Hai điểm cần lưu ý đối với các doanh nhân trong bối cảnh hội nhập

“Kinh doanh một cách liêm chính, kinh doanh một cách sáng tạo nếu chúng ta muốn hội nhập thành công” – Chia sẻ của Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI tại đêm Gala Chào Xuân 2016 do CLB Nữ Doanh nhân Hà Nội tổ chức tối 16/1.

Ảnh minh họa.

Tại đêm Gala, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Haike Manning đã chia sẻ về những cơ hội và thách thức mà Việt Nam gặp phải khi TPP chính thức có hiệu lực.

Theo ông Haike Manning, Việt Nam sẽ thực sự là ngôi sao sáng trong khu vực, nhưng lợi ích mà TPP mang lại không đến tự nhiên mà các doanh nghiệp phải cố gắng để thu được.

Khi TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ có 3 cơ hội chính là: Việt Nam được tiếp cận tốt hơn với những thị trường giàu có mà người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm chất lượng cao.

Thứ hai là Việt Nam có cơ hội nhận các nguồn vốn đầu tư, công nghệ hiện đại từ nước ngoài giúp Việt Nam phát triển tốt hơn.

Cuối cùng, TPP sẽ động lực cho mội trường kinh doanh trong nước minh bạch, thuận lợi hơn giúp doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn như: Liệu Việt Nam có xác định được thương hiệu đúng đắn, xây dựng được sản phẩm chủ lực để cạnh tranh khi TPP có hiệu lực hay không ?

Tiếp theo là, liệu Việt Nam có khả năng tăng cường thích ứng, với những thay đổi để có thể cạnh tranh được với những đối thủ của mình không ? Làm thế nào để doanh nghiệp trong nước thay đổi, cạnh tranh được với những đối thủ tới từ nước ngoài ?

Cuối cùng là, liệu doanh nghiệp Việt có chú trọng đầu tư thích đáng , đẩy đủ để nâng cao chất lượng cho doanh nghiệp hay không ?

Chia sẻ về cơ hội đầu tư, hợp tác với New Zealand cho doanh nghiệp Việt Nam, Đại sứ Haike Manning cho rằng, hai bên không nên chỉ nghĩ tới việc tăng cường xuất khẩu giữa hai bên mà làm sao cần hợp tác chung lại để tăng cường sản xuất, xuất khẩu sang quốc gia thứ ba, thứ tư.

Ông Haike Manning dẫn chứng về một doanh nghiệp sản xuất quần áo chất lượng cao. Các mẫu được thiết kế tại New Zealand, sản xuất ở Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường EU.

Một ví dụ khác là quả thanh long – một đặc sản của Việt Nam, các nhà khoa học New Zealand đã nghiên cứu và tạo ra những giống thanh long chất lượng cao để xuất khẩu.

Chia sẻ về về tính liêm chính – giá trị cốt lõi, sức mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, hơn lúc nào hết, niềm tin chính là điều cần thiết cho xã hội, thị trường hiện nay.“Nếu một người nông dân sẵn sàng trồng một luống rau bẩn để bán ra thị trường thì đó là một đại họa cho đất nước. Các doanh nhân cũng vậy” – Ông Lộc lấy ví dụ

Nhắc lại chuyến thăm của Thủ tướng và Hoàng tử Anh tới Việt Nam diễn ra vào những tháng cuối 2015. Ông Lộc cho biết, trong cuộc hội thảo với Thủ tướng Anh, họ không nói về việc bán mặt hàng này, mặt hàng kia hay đầu tư các dự án như thông thường mà lại bàn với chúng ta về vấn đề liêm chính trong kinh doanh. Và ngay sau đó, khi Hoàng tử Anh tới, hai bên lại cùng nhau bàn về chủ đề sáng tạo khởi nghiệp .

Theo Chủ tịch VCCI, “Liêm chính nằm trong trái tim của hoạt động kinh doanh”“Sáng tạo cần nằm trong bộ não của kinh doanh” chính là hai điểm cần lưu ý đối với các doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Hai yếu tố này tạo nên nền tảng sức mạnh cho người kinh doanh.

“Kinh doanh một cách liêm chính, kinh doanh một cách sáng tạo nếu chúng ta muốn hội nhập thành công” – Tiến sĩ Lộc nhấn mạnh.

Hiện nay, tính nhân văn đang được đề cao rất nhiều trong xã hội, trong nền kinh tế. Bản thân các doanh nghiệp được coi là thực thể, con người kinh tế. Doanh nghiệp không chỉ cần mạnh về công nghệ, tài chính, mà còn cần mạnh về tính nhân văn.

“Người tiêu dùng, bạn hàng sẽ chọn chúng ta không chỉ vì sản phẩm của chúng ta có chất lượng cao, chi phí thấp mà còn vì việc các sản phẩm đó đảm bảo tính nhân văn trong quá trình sản xuất. Doanh nghiệp còn phải thực hiện đẩy đủ các trách nhiệm xã hội, không làm tổn hại môi trường, chăm lo cho người lao động, tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng” – Tiến sĩ Lộc nói.

Doanh nghiệp thực hiện tốt các điều nêu trên có thể khó khăn lúc đầu nhưng chắc chắn sẽ ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, đối tác và sẽ thành công.

Tất nhiên, tấm lòng là điều quan trọng, nhưng trí tuê, bản lĩnh, chuyên nghiệp cũng cần thiết không kém.

Trong quá trình hội nhập, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là cần phải vươn tới chuẩn mực quốc tế. “Vì vậy, chúng ta cần phải xây dựng được một hệ thống quản lý, quản trị một cách chuyên nghiệp, minh bạch và liêm chính” – Ông Lộc nói.

Ông Lộc cũng cho biết, VCCI đang xây dựng một chương trình phổ biến, tư vấn hỗ trợ thông tin hội nhập cho tới từng ngành hàng cụ thể. Chủ tịch VCCI mong Hiệp hội Doanh nhân Nữ Hà Nội sớm cùng phối với để triển khai cho các thành viên của mình.

Theo BizLive.vn(Hoàng Sang/Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp)

Từ khóa : bối cảnh hội nhập