Hàng loạt doanh nghiệp lạm dụng mua cổ phiếu quỹ
(NTD) - Cổ phiếu quỹ là khái niệm đã không còn xa lạ với nhà đầu tư Việt Nam khi hàng loạt doanh nghiệp lớn liên tục đăng ký mua cổ phiếu đã phát hành. Tuy nhiên, thứ gì đã trở nên quá thịnh hành cũng nghiễm nhiên trở thành một công cụ để doanh nghiệp lợi dụng “lèo lái” cổ phiếu và người phải chịu thiệt hại cuối cùng lại chính là nhà đầu tư.
Lợi ích mua cổ phiếu quỹ
Về mặt lý thuyết, việc mua cổ phiếu quỹ là một hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông công ty, thậm chí ngay cả nhà đầu tư lỗi lạc Waren Buffett cũng coi việc doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ là một trong những tiêu chí đầu tư của mình. Cũng chính những mặt tích cực này mà việc săn đón những doanh nghiệp có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ nhanh chóng trở thành một phương pháp đầu cơ thịnh hành.
Cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, làm giảm nguồn cung. Từ đó, cổ phiếu có động lực tăng giá trong cả ngắn hạn và trung hạn. Vào đợt thị trường chứng khoán giảm giá mạnh trong quý 2 vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp ồ ạt đăng ký mua cổ phiếu quỹ. Đây là “chiêu thức” được doanh nghiệp sử dụng để hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
Cổ phiếu quỹ là dạng cổ phiếu doanh nghiệp “khóa trong két”. Lượng cổ phiếu này sẽ không được trả cổ tức, không có quyền biểu quyết… Nếu việc mua cổ phiếu quỹ không làm giảm tiềm năng lợi nhuận trong tương lai thì hành động này sẽ giúp 2 chỉ số quan trọng là EPS (lợi nhuận trên một cổ phần) và ROE (lợi nhuận trên vốn cổ phần) tăng lên nhanh chóng, hay lợi ích của mỗi cổ đông sau khi doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ sẽ tăng lên ngay lập tức.
Ngoài ra, cổ phiếu quỹ cũng được xem là một khoản đầu tư tài chính của doanh nghiệp. Khi nhận thấy giá cổ phiếu quá thấp so với giá trị thực, doanh nghiệp chủ động mua cổ phiếu và bán ra kiếm lời trong tương lai.
Bị lạm dụng quá đà
“Nói một đằng làm một nẻo” là tình huống thường gặp trên thị trường khi một số doanh nghiệp thông báo mua cổ phiếu quỹ với khối lượng lớn và giá cao nhằm đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh nhưng sau đó không thực hiện hoặc thực hiện rất ít. Điển hình nhất là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS). Đầu năm 2015, PV GAS đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu quỹ với giá tối đa 100.000 đồng/cổ phiếu là mức giá khá cao vì vào thời điểm đó, cổ phiếu này chỉ dao động quanh 65.000 đồng/cổ phiếu. Cuối cùng, PV GAS chỉ mua vỏn vẹn 6% số cổ phiếu đã đăng ký. Lý do được PV GAS đưa ra là “vướng mắc về thủ tục đăng ký”. Một công ty tầm cỡ khác là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu quỹ nhưng rồi sau đó lại hủy kế hoạch do công ty dồn tiền vào các dự án mới.
Dễ dàng sử dụng tiền của doanh nghiệp để giúp một số cổ đông đặc biệt thoái vốn ở mức giá cao. Trên thị trường, không ít tình huống éo le khi giá cổ phiếu sau một thời gian tăng rất mạnh thì công ty đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu quỹ. Điều mà đúng ra doanh nghiệp nên thực hiện lúc giá cổ phiếu ở vùng giá thấp. Sau một thời gian doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ, giá cổ phiếu giảm nhanh chóng. Vấn đề là khi doanh nghiệp thực hiện mua cổ phiếu quỹ, nhà đầu tư không thể biết được danh tính của bên bán là ai, dù là hình thức thỏa thuận hay khớp lệnh. Năm 2015, Tập đoàn Kido đã chi ra 1.959 tỷ đồng mua 51 triệu cổ phiếu KDC làm cổ phiếu quỹ với giá bình quân 38.400 đồng/cổ phiếu. Đến nay, khoản cổ phiếu quỹ này đã lỗ hơn 620 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo sử dụng việc mua cổ phiếu quỹ để tăng tỷ lệ biểu quyết, phục vụ cho lợi ích của nhóm cổ đông nào đó thay vì lợi ích của công ty. Hoạt động này chưa phổ biến ở Việt Nam nhưng trong thời gian gần đây được một số doanh nghiệp sử dụng khi các cổ đông “đặc biệt” muốn củng cố vị thế của mình trong doanh nghiệp. Việc mua cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành và từ đó tăng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông “đặc biệt” này. Nếu việc mua cổ phiếu quỹ được thực hiện trong trạng thái tiền mặt dồi dào không biết đầu tư vào đâu là hành động đúng đắn thì việc cố gắng mua cổ phiếu quỹ trong tình trạng “cạn” tiền là một hành động thiếu thông minh và không khỏi để lại nhiều dấu hỏi về tính trung thực.
Trường hợp này được cổ đông lớn của CTCP Giống cây trồng miền Nam (SSC) là CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC) đăng ký mua 100% vốn điều lệ của SSC. Để tiết kiệm chi phí cho cuộc thâu tóm này, SSC mua 1.475.512 cổ phiếu quỹ, tương đương 9,84%. Sau đó, SSC xin hủy toàn bộ số cổ phiếu quỹ qua hình thức giảm vốn điều lệ nhưng bị các cổ đông nhỏ lẻ nhận ra và biểu quyết không thông qua tại phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường vừa tổ chức vào cuối tháng 10.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán là thị trường của sự kỳ vọng và niềm tin. Việc hàng loạt doanh nghiệp như: CTCP Thủy sản Mekong (AAM), CTCP Vicostone (VCS), CTCP Chứng khoán VNDIRECT (VND)… công bố mua cổ phiếu quỹ dù mục đích gì thì cũng sẽ trở thành một động lực giúp cổ phiếu có những biến động tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư thông minh hãy bình tĩnh tìm hiểu xem hành động mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp có thực sự phù hợp và trung thực hay không trước khi có những quyết định mua bán cho riêng mình.
Như Nguyễn
Theo www.nguoitieudung.com.vn
Từ khóa : cổ phiếu