Mỗi tuần một cuốn sách: Chạnh lòng bởi 'Qua khỏi dốc là nhà'
Khi cái đói, cái nghèo đã trôi xa, ngồi ngẫm nghĩ lại ta mới ngộ ra rằng, chúng đã dạy ta quá nhiều.
Tập tản văn “Qua khỏi dốc là nhà” của nhà văn Phan Thúy Hà, được NXB Kim Đồng phát hành vào tháng 9 vừa qua, chính là những bài học đáng quý mà tác giả nhận được suốt thời niên thiếu, đã được kể lại bằng một giọng văn dung dị và đầy cảm động.
Ngôi nhà tranh xơ xác nằm cuối con dốc dài dựng ngược. Ngày mưa, đường trơn, người đi không quen chắc thấy mệt hơn leo núi. Vậy mà ngày nào mẹ cũng phải băng qua con dốc ấy, gánh nước đổ đầy chum, vại cho cả nhà dùng. Sắp đến ngày sinh, bụng đã nhâm nhẩm đau, việc đầu tiên mẹ nhớ tới vẫn là… đi gánh nước.
Không chỉ là gánh nước, những người phụ nữ ở Xóm Trùa, Xóm Trại, Động Am còn phải gồng gánh cả giang san nhà chồng. Bao hoạn nạn, khó khăn đều phải lùi bước trước đôi vai nhỏ bé. Những người đàn ông ở vùng núi nghèo ấy lúc nông nhàn chẳng biết làm gì lại rủ nhau vào rừng lấy mật ong. Mật chưa vắt được mà người thì đã bị thổ phỉ bắt. Sau những hoảng loạn đến cùng cơn mưa nước mắt, người vợ lại phải chạy vạy khắp nơi lo tiền chuộc chồng về. Mấy chuyến đi rừng, tiền bán mật ong không đủ để chuộc người. Hết lên mạn ngược lấy mật, lại về xuôi buôn chè. Chè chưa bán được mà người thì đã nằm liệt giường vì ngã từ trên dốc xuống. Dẫu người trong làng có ra khỏi dốc thì cái nghèo vẫn quanh quẩn đâu đây.
Đọc “Qua khỏi dốc là nhà”, độc giả sẽ có cảm giác vừa xót xa, vừa đau đáu chạnh lòng, nhưng cũng đầy ấm áp và thật cảm động. Những mái nhà tranh sau con dốc dài hiện lên bình dị và đầy nhớ thương trong những trang viết của nhà văn Phan Thúy Hà. Hơn 200 trang sách, chị không hề nhắc tới nỗi buồn, nhưng chẳng hiểu sao, khi miên man trong những hồi ức của tác giả ta thấy buồn đến lạ. Đó chính là cái chất của Phan Thúy Hà không thể lẫn vào đâu.
Lan Ngọc
Theo doisong.vn
Từ khóa : sách hay