Bài 1: Nguyên liệu khoai tây lệ thuộc nhập khẩu

Trước nhu cầu đang gia tăng nhanh của ngành công nghiệp thực phẩm ăn nhanh, snack và thực phẩm tiện dụng, việc sử dụng khoai tây chế biến ngày càng phổ biến. Thị trường nguyên liệu khoai tây cho chế biến là rất lớn, nhưng hiện 60% nguồn nguyên liệu khoai tây chế biến tại Việt Nam phải nhập khẩu. Chủ động nguồn nguyên liệu trong nước đang là bài toán được đặt ra cho ngành trồng trọt.

Khoai tây chế biến trong nước mới đáp ứng được 40% nhu cầu. Thiếu hụt nguồn nguyên liệu khiến Việt Nam phải nhập khẩu.

60% khoai tây chế biến tại Việt Nam phải nhập khẩu

Không tính lượng khoai vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch, theo ước tính của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), hằng năm Việt Nam vẫn phải nhập khoảng 30 nghìn tấn khoai tây từ Trung Quốc – đây cũng là thị trường nhập khẩu khoai tây chính của Việt Nam, đặc biệt là khoai tây tươi. 

Không chỉ nhập khẩu khoai tây từ Trung Quốc, ông Romain Coolsm - Tổng thư ký Hiệp hội Belagpom, hiệp hội được công nhận bởi ngành công nghiệp chế biến và giao thương khoai tây Bỉ - cho biết: Lượng khoai tây Bỉ xuất khẩu sang Việt Nam năm 2017 đã tăng 50% và Bỉ trở thành một trong các nhà xuất khẩu chính khoai tây cho Việt Nam.

Khoai tây ở Việt Nam chủ yếu được trồng vào vụ Đông. Ảnh minh họa

“Việt Nam vẫn nhập khẩu các loại khoai tây, đặc biệt là khoai tây tươi, từ Trung Quốc là chính, trong bối cảnh Trung Quốc chuyển đổi khá thành công diện tích đất trồng lúa sang cây công nghiệp”, ông Romain Coolsm cho hay.

Trong khi tại Trung Quốc, mùa khoai tây kéo dài đến hết tháng 4 hàng năm, thì tại Việt Nam, khoai tây chỉ được trồng vào vụ Đông. Cạnh đó, diện tích trồng khoai tây của Việt Nam đang giảm dần, hiện chỉ khoảng 21.000 ha, giảm khoảng 10.000 ha so với 10 năm trước. Tổng sản lượng khoai tây của Việt Nam chỉ đạt khoảng 300.000 tấn/năm do năng suất thấp, chỉ khoảng 14 tấn/ha.

Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina được đánh giá là một trong những công ty sản xuất các sản phẩm bánh kẹo hàng đầu Việt Nam, được đầu tư trực tiếp từ Tập đoàn Orion đến từ Hàn Quốc. Đại diện Công ty Orion cho hay, lượng khoai tây sử dụng cho chế biến snack năm 2018 cần 18 ngàn tấn, con số này dự kiến năm 2019 là 22 nghìn tấn và đến 2020 là 25 nghìn tấn.

Trong thời gian qua, Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina đã liên kết 4 nhà trong việc trồng khoai tây cho doanh nghiệp. Theo đó, hiện nay, công ty đang liên kết với 15 nghìn hộ ở miền Bắc gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang và ở miền Nam là Lâm Đồng, Đà Lạt, Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện, khoai tây nguyên liệu nội địa chỉ đáp ứng được 40%. Nhập khẩu nguyên liệu 60% từ thị trường Trung Quốc.

Tương tự, Pepsico cũng là tập đoàn khai thác và sử dụng khoai tây toàn cầu. Ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Pepsico tại Việt Nam cho hay: "Chúng tôi có khoảng 580 hộ ký hợp đồng tại Lâm Đồng và Đắc Lắk đầu tư để phát triển chuỗi cung ứng khoai tây nội địa vì các địa phương này khí hậu thuận lợi cho mùa vụ, ngoài ra còn có nguồn cung ứng ngoài miền Bắc với khoảng 1.000 nông hộ".

Với tổng sản lượng hiện tại, khoảng 10.000 tấn được thu mua, phía PepsiCo cho hay, sản lượng này chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu kinh doanh của công ty. Vì tại Việt Nam còn một số mùa không phù hợp với trồng khoai tây. Dù Công ty PepsiCo cố gắng biến thành 2 mùa vụ thay vì chỉ 1 mùa vụ nhu trước đây, nhưng công ty vẫn phải nhập khẩu. “Trong 3 năm vừa rồi, nhu cầu chế biến khoai tây của công ty tăng hơn 20% mỗi năm”, ông Huy cho biết thêm.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) ông Nguyễn Như Cường chia sẻ: Theo khảo sát của Cục Trồng trọt, khoai tây ở Việt Nam hiện nay được tiêu thụ chủ yếu phục vụ ăn tươi ở thị trường nội địa, xuất khẩu lượng nhỏ sang Indonesia. Còn lại từ tháng 6 - 9 hàng năm, Việt Nam thường nhập khẩu khoai tây từ Trung Quốc.

Về hướng chế biến khoai tây, ông Cường cho hay, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ, dây chuyền chế biến với trị giá hàng chục triệu USD. Nhà máy có công suất lớn nhất đạt sản lượng 180.000 tấn/năm và xu hướng là doanh nghiệp tự xây dựng các vùng trồng nguyên liệu phục vụ chế biến.

Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng vẫn lớn nhưng diện tích khoai tây giảm nhanh chỉ còn khoảng 1/5 diện tích. Sản lượng khoai tây trong nước phục vụ chế biến mới chỉ đáp ứng khoảng 30 - 40%, số còn lại đang phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau.

Thị trường rất tiềm năng

Đại diện Orion Vina cho biết, mục tiêu của doanh nghiệp là tiến tới sử dụng 100% nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam và dùng toàn bộ nguyên liệu này để cho chế biến. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng khi mùa vụ khoai tây Việt Nam chỉ có từ tháng 1-3, thời gian cung cấp nguyên liệu ngắn, cùng với đất đai nhỏ lẻ nên việc đưa cơ giới vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, kỹ thuật của nông dân thấp. Đây cũng là nguyên nhân khó tăng được năng suất cây trồng. Sản xuất khoai tây ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Các sản phẩm chế biến từ khoai tây có nhiều tiềm năng. Ảnh minh họa

Do đó, phía công ty Orion Vina mong muốn Cục Trồng trọt, Viện Sinh học Nông nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các các vùng trồng tốt, các giống khoai tây tốt, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng trọt, có như vậy mới cho ra năng suất cao, nông dân mới có nhiều lợi nhuận.

Ông Huy nhận định, khoai tây có 2 loại, nấu ăn và loại chế biến. Cả hai đó đều phát triển nhanh. Riêng đối với khoai tây chế biến, đây là mảng mà Pepsico đang đầu tư và cũng đang tăng trưởng rất tốt. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu rất nhanh, đây là lý do công ty sẽ đầu tư trong thời gian tới. “Nhu cầu có nguồn nguyên liệu ổn định đạt chất lượng chế biến tại Việt Nam gia tăng tốc độ tăng 2 con số”, ông Huy nói. 

Nhu cầu khoai tây tại Việt Nam hiện nay khoảng 4kg/người/năm, trong khi tại Bỉ là 70 - 75kg/người/năm. Việt Nam đang có mức tăng trưởng 6,8% GDP nhưng không nằm trong danh sách những quốc gia có nhu cầu lớn về khoai tây. Tuy nhiên, ông Romain Coolsm nhận định, điều này sẽ thay đổi trong tương lai cùng mức tăng dân số khoảng 1%/năm, ước đạt 130 triệu người vào năm 2050.

Theo Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoai tây quốc tế (CIP) - Tiến sĩ Barbara Wells, khoai tây không chỉ cung cấp tinh bột mà còn có nhiều chất dinh dưỡng, đồng thời cũng là cây tạo ra thu nhập nhanh cho người nông dân. Vì vậy, cần quan tâm tạo ra các giống khoai tây tốt nhằm phục vụ cho mục đích tiêu dùng và chế biến, vừa tăng sản lượng vừa đảm bảo chất lượng khoai tây.

Việt Nam đang tái cơ cấu nền nông nghiệp, cơ cấu cây trồng có nhiều thay đổi. Theo ông Romain Cools, Việt Nam cần trồng nhiều khoai tây hơn lúa gạo, cần áp dụng công nghệ và kỹ thuật mới để tăng sản lượng. Chỉ khi sản lượng khoai tây tăng lên, Việt Nam mới ít bị phụ thuộc mặt hàng này của Trung Quốc.

LÊ HẬU

Việt Nam cũng có lợi thế lớn về mặt khí hậu để sản xuất khoai tây phục vụ xuất khẩu khi mùa đông ở miền Bắc rất phù hợp để trồng khoai tây trong khi mùa đông ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…không thể trồng được, đây cũng lợi thế và cơ hội hướng đến xuất khẩu.

Bài 2: Phát triển ngành khoai tây bền vững gắn với chế biến

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : khoai tây, nhập khẩu