Nhờ CPTPP, cổ phiếu thủy sản và dệt may tiếp tục ngược dòng

Dù các chỉ số chứng khoán châu Á bật trở lại, đặc biệt trên thị trường Trung Quốc, thì chứng khoán Việt Nam hôm nay tiếp tục chìm sâu, nối gót đà lao dốc của chứng khoán Mỹ đêm qua. Thời gian tới thị trường sẽ tiếp tục phân hóa đáng kể, với dòng tiền chỉ tập trung tại một số ít ngành và cổ phiếu có câu chuyện riêng hỗ trợ.

Thủy sản và dệt may ngược dòng

Mở cửa đầu ngày chỉ số VN Index đã giảm nhanh đến 13,77 điểm, và dành phần lớn thời gian giao dịch chìm trong sắc đỏ theo diễn biến chung của thị trường chứng khoán châu Á, vốn bị ảnh hưởng mạnh từ đà lao dốc của chứng khoán Mỹ đêm qua, khi Dow Jones rớt hơn 600 điểm. Dù sau đó các chỉ số chứng khoán Trung Quốc bật tăng trở lại và đóng cửa trong sắc xanh, với chỉ số Hang Seng sàn Hồng Kông tăng 0,62%, chỉ số Shanghai sàn Thượng Hải tăng 0,93%, thì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn không thể phục hồi.

Kết thúc phiên, VN Index giảm 12,74 điểm, tương đương 1,39%, xuống 905,38 điểm và ngày càng tiến gần về mốc hỗ trợ tâm lý 900 điểm. Chỉ số HNX Index giảm 0,9 điểm, tương đương 0,87%, đóng cửa tại 192,47 điểm. Chỉ số Upcom Index  giảm 0,2 điểm, tương đương 0,39% và kết phiên tại 51,46 điểm. Điều tích cực là thanh khoản có cải thiện so với những phiên trước, với khối lượng giao dịch khớp trên sàn HOSE đạt hơn 170 triệu cổ phiếu trong phiên hôm nay.

Điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu thủy sản và dệt may tiếp tục ngược dòng mạnh mẽ so với diễn biến thị trường chung, nhờ sự hỗ trợ từ việc hiệp định CPTPP đã được Quốc hội thông qua vào chiều ngày hôm qua. Cụ thể chỉ số nhóm sản xuất ngành gia dụng dẫn đầu đà đi lên khi tăng 3,81%, trong đó đóng góp chính là các cổ phiếu dệt may như EVE, MPT, TVT tăng trần, TNG tăng 8,84%, KMR tăng 4,91%, GMC tăng 4,22%, TCM tăng 3,92%, GIL tăng 3,56%, TDT tăng 2,94%, STK tăng 2,7%.

Nhóm ngành thủy sản cũng tăng 1,76%, với CMX tăng trần, ACL tăng 6,23%, TS4 tăng 6,2%, SJ1 tăng 5,71%, ICF tăng 5,29%, IDI tăng 4,74%, FMC tăng 2,11% và VHC tăng 1,06%. Ngược lại, ở chiều đi xuống, các nhóm giảm mạnh nhất có tiện ích rớt 2,41%, bất động sản giảm 2,23%, thực phẩm giảm 2,17%, ngân hàng giảm 2,11%.

Trong phiên hôm nay, khối ngoại tiếp tục có ngày bán ròng thứ 2 liên tiếp, với giá trị hơn 76 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung ở các mã VIC 32,4 tỷ đồng, SAB 22,2 tỷ đồng, VHC 15,8 tỷ đồng và HDB gần 10,5 tỷ đồng. Ở chiều mua vào có SBT được mua ròng gần 33,7 tỷ đồng, GMD 13,5 tỷ đồng và HPG 12,5 tỷ đồng. Trên sàn Hà Nội, PVS cũng được mua ròng đáng chú ý hơn 21,6 tỷ đồng, trong khi VCG bị bán ra hơn 15,5 tỷ đồng. Gần đây, VCG đã chốt room dành cho khối ngoại là 0%, trong khi tỷ lệ sở hữu khối ngoại tại VCG đang là khoảng 10,88%, tương ứng hơn 48 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu dệt may tiếp tục nổi sóng trong phiên hôm nay

Triển vọng thị trường chung không mấy sáng sủa

Theo ý kiến đa số của giới phân tích, thị trường chứng khoán thời gian tới chứa đựng nhiều rủi ro và có thể giảm thêm, thậm chí nếu mất mốc 900 điểm thì có thể chạm đến vùng 850 điểm. Thực tế cho thấy gần đây thị trường dễ bị tổn thương khi dòng tiền quá yếu, đặc biệt mỗi khi thị trường Mỹ giảm mạnh thì chứng khoán Việt thường giảm theo, trong khi những phiên phục hồi mạnh của chứng khoán Mỹ thì lại không lan tỏa được đến chứng khoán trong nước.

Cuộc gặp mặt vào cuối tháng này của tổng thống Trump và chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là rủi ro lớn nhất và có thể tác động mạnh đến thị trường. Theo giới quan sát cho thấy thì một thỏa thuận thương mại khó có thể đạt được trong bối cảnh hiện nay, vì cả Mỹ và Trung Quốc đều không cho thấy dấu hiệu nhượng bộ. Cuộc chiến thương mại cũng dẫn tới tiềm ẩn cuộc chiến tiền tệ, mà việc Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ gần đây đã thể hiện rõ, và điều này sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường ngoại hối nói riêng.

Tiếp đến vào tháng 12 sẽ chứng kiến lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm nay của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và có thể thúc đẩy đồng USD tiếp tục đi lên. Trong những ngày vừa qua, đặc biệt kể từ sau bầu cử giữa kỳ, đồng bạc xanh liên tiếp tăng mạnh với chỉ số USD Index đã bứt phá lên mốc cao nhất trong 16 tháng qua. Và đây cũng là nguyên nhân góp phần gây áp lực lên thị trường chứng khoán Mỹ vào đêm qua, khi đồng USD mạnh hơn sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ tại nước ngoài.

Trong khi đó, những thông tin tích cực dường như chẳng mấy có ý nghĩa đến tâm lý nhà đầu tư vào lúc này. Dữ liệu kết quả kinh doanh quý 3 của hầu hết các doanh nghiệp tiếp tục thể hiện sự tăng trưởng tích cực, tuy nhiên thị trường vẫn cứ mải miết đi xuống với tâm lý thận trọng bao trùm. Thanh khoản quá yếu cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư tiếp tục lựa chọn đứng ngoài.

Dù vậy, trong bối cảnh thị trường đi xuống, sự phân hóa sẽ ngày càng thể hiện rõ hơn, trong đó không ít cổ phiếu tiếp tục thu hút dòng tiền mạnh mẽ nhờ những thông tin riêng tích cực đến ngành, cũng như có các “game” thâu tóm. Và hiện tại thì nhóm ngành thủy sản, dệt may, bất động sản khu công nghiệp đang là điểm đến mạnh mẽ của dòng tiền, như những gì đã và đang diễn ra trong thời gian qua.

MẪN NHI

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : CPTPP, cổ phiếu thủy sản, dệt may