Người Nhật thấy “đau tim” vì phải bán sản phẩm Trung Quốc

(NTD) - Ông Tetsuichiro Tomihari cảm thấy “đau tim” mỗi khi được hỏi về nhiều siêu thị mang thương hiệu Nhật nhưng hàng hóa được bày bán có xuất xứ từ Trung Quốc.

Nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các nhà bán lẻ Việt Nam và Nhật Bản, Hiệp hội Siêu thị quốc gia Nhật Bản (NSAJ) và Hiệp hội Hợp tác kỹ thuật và Đối tác bền vững Việt Nam (AOTS) đã tổ chức buổi hội thảo “Sự phát triển ngành kinh doanh bán lẻ tại Nhật Bản” tại TP.HCM ngày 30/10/2018.

Tại buổi hội thảo, ông Tetsuichiro Tomihari, Giám đốc khối triển lãm của NSAJ cũng giới thiệu về triển lãm siêu thị 2019 sắp diễn ra tại Nhật Bản. Sự kiện là dịp để các nhà lãnh đạo trong ngành bán lẻ, ngành công nghiệp phục vụ thức ăn và hàng tiêu dùng nhanh trên thế giới, gặp gỡ và mở rộng các mối quan hệ hợp tác.

Ở thời điểm hiện tại, theo đại diện của NSAJ, các sản phẩm của Việt Nam còn rất hiếm hoi tại thị trường Nhật. Như tại sự kiện các nhà mua hàng quốc tế vừa rồi, chỉ có vài doanh nghiệp Việt Nam tham gia, chủ yếu là ở mặt hàng gia vị và đồ khô. Ngược lại, doanh nghiệp bán lẻ Nhật hiện diện ở Việt Nam cũng chưa nhiều. Có thể kể đến vài cái tên nổi bật như siêu thị tổng hợp Aeon, chuỗi siêu thị Tokyo Mart hay Family Mart, Trung tâm thương mại Takashimaya…

Theo ông Tetsuichiro Tomihari, có nhiều lý do khiến các nhà bán lẻ Nhật mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Những năm gần đây, thế hệ trung lưu Nhật giảm xuống trong khi người nghèo tăng lên. Cùng với đó, số người độc thân - với thói quen mua đồ ăn sẵn thay vì nấu ở nhà - cũng gia tăng. Những điều này khiến số lượng các siêu thị tổng hợp ở Nhật giảm xuống. Để duy trì hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp bán lẻ Nhật phải mở rộng hoạt động ra các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Khi vào Việt Nam, các chủ doanh nghiệp luôn nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam để làm cơ sở lựa chọn hàng hóa sẽ bán. Thỉnh thoảng, họ giới thiệu một vài món đặc sản địa phương của Nhật để thăm dò sở thích của người Việt.

Tuy nhiên, thực tế có nhiều siêu thị mang thương hiệu Nhật nhưng hàng hóa được bày bán có xuất xứ từ Trung Quốc. Trả lời phóng viên Báo Người Tiêu Dùng về vấn đề này, ông Tetsuichiro Tomihari thừa nhận rất “đau tim” mỗi khi được hỏi về vấn đề này.

Ông Tetsuichiro Tomihari lý giải, số người Việt Nam đủ tiền mua sản phẩm “Made in Japan” không nhiều. Vì vậy, để đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định, một số nhà bán lẻ Nhật Bản phải bán thêm sản phẩm giá thấp của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Tetsuichiro Tomihari khẳng định, dù bày bán ở Việt Nam hay ở Nhật Bản, các sản phẩm của doanh nghiệp Nhật luôn được thẩm tra chất lượng kỹ lưỡng. Tại Nhật cũng có những sản phẩm Trung Quốc được sản xuất dành riêng cho người Nhật. “Không có chuyện lấy hàng Trung Quốc rồi dán tem Nhật Bản lên để bán cho người tiêu dùng Việt Nam”, ông Tetsuichiro Tomihari nói.

 Dương Nguyễn

 

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : NSAJ, AOTS, Việt - Nhật