Lao dốc không phanh: Vinasun “quên” lãnh đạo, mải đổ lỗi cho Grab và nhân viên

(NTD) - Khó khăn chồng chất khó khăn, Vinasun không tự rút kinh nghiệm mà còn đổ lỗi và kiện đối thủ Grab. Thế nhưng, Vinasun không nhận ra tình hình quản trị của mình gặp vấn đề quá lớn. Đó là khi tuột dốc, công ty này chú trọng “xử” nhân viên và giữ nguyên ưu đãi cho dàn lãnh – những người không tìm ra được “bài thuốc” hữu hiệu cho công ty nhưng lại tiêu tốn nguồn lực không nhỏ.

Tuột dốc thì đổ lỗi cho đối thủ

Công ty cổ phần Ánh Dương (Vinasun) kiện hãng vận tải công nghệ Grab đã trở thành tâm điểm của dư luận trong suốt thời gian qua. Đa số ý kiến đều cho rằng vụ kiện này thật vô lý vì từ trước tới nay, chẳng có công ty nào yếu kém lại đổ lỗi cho đối thủ.

Không thể phủ nhận việc Vinasun tuột dốc trong nhiều năm qua là do áp lực cạnh tranh đến từ Grab. Nhưng Grab phải chịu trách nhiệm cho sự tuột dốc này hay không thì lại là câu chuyện khác.

“Lịch sử” của nền kinh tế thị trường cho thấy công ty nào có chiến lược, quản trị tốt thì công ty đó chiến thắng. Và ngược lại, công ty nào chiến lược và quản trị cùng kém thì thua thiệt là điều tất yếu. Chưa từng có người chiến thắng nào phải chịu trách nhiệm vì sự yếu kém của đối thủ.

Thế nhưng, Vinasun lại nằng nặc đổ lỗi cho Grab và đòi đền bù 42 tỷ đồng. Vinasun không nhận ra tình hình quản trị của mình gặp vấn đề quá lớn. Đó là khi tuột dốc, công ty này chú trọng “xử” nhân viên và giữ nguyên ưu đãi cho dàn lãnh – những người không tìm ra được “bài thuốc” hữu hiệu cho công ty nhưng lại tiêu tốn nguồn lực không nhỏ.

Không lo quản trị, chỉ lo sa thải

Hãng taxi công nghệ cao Grab vào Việt Nam từ cuối năm 2013. Ngay từ khi mới đặt chân vào Việt Nam, cùng với Uber, Grab nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng khi cung cấp dịch vụ vận chuyển với mức giá hấp dẫn hơn nhiều so với taxi truyền thống.

2014 chỉ là năm bản lề cho Grab. Vì vậy, các hãng taxi truyền thống, trong đó có Vinasun vẫn tương đối “bình yên”. Thế nhưng, sau đó không lâu, Vinasun liên tục tuột dốc. Cả doanh thu và lợi nhuận cùng “rơi tự do”.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Vinasun giảm từ 2.451 tỷ đồng xuống 1.557 tỷ đồng và giảm từ 148 tỷ đồng xuống chỉ còn 54,4 tỷ đồng. Đây là những con số rất khiêm tốn.

Trước đó, trong năm 2014, Vinasun lần lượt đạt 3.770 tỷ đồng doanh thu và 314 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Các con số này đã cho thấy Vinasun lao dốc nhanh và mạnh đến như thế nào.

Đứng trước “cơn bão lớn”, việc công ty cần làm nhất chính là thay đổi chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Thế nhưng, chiến lược mới (nếu có) không phát huy tác dụng. Động thái dễ nhận biết nhất và gây sốc nhất của Vinasun chính là sa thải hàng ngàn lao động.

Tại thời điểm 30/9/2018, tổng số người lao động tại Vinasun chỉ là 7.081 người. Trong khi đó, con số này hồi cuối năm 2014 lên tới 15.990 người. Với tốc độ hao hụt 8.909 người sau 4 năm, Vinasun nằm trong danh sách các công ty đuổi việc nhiều nhất Việt Nam.

Dàn lãnh đạo “vô can” với bi kịch Vinasun

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra từ năm 2009, rất nhiều doanh nghiệp lớn lao đao. Những “gương mặt kém may mắn” có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai,…

Điều các đơn vị kể trên làm để đối phó với khó khăn không phải là cắt giảm nhân sự hàng loạt mà điều chỉnh lại dàn lãnh đạo. Eximbank thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như thay đổi lãnh đạo, giảm lương tới 50% với những người đứng đầu ngân hàng.

Tương tự, Hoàng Anh Gia Lai cũng cắt giảm hàng tỷ đồng tiền thù lao cho bầu Đức và các sếp lớn nhất. Còn Quốc Cường Gia Lai liên tục được nhắc đến khi trả mức lương osin cho lãnh đạo. Có thời điểm, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc chỉ được trả 7 triệu đồng/tháng, còn Nguyễn Quốc Cường, Phó Tổng giám đốc kiêm Thành viên Hội đồng quản trị công ty chỉ nhận 3 triệu đồng/tháng.

Các ví dụ trên cho thấy, thay đổi các chính sách áp dụng cho lãnh đạo là điều đầu tiên nhiều doanh nghiệp lớn nghĩ tới, chứ không phải đổ hết khó khăn cho nhân viên gánh.

Thế nhưng, Vinasun đã làm được ngược lại. Công ty đổ lỗi cho đối thủ và sa thải “sốc” nhân sự. Trong khi đó, dàn lãnh đạo, những người chỉ biết chứng kiến Vinasun lao dốc lại không mảy may bị ảnh hưởng.

Trong những ngày Grab mới gia nhập thị trường Việt Nam, Hội đồng quản trị của Vinasun bao gồm 7 thành viên. Đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Phước Thành. Đứng sau là 6 Thành viên Hội đồng quản trị bao gồm ông Trần Văn Bắc, ông Tạ Long Hỷ, ông Trương Đình Quý, ông Vũ Ngọc Anh, ông Trần Anh Minh và bà Đặng Thị Lan Phương.

Ban Kiểm soát gồm 4 thành viên: Bà Mai Thị Kim Hoàng, ông Nguyễn Anh Tùng và ông Huỳnh Văn Tương.

Ban Tổng giám đốc đông đúc nhất. Tổng giám đốc là bà Đặng Thị Lan Phương. 8 Phó Tổng giám đốc bao gồm ông Tạ Long Hỷ, Nguyễn Trọng Duy, Huỳnh Văn Sỹ, Đặng Phước Hoàng Mai, Trần Anh Minh, Nguyễn Bảo Toàn, Trương Đình Quý và Đặng Thành Duy.

Một đội bóng thua triền miên, người ta sẽ tìm cách thay huấn luyện viên thay vì cầu thủ. Còn tại Vinasun, cầu thủ bị sa thải và giữ nguyên huấn luyện viên dù tình hình liên tục lao dốc.

Tới hiện tại, dàn lãnh đạo từ năm 2014 vẫn “giữ vững” ghế của mình. Thậm chí, ban Tổng giám đốc còn có thêm bà Nguyễn Thị Đặng Thư.

Vy Vy

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : Vinasun, Grab