Nhảy 19 bậc, khởi sự kinh doanh vẫn xếp 104 toàn cầu

(Chinhphu.vn) – Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Năm tăng 19 bậc trong năm nay, nhưng vẫn xếp thứ 104 toàn cầu trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và theo chuyên gia, nhiều cơ quan vẫn “ngồi chờ cải cách”.

Theo Báo cáo Doing Business 2019 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chỉ số khởi sự kinh doanh – một trong các chỉ số của môi trường kinh doanh - của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể.

Cụ thể, chỉ số này được đánh giá đạt 84,82/100 điểm, tăng 2,6 điểm và vươn lên 19 bậc so với năm 2017.

Đáng nói hơn, theo bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong số 3 cải cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam được WB ghi nhận trong năm 2018 thì có 02 cải cách thuộc chỉ số khởi sự kinh doanh, cụ thể là trong lĩnh vực dăng ký kinh doanh, đó là: cho phép đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

Theo WB, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam hiện nay bao gồm 8 bước, được thực hiện trong 17 ngày; trong khi trung bình khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, số bước là 6,8 bước, được thực hiện trong 25,9 ngày.

Như vậy, năm 2018 ghi nhận bước tiến khá nhanh của chỉ số khởi sự kinh doanh. Trước đó, từ năm 2014 tới 2017, chỉ số này của Việt Nam dao động ở các vị trí 125-119 toàn cầu.

Bên cạnh đánh giá tích cực của WB, trong năm 2018, lĩnh vực đăng ký kinh doanh cũng đã có được những sự ghi nhận từ cộng đồng trong nước.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017 đánh giá gia nhập thị trường là lĩnh vực xếp thứ nhất về mức độ hài lòng so với lĩnh vực khác trong vòng 12 năm liên tiếp điều tra PCI.

Bên cạnh đó, Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2018 do Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC cũng đã ghi nhận đăng ký kinh doanh là lĩnh vực đứng thứ hai về chi phí tuân thủ thấp nhất (trong số 08 lĩnh vực được đánh giá).

Bà Trần Thị Hồng Minh nhắc tới các giải pháp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trong thời gian qua để đạt được những cải thiện trên.

Cụ thể như gộp thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và thủ tục đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp. Hiện nay, quy định này đã được pháp lý hóa tại Nghị định số 108/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Việc này đã giúp giảm 01 bước và 05 ngày cho quy trình khởi sự kinh doanh.

Thứ hai, giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp. Kể từ ngày 20/01/2018, mức lệ phí đã được giảm 50% so với quy định trước đây (từ 200.000 đồng xuống còn 100.000 đồng) và miễn 100% nếu doanh nghiệp đăng ký qua mạng điện tử.

Thứ ba, giảm thời gian làm con dấu doanh nghiệp. Hiện nay, tại Báo cáo Doing Business 2019, thời gian làm con dấu doanh nghiệp đã được ghi nhận là chỉ còn 01 ngày thay vì 05 ngày như tại Báo cáo năm 2018.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã cung cấp thông tin cho WB để làm rõ về thủ tục thông báo mẫu con dấu. Theo đó, với thủ tục này, doanh nghiệp chỉ cần gửi Thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh là đã hoàn thành nghĩa vụ mà không cần chờ đợi kết quả. Tại Báo cáo Doing Business 2019, thời gian thực hiện thủ tục này đã được ghi nhận là 02 ngày thay vì 05 ngày tại Báo cáo Doing Business 2018.

Thứ năm, phối hợp với Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính để có giải pháp giảm thời gian thực hiện TTHC về hóa đơn VAT, theo đó thời gian doanh nghiệp tự in/đặt hóa đơn được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 4 ngày. Tuy vậy, hành động này chưa được ghi nhận tại Báo cáo Doing Business 2019.

Tuy nhiên, bà Minh thừa nhận vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để tiếp tục cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh.Tiến tới kết hợp '5 trong 1'

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận xét rằng tuy chỉ số khởi sự kinh doanh đã tăng 19 bậc trong năm nay nhưng vẫn xếp trên 100, trong khi ở nhiều nước trên thế giới, thời gian đăng ký kinh doanh đã được tính bằng giờ.

“Vấn đề là chỉ số này liên quan tới nhiều cơ quan khác nhau và đều ngồi chờ cải cách. Theo tôi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể không đóng vai trò tiên phong trong cải cách chỉ số này, không chỉ phối hợp mà còn cần thúc đẩy các Bộ khác”, ông đưa quan điểm.

Theo bà Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát nguyên nhân làm tăng thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để thời gian thực hiện thủ tục này được ghi nhận là 03 ngày làm việc theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp thay vì 05 ngày như hiện nay.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cần đảm bảo chỉ đạo thực hiện đúng quy định về thời gian mua/tự in hóa đơn VAT theo quy định hiện hành. Nếu quy định hiện hành được thực hiện nghiêm túc, thời gian hoàn thành thủ tục sẽ được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 04 ngày, giúp giảm 06 ngày trong tổng thời gian thực hiện quy trình Khởi sự kinh doanh.

Ba là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu thực hiện phương án kết hợp một số thủ tục trong quy trình Khởi sự kinh doanh. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện việc kết hợp “5 trong 1” (bao gồm: đăng ký thành lập doanh nghiệp, làm con dấu, gửi thông báo mẫu con dấu, tạo tài khoản ngân hàng, đăng ký lao động) và trở thành một thực tiễn tốt.

Trong thời gian tới, có thể nghiên cứu giải pháp khuyến khích các địa phương khác thực hiện giải pháp trên. Đồng thời, cung cấp thông tin cho nhóm xây dựng Báo cáo Doing Business của WB để có sự ghi nhận kịp thời.

Trong tương lai dài, cần có sự đầu tư nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc về khả năng liên thông điện tử giữa thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội để đơn giản hóa, hiện đại hóa quy trình khởi sự kinh doanh.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam hiện nay bao gồm các bước: (1) Thành lập doanh nghiệp và đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp, (2) Làm con dấu, (3) Gửi thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh, (4) Mở tài khoản ngân hàng, (5) Mua hoặc tự in hóa đơn VAT, (6) Nộp thuế môn bài, (7) Đăng ký lao động, (8) Đăng ký bảo hiểm xã hội.

Các bước này thuộc phạm vi của 05 cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Hà Chính

Theo baochinhphu.vn

Từ khóa : khởi sự kinh doanh, môi trường kinh doanh