Đón Hiệp định CPTPP: Phải cùng lúc nghĩ - nói - làm

“Thời gian không còn nhiều nên giải pháp của giải pháp hiện nay là chúng ta phải cùng lúc nghĩ – nói – làm thì may ra mới có thể giảm bớt khó khăn, biến thách thức thành cơ hội được”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nói tại Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội sáng nay.

Khách hàng gửi tiền tại ngân hàng

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội nhất trong số 11 thành viên CPTPP, nhưng thực tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là khi khoảng thời gian từ nay đến ngày chính thức có hiệu lực còn rất ngắn, và mọi mặt của nền kinh tế còn yếu, như nội lực sản xuất kinh doanh yếu, chỉ gia công lắp ráp, chất lượng hàng hóa chưa cao, nhập siêu trong thời gian dài, năng lực cạnh tranh thấp v.v…

Tuy nhiên, thách thức đầu tiên và cơ bản mà nhiều đại biểu tại hội thảo đồng quan điểm là thể chế chính sách. Bởi luật pháp, thể chế chính sách của Việt Nam rất khác biệt so với các quốc gia trong CPTPP do thời gian chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường chưa có “thâm niên” như các nước. Trong khi đó, tham gia Hiệp định CPTPP, các nước thành viên phải tương đồng cơ bản về pháp luật và thể chế chính sách. Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương, chính sách.khác biệt có thể coi lớn nhất trong lĩnh vực này là người lao động có thể thành lập một tổ chức hoạt động riêng mà không phụ thuộc vào Tổng liên đoàn lao động hay bất kỳ cơ quan nhà nước nào.

Về thách thức kinh tế, các chuyên gia kinh tế phân tích, đó là phải đối mặt với những hành vi phản cạnh tranh do cộng đồng CPTPP gồm 500 triệu người mang lại, những hạn chế vốn có của Việt Nam.

Chẳng hạn, thị trường vốn của Việt Nam hiện được đánh giá có quy mô quá nhỏ, thanh khoản yếu, thiếu hấp dẫn, chưa đủ thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các dòng vốn lớn.

Tương tự, quy mô thị trưởng bảo hiểm cũng ở mức "đáng băn khoăn", tỷ lệ doanh thu phí trên GDP mới chỉ đạt mức xấp xỉ 2% trong khi mức trung bình của khu vực ASEAN là 3,2% và trên toàn thế giới là 6,5%.

Tình trạng mất cân đối xảy ra ở nhiều lĩnh vực như giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa hoạt động tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng. Ngoài ra, nợ xấu và xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập; lòng tin vào quản trị và chất lượng dịch vụ hệ thống ngân hàng thương mại thấp và bất hợp lý về cơ cấu giữa tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư…

Đặc biệt TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh thách thức mà hệ thống ngân hàng thương mại phải đối mặt chính là bảo hiểm tiền gửi của khách hàng. Hiện nay bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền ngân hàng là 75 triệu đồng, dù ở mức gửi nào (nếu ngân hàng phá sản thì mỗi người gửi tiền dù ở mức nào cũng chỉ nhận được 75 triệu đồng).

Nhưng khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực thì hình thức gửi tiền nước ngoài tại Việt Nam sẽ diễn ra (có thể là ngân hàng nước ngoài) và với chính sách tự do hóa dịch vụ tái bảo hiểm, những tổ chức nước ngoài nhận tiền gửi tại Việt Nam này sẽ tăng mức bảo hiểm có khi lên đến 100% bằng đúng số tiền gửi của khách hàng, chứ không phải 75 triệu đồng như Việt Nam. Với mức bảo hiểm cao như vậy, lãi suất tiền gửi lại cao nữa thì chắc chắn, hệ thống ngân hàng trong nước phải cạnh tranh rất gay gắt, khốc liệt với những tổ chức nước ngoài nhận tiền gửi tại Việt Nam về việc thu hút người gửi tiền.

Ông Phong khẳng định: “Rõ ràng việc một ngân hàng đưa ra cam kết mua bảo hiểm tiền gửi cao hơn 75 triệu đồng như của Việt Nam hiện nay sẽ hấp dẫn và thuyết phục lòng tin khách hàng hơn”.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, chỉ còn khoảng 45 ngày nữa, Hiệp định CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Thế nhưng đến tầm này vẫn còn nhiều địa phương, doanh nghiệp… vẫn chỉ lờ mờ về cơ hội và thách thức khi tham gia Hiệp định. Trong khi nắm rõ về điều này,  doanh nghiệp có thể hoạch định chiến lược phát triển hoặc xây dựng giải pháp đối phó, vượt qua khó khăn… 

TÚ ANH

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Hiệp định CPTPP, CPTPP