'Nếm trái đắng' vì tin quảng cáo bán nhà trên mạng
Người mua nhà thường tìm hiểu thông tin trên các trang mạng. Tuy nhiên, có đến gần một nửa thông tin ấy không chính xác, hay trùng lắp, thậm chí nhiều thông tin lừa đảo khiến người mua bị “hố”.
“Ma trận” quảng cáo bất động sản
Nhiều người dân tại TPHCM có nhu cầu mua nhà nhưng lại có tâm lý e dè vì sợ bị lừa hoặc bị “hớ” trong các giao dịch nhà đất. Thời gian gần đây, nhiều trường hợp đã mất tiền oan.
Chị Nguyễn Thị Trang (ngụ quận Tân Bình) cho biết, chị vừa mua một ngôi nhà cấp 4 tại quận 12 với giá hơn 3 tỷ đồng, ngôi nhà có diện tích gần 100m2. Tuy nhiên, sau khi mua xong thì chị Trang mới phát hiện ngôi nhà bị dính lộ giới đến 30m2.
“Tôi đang định đập nhà đi xây mới nhưng do vướng lộ giới nên giờ chỉ xây được có 70m2. Nếu với giá hơn 3 tỷ đồng mà chỉ được xây dựng được có 70m2 thì tôi mua bị đắt rồi. Ngôi nhà này đúng giá chỉ khoảng 2,5 tỷ thôi”, chị Trang nói.
Người mua nhà đang đứng trước "ma trận" thông tin trên mạng, quá nhiều thông tin khiến người dân không thể biết đâu là thật và đâu là giả
Theo chị Trang, do chưa có kinh nghiệm trong việc coi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chị mua bị “hố”. Người mua nhà nên nhờ những người có kinh nghiệm về nhà đất để được tư vấn kỹ hơn.
Anh Trần Văn Nam (ngụ quận Phú Nhuận) cũng đọc thông tin trên mạng và thấy một ngôi nhà đẹp lung linh, nội thất sang trọng ở quận 3 được rao bán với giá 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đến nơi thì đây chỉ là ngôi nhà cũ nát và con hẻm đi vào chỉ rộng hơn 1m, không như môi giới quảng cáo là hẻm rộng 3m.
Tính đến tháng 10 năm 2018, Propzy - một công ty dịch vụ bất động sản dựa trên nền tảng công nghệ cho biết, họ đã tiếp nhận và xử lý hơn 30.000 yêu cầu đăng tin bán, nhưng sau khi xác thực chỉ có 1/4 yêu cầu đủ điều kiện để được giới thiệu đến khách mua nhà.
Trong số những yêu cầu không được xác thực, có tới 25% tin đăng bị trùng lắp và đến từ môi giới. 24% còn lại từ chối hợp tác và không cung cấp thêm thông tin, tài liệu về căn nhà. Rõ ràng, vấn đề không minh bạch thông tin bất động sản tại Việt Nam luôn là điều "nhức nhối" lâu nay.
Báo cáo "Minh bạch Bất động sản Châu Á - Thái Bình Dương năm 2018" của Công ty Jones Lang Lasalle (JLL) khảo sát 100 thị trường bất động sản trên toàn cầu và chia thành 5 nhóm: siêu minh bạch, minh bạch, bán minh bạch, kém minh bạch và không minh bạch, thì Việt Nam đang xếp hạng cao nhất trong nhóm “kém minh bạch”.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, trong 2 năm gần đây, rất nhiều ứng dụng di động và trang đăng tin quảng cáo về bất động sản ra đời theo xu hướng 4.0. Hầu hết các đơn vị đều tập trung vào ứng dụng công nghệ để quét căn nhà muốn bán thành mô hình 4D, thực tế ảo (VR). Điều này làm cho căn nhà được rao bán trở nên đẹp “lung linh” hơn so với thực tế và thu hút khi đưa lên mạng. Tuy nhiên, đó chưa thực sự là điều cần thiết đối với thị trường bất động sản Việt Nam còn rất kém minh bạch như hiện nay.
Việc áp dụng công nghệ trên môi trường quảng cáo cho bất động sản online dường như lệch pha hẳn so sới hiện thực giao dịch diễn ra. Nơi mà người mua và người bán phải làm việc với nhau bởi vô số những thủ tục phức tạp.
Nếu bên bán và bên mua, ngay từ đầu đã không trung thực sẽ dẫn đến sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, dẫn tới giao dịch diễn ra khó khăn hơn mức nó vốn có. Đó chính là "ma trận" thực sự của thị trường giao dịch bất động sản hiện nay.
Cần sàng lọc và cân bằng
Theo các chuyên gia ngành bất động sản tại TPHCM, mua một căn nhà là khối tài sản lớn, người mua cần cẩn trọng, tỉnh táo. Việc đánh giá một căn nhà và thực hiện một giao dịch bất động sản yêu cầu những kiến thức và kinh nghiệm nhất định.
Ví dụ việc định giá, hay kiểm tra quy hoạch và pháp lý của căn nhà, thủ tục sang tên đổi chủ phức tạp... Người mua nhà nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông John Le, CEO Propzy nhận định, thị trường bất động sản, nhà đất hiện nay đang không minh bạch. Người mua nhà chỉ phụ thuộc vào người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay những người có kinh nghiệm để tư vấn, hướng dẫn cách mua.
“Ứng dụng công nghệ tại thị trường bất động sản Việt Nam đôi khi chỉ làm cho thị trường trở nên “lộn xộn” hơn mà thôi, bởi những thông tin rao vặt bán nhà không được xác minh tính chính xác”, ông Jonh Le nói.
Người mua nhà cần có sự hỗ trợ nhiều khâu như: sàng lọc ra những căn nhà phù hợp an toàn, xem nhà, thủ tục pháp lý, hoàn tất giao dịch, tài chính… Những điều này cần chuyên môn hóa và cân bằng giữa công nghệ ứng dụng và dịch vụ chăm sóc.
Ông John Le cũng chia sẻ, hiện tại, cách làm tốt nhất chính là nhận các thông tin sản phẩm nhà phố, căn hộ từ chính chủ hoặc chủ đầu tư, sau đó “sàng lọc” và thẩm định. Những căn nhà không đủ tiêu chuẩn minh bạch về pháp lý, quy hoạch… sẽ bị loại ra.
“Với người mua, chúng tôi cũng lọc ra đối tượng mua nhà thực sự cùng nhu cầu cụ thể. Với ứng dụng công nghệ, việc tìm sự tương đồng giữa người mua - bán, diễn ra nhanh hơn và hiệu quả hơn rất nhiều lần so với cách làm truyền thống”, ông John Le nói.
Theo Dân Trí
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : bán nhà, bất động sản, quảng cáo