Bán lẻ & nhượng quyền: Rộng tiềm năng, hẹp đối tác?
Thị trường bán lẻ và nhượng quyền tại Việt Nam vẫn rất sôi động, đầy hứa hẹn trong mắt các nhà kinh doanh. Tuy nhiên, tìm được đúng đối tác vẫn là bài toán không dễ.
Tại hội chợ Retailtech va Franchise 2018, đang diễn ra tại TP.HCM 1-3/11/2018, rất nhiều thương hiệu nhượng quyền, bán lẻ trong và ngoài nước đang tìm cách quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường.. Các nhà đầu tư, nhà kinh doanh đã nhìn thấy một cơ hội lớn từ thị trường Việt Nam. Điều này được bà Vũ Mai Thảo, Quản lý cao cấp của Dịch vụ đo lường bán lẻ của Neilsen Viet Nam khẳng định khi cho rằng: Việt Nam có dân số trẻ, có gần ½ dân số có kết nối internet, có tầng lớp trung lưu tiếp tục tăng và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng ngày càng cao…v.v. Đây chính là những điểm tích cực của thị trường bán lẻ Việt Nam và củng cố thêm khẳng định thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là miếng bánh ngon cho các nhà đầu tư.
Cụ thể hơn theo Nielsen, năm 2016 và 2017, những cửa hàng tiện dụng, đang mở ra ngày càng nhiều và được dẫn dắt bởi chính các doanh nghiệp Việt Nam; các chuỗi cửa hàng chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, nhà thuốc đã tăng gấp 2 lần trong năm 2017 so với 2016. Các cửa hàng dành cho bà mẹ, trẻ em cũng tiếp tục phát triển mạnh. Đây chính là những xu hướng bán lẻ nổi trội, đánh đúng vào xu hướng của người tiêu dùng: mong muốn tiết kiệm thời gian, giá cả hợp lý, có nhiều lựa chọn và có thêm nhiều trải nghiệm mới.
Nghiên cứu của Nielsen cũng chỉ ra người tiêu dùng năm 2018 đã tăng số lần mua sắm nhiều hơn ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng chăm sóc sức khỏe (xem box1).
Minh chứng cho sức hấp dẫn của thị trường, ông Calvin Lam, CEO của nhãn hàng thời trang i-Basic đã nói rằng 10 năm trước khi ông đến Việt Nam, ông đã thấy thị trường VIệt Nam rất năng động và tích cực. Đến giờ ông nhận định thị trường Việt Nam vẫn phát triển rất tốt. Ông cho rằng không nhất thiết các nhà bán lẻ phải chăm chăm tập trung ở các trung tâm thành phố nữa, mà có thể mở rộng ra ở xa trung tâm cũng như các thành phố lân cận.
Ông Eckart Dutz, Giám đốc của nhãn hàng Uncle Bills thì nói rằng thị trường Việt Nam đang phát triển tốt; người tiêu dùng đang thay đổi theo các xu hướng trên thế giới. Việt Nam sẵn sàng đón nhận nhiều mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ mới mẽ. Do vậy nhà bán lẻ Việt Nam hay nước ngoài đều có thể tìm thấy miếng bánh phù hợp của mình nếu đáp ứng tốt cho nhu cầu của người dùng.
Thái độ đón nhận cái mới, sẵn sàng trả tiền nhiều hơn cho sản phẩm tốt, tin cậy, tiện lợi, tốt cho sức khỏe và đi đúng xu hướng trào lưu… chính là những điểm tích cực của người tiêu dùng trẻ Việt Nam mà anh Bryan Loo, CEO của Tealive Global nhìn thấy. Anh cho rằng chính người tiêu dùng Việt Nam đã tạo ra điều kiện tiên quyết để các nhà kinh doanh quyết tâm chinh phục thị trường này. Bằng chứng là Tealive- một thương hiệu trà sữa của Malaysia mới đến Việt Nam cách nay 9 tháng, đã mở ra 8 tiệm tại Thành phố HCM và tiếp tục lên kế hoạch mở rộng tại nhiều thành phố khác.
Đừng xây lâu đài một mình
Nếu như cách đây vài năm việc kinh doanh do các 1 công ty tự đứng ra xây dựng, phát triển chuỗi, hình thành “bản doanh”, mở rộng, vươn xa theo địa phương, tỉnh, thành, quốc gia, quốc tế… thì giờ đây cuộc chơi đang thay đổi. Câu chuyện “làm một mình” đã không còn nhiều nữa mà là “cùng làm” với 1 hay nhiều đối tác. Việc mở rộng, phát triển doanh nghiệp, mô hình kinh doanh đã đòi hỏi các thương hiệu phải bắt tay với nhiều đối tác khác nhau để đi xa và đi nhanh hơn. Chính trong “trò chơi” này, cuộc chơi kinh doanh đang bước sang tầng mức khác: cùng phát triển để cùng thắng.
Việc tìm kiếm đối tác để mở rộng thương hiệu, phát triển chuỗi đang trở thành điều tất yếu mà các nhà kinh doanh đang hướng tới. Ông Kenvin Lam, người có nhiều năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam nhấn mạnh rằng ngày nay nhà đầu tư, kinh doanh nên lưu ý đừng bao giờ làm gì một mình, “đừng bao giờ xây lâu đài một mình” mà hãy nghĩ thoáng hơn, phối hợp với 3-4 đối tác có cùng tầm nhìn để cùng phát triển. Mỗi người có một thế mạnh, sẽ cùng nhau hợp tác để phát triển doanh nghiệp, thương hiệu và đóng góp vào sự lớn mạnh của thương hiệu. Ngoài ra đó cũng là cách để chia sẻ rủi ro và cùng hợp lực để đi xa hơn.
Ở lĩnh vực nhượng quyền, việc chọn đối tác càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu chọn đối tác sai, điều này sẽ là thảm họa với các nhà kinh doanh.
Ông Jonathan, CEO của TBUN (Hàn Quốc), thành viên của Hiệp hội nhượng quyền của Hàn Quốc nói rằng: chọn đối tác là điều vô cùng cần thiết bởi nó quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Kinh nghiệm của ông là luôn luôn chọn đối tác có khả năng tài chính để cùng phát triển, nhân rộng mô hình kinh doanh. Nhưng điều kiện tiên quyết đó là đối tác phải có hiểu biết và có đam mê kinh doanh. “Có khả năng tài chính nhưng không có đam mê thì họ sẽ mau chóng chán nản và dễ bỏ cuộc”.
Bổ sung cho điều này, đại diện của Hiệp hội Nhượng quyền Malaysia nói rằng chọn đối tác để cùng phát triển doanh nghiệp là điều phải quan tâm hàng đầu. Nếu đối tác chỉ chăm chăm vào chuyện trả giá, chiết khấu, chỉ quan tâm đến chi phí…thì khả năng họ không đi với bạn lâu dài. Lời khuyên cho các nhà kinh doanh là phải chọn đối tác thật kỹ lưỡng, có kiến thức kinh nghiệm nhượng quyền, biết triển khai kinh doanh, mô hình nhượng quyền và cùng cam kết.
Ông Bryan Loo, CEO của trà sữa Tealive Global nói rằng điều quan trọng nhất và quyết định thành công của doanh nghiệp chính là tìm được đúng đối tác. Đó là lý do ông vẫn liên tục tìm kiếm đối tác ở Việt Nam trong suốt 9 tháng qua. Ông nói việc này không nên vội vã vì con người chính là yêu tố quan trọng nhất giúp doanh nghiệp phát triển hay có thể đi xa.
Ông Jonathan, CEO của TBUN (Hàn Quốc):
“Nếu tôi chọn đối tác, tôi luôn chọn đối tác có nhiều điểm tương đồng như tôi. Tôi là người hành động nên sẽ có khuynh hướng chọn người: thấy đúng là hành động ngay, không chần chờ, làm việc là đâu ra đó, rõ ràng. Ngoài ra đối tác phải là người có kiến thức, kinh nghiệm. Tôi luôn chọn đ©ối tác làm việc kỹ lưỡng. Khi đã thống nhất nhau những điểm nào, thì làm rõ trên văn bản, giấy tờ”.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : nhượng quyền, bán lẻ