại TP.HCM về dự án xếp hạng HDV, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) phát biểu: “Đây là dự án hết sức ý nghĩa, cần thiết giúp nâng cao chất lượng đội ngũ HDV du lịch VN, khẳng định chất lượng đội ngũ HDV trong quá trình hội nhập vào thị trường du lịch quốc tế”. Để nâng cao uy tín của cuộc sát hạch, BTC đã mời 43 thẩm định viên gồm giáo viên chuyên ngành đào tạo hướng dẫn của các trường đại học, giám đốc, trưởng phòng hướng dẫn của các doanh nghiệp du lịch lớn... tham gia chấm thi trong cuộc thi tại TP.HCM.
Mặc dù vậy, số lượng HDV đăng ký tham dự lại quá khiêm tốn: chỉ có 60 HDV trong khi ở TP.HCM, số lượng HDV hiện có là hơn 5.300 người. Ông Bùi Văn Dũng, Phó chủ tịch Hội HDV du lịch Việt Nam tiết lộ, BTC cũng đặt ra mục tiêu khá khiêm tốn: sẽ có khoảng 600 HDV được xếp hạng sau khi sát hạch tại 3 địa điểm: TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh trong khi số lượng HDV tại Việt Nam là hơn 23.000 người.
Hiện tại, ở Việt Nam, số lượng HDV ký hợp đồng lao động với các doanh nghiệp lữ hành, được các công ty trả lương và đóng BHXH chỉ chiếm 5%, 95% số HDV còn lại là hoạt động tự do. Chính vì vậy, việc kiểm soát và kêu gọi các HDV tham gia xếp hạng không hề đơn giản. Rất nhiều HDV băn khoăn về lợi ích sau khi tham gia xếp hạng, liệu HDV hạng 5 sao (kim cương) thu nhập có cao hơn HDV hạng 4 sao (vàng), hạng 3 sao (bạc) hay không?, trong khi các doanh nghiệp lữ hành thường tuyển chọn nhân sự theo năng lực thực tế thay vì bảng xếp hạng. Ông Trịnh Tiến Quyết, công ty CP du lịch Vietourist chia sẻ: “Hiện tại, một số công ty du lịch tự tổ chức các cuộc thi nội bộ để đánh giá xếp hạng cho nhân viên của mình. Còn với các HDV tự do, họ chứng tỏ năng lực qua những lần hợp tác. Khi họ đã tạo được uy tín và trình độ của mình, họ không thiếu việc làm nên họ không mặn mà đến chuyện xếp hạng HDV”.
Một băn khoăn nữa là dự án xếp hạng HDV do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ sẽ chỉ có thời hạn đến hết năm 2018. Trong tương lai, BTC sẽ phải tìm những nhà tài trợ mới để thực hiện dự án này một cách lâu dài và bền vững. Trong trường hợp không tìm được nhà tài trợ, các HDV tham gia đăng ký xếp hạng phải đóng phí và quá trình xếp hạng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Rõ ràng, mục tiêu của dự án xếp hạng HDV du lịch Việt Nam là rất tốt nhưng để dự án phát triển và lan tỏa không phải là chuyện đơn giản.
Thế Anh
Theo www.nguoitieudung.com.vn
Từ khóa : d lịch, hướng dẫn viên du lịch