Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững: Khó áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam?

Là công cụ đo lường các mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp đồng thời quản trị rủi ro, tăng khả năng nhận biết về cơ hội kinh doanh, xu hướng phát triển mới, bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) năm nay tiếp tục được điều chỉnh, hoàn thiện với 131 chỉ tiêu, giảm 3 chỉ tiêu so với năm ngoái nhưng được nhận xét là tiên tiến hơn, tổng quát hơn khi đánh giá toàn diện cả về chiều sâu, rộng sự phát triển của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng các doanh nghiệp trong nước sẽ khó áp dụng bộ chỉ số này , đặc biệt là trong bối cảnh còn nhiều doanh nghiệp thờ ơ với mục  tiêu phát triển bền vững. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - đơn vị tham gia hoàn thiện CSI.

Những doanh nghiệp được xếp hạng phát triển bền vững năm 2016

Thưa ông, Bộ chỉ số CSI năm nay được đánh giá là tiên tiến hơn so với năm ngoái. Ông có thể phân tích sự tiên tiến này?

- Quá trình hình thành CSI bắt đầu từ năm 2104 và đến năm 2015, 2016 bắt đầu áp dụng thử cho 20 doanh nghiệp trên toàn quốc với 151 chỉ tiêu đề cập đến các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường nhưng chưa sâu ở những lĩnh vực đang được quan tâm như hiện nay.

Đến năm 2017, Bộ chỉ số CSI giảm xuống còn 134 chỉ tiêu và năm nay giảm 3 chỉ tiêu, còn 131. Giảm số lượng tổng thể nhưng ở từng lĩnh vực, các chỉ số thay đổi để có thể đánh giá doanh nghiệp sâu, rộng hơn trong phát triển bền vững, tập trung vào vấn đề môi trường, con người.

Đặc biệt CSI năm nay gần như tương thích hoàn toàn với các tiêu chuẩn quốc tế và mang tầm cỡ quốc gia khi được đưa vào Nghị quyết 19 của Chính phủ (Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước). Có thể tóm lược sự tiên tiến của CSI năm nay là phù hợp với pháp luật Việt Nam, với thông lệ quốc tế, có thể áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp và rất đơn giản, dễ hiểu.

Nhưng có ý kiến cho rằng CSI 2018 có thể dễ dàng cho doanh nghiệp nước ngoài (FDI) áp dụng nhưng lại rất khó cho doanh nghiệp trong nước. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trong các năm 2015, 2016, khi giới thiệu và áp dụng bộ chỉ số CSI thì đúng là các doanh nghiệp trong nước tham gia rất dè dặt trong khi các doanh nghiệp nước ngoài tham gia rất nhiều. Nhưng đến năm nay, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngày càng nhiều và nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết trong việc áp dụng bộ chỉ số của họ ngày càng rõ hơn.

Theo con số thống kê hiện tại, số lượng đăng ký tham gia các chương trình đánh giá xếp hạng doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm nay thì tỷ lệ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là 50-50. Trong đó không chỉ những doanh nghiệp lớn mà có cả doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia. Như vậy là Bộ CSI 2018 không khó khăn cho doanh nghiệp trong nước áp dụng mà ngược lại họ đáp ứng tương đối tốt. Như Tập đoàn Bảo Việt đã áp dụng rất tốt hai năm nay và sau  khi áp dụng thì giá trị thương hiệu của họ đã đạt tỷ đô đồng thời thị phần bảo hiểm của họ ở Việt Nam là số 1.

Thưa ông, nhưng thực tế, có doanh nghiệp trong nước nhận xét trong số 131 chỉ tiêu, chẳng hạn áp dụng được mặt này thì khuyết mặt kia...

- Doanh nghiệp có các biện pháp về mặt quản trị và về mặt đầu tư. Nếu như chúng ta chưa có các biện pháp về mặt đầu tư, chúng ta sẽ thay đổi dần dần mô hình quản trị.

Ví dụ như quản trị về nhân lực, chúng ta có các thay đổi về mặt quản trị để làm sao có một mô hình quản trị tiên tiến, tiết kiệm chi phí. Cũng như từng bước hướng tới việc đầu tư nhiều hơn cho các vấn đề về giảm thiểu tác động của môi trường. Bên cạnh đó, tháng 9/ 2015 chúng ta cam kết thực hiện 17 chỉ tiêu phát triển bền vững, tháng 12/2015 chúng ta cam kết mục tiêu code 21 là mục tiêu cắt giảm khí thải cacbon với các doanh nghiệp.

Về mặt luật pháp, những cam kết đó các doanh nghiệp phải làm. Chung quy lại là trong áp dụng 131 chỉ tiêu, vấn đề là doanh nghiệp phải làm như thế nào để giảm thiểu về mặt quản lý, giảm thiểu về măt đầu tư.

Ảnh minh họa

Với Bộ chỉ số CSI năm nay, ông có thể cho biết đã bắt buộc tất cả các doanh nghiệp áp dụng chưa? Và nếu áp dụng các doanh nghiệp sẽ tham gia theo phương thức như thế nào?

- Đối với các công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán thì 100% thực hiện. Còn với các công ty chưa niêm yết thì chưa bắt buộc nhưng chúng tôi khuyến khích họ tham gia. Bởi việc đáp ứng bộ chỉ số này tạo ra giá trị thương hiệu rất lớn cho doanh nghiệp. Như Tập đoàn Bảo Việt mà tôi đã ví dụ ở trên. Còn khi tham gia áp dụng CSI, doanh nghiệp đăng ký với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, chúng tôi sẽ đưa họ bộ chỉ số CSI để họ khai đồng thời nộp tất cả bằng chứng liên quan.

Trên cơ sở đó, chúng tôi thành lập Hội đồng giám khảo với thành phần là các chuyên gia ở lĩnh vưc môi trường, lao động, kinh tế. Trong thành phần đó đáng chú ý cho 2 công ty kiểm toán độc lập. Họ nằm trong số 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới. 

Thưa ông, nếu không tham gia áp dụng CSI, doanh nghiệp sẽ thiệt hại gì?

- Trong thời đại công nghệ 4.0, giá trị doanh nghiệp thay đổi, nếu trước đây giá trị hữu hình cao, giá trị vô hình thấp thì nay đổi lại, giá trị vô hình cao tới tận 83%, giá trị hữu hình thì chỉ 17%.

Ví dụ như Facebook hay một số tập đoàn lớn, tôi thấy giá trị hữu hình không nhiều nhưng giá trị vô hình là thương hiệu cũng như giá trị của doanh nghiệp tới hàng trăm tỷ đô la. Được như vậy là họ phải dựa rất nhiều vào các nhà đầu tư, các chỉ số chứng khoán cũng như uy tín của doanh nghiệp, mức độ hài lòng doanh nghiệp.

Đó là con đường tất yếu và là cơ hội tất yếu cho doanh nghiệp có thể phát triển trong thế kỉ 21 cũng như trong thời đại Cách mạng 4.0. Nếu không tham gia áp dụng CSI, doanh nghiệp khó đạt được như vậy.

Thưa ông, Bộ chỉ số CSI, liên quan như thế nào tới việc Chính phủ đang nỗ lực cải thiện tăng trưởng kinh tế đồng thời cải thiện chất lượng các doanh nghiệp?

- Đây là bộ chỉ số có tác động rất lớn tới cộng đồng doanh nghiệp, là công cụ để Chính phủ có thể hình thành quá trình lập pháp, xây dựng chính sách làm sao để thuận lợi và huy động tối đa nguồn lực của doanh nghiệp trong vấn đề phát triển xã hội và kinh tế.

Trong Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm nay phải ra chỉ thị phát triển bền vững, và trong chỉ thị đó yêu cầu tất cả các Bộ, nghành, địa phương có chương trình cụ thể để làm sao thực hiện được các chỉ tiêu phát triển bền vững.

Xin được hỏi ông câu cuối cùng, các chỉ tiêu phát triển bền vững có liên quan đến các cam kết quốc tế của Việt Nam không?

- Chắc chắn là có. Vì như chúng ta thấy trong đó đề cập rất nhiều đến các vấn đề xã hội, đến quá trình ví dụ như lập pháp, nghĩa là chúng ta phải cải thiện khuôn khổ pháp luật. Chúng ta đã biết là doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong vấn đề phát triển kinh tế cũng như phát triển đất nước. Muốn  tạo ra cái cơ chế để huy động nguồn lực của doanh nghiệp, thì chúng ta phải có cơ chế luật pháp. Và cái cơ chế luật pháp đó hoàn toàn phù hợp với Việt Nam cũng như tất cả các cam kết quốc tế.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

TÚ ANH

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : doanh nghiệp bền vững, doanh nghiệp