Hợp tác PPP ngành cà phê: Kiến giải cho thách thức muôn năm cũ
(Chinhphu.vn) - Một những mấu chốt cấp bách hiện nay là phát triển hệ thống các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào cho sản xuất cà phê; cải tiến hệ thống tín dụng nông thôn để nông dân có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn, tránh hiện tượng đại lý vật tư nông nghiệp đang nắm cả phần tín dụng và khống chế một phần các quyết định canh tác và lợi nhuận của nông dân như hiện nay.
Đây là ý kiến của chuyên gia nông nghiệp, TS. Đặng Kim Sơn, tại Hội nghị Hợp tác công-tư phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam diễn ra ngày 4/12, tại TPHCM.
Đã có những điển hình hợp tác công-tư thành công
Trong khuôn khổ Nhóm đối tác công-tư các ngành hàng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Ban Điều phối ngành hàng Cà phê Việt Nam (VCCB) đã được thành lập. Từ đây, những góp ý xây dựng chính sách thuế với xuất nhập khẩu, thuế VAT cho sản phẩm cà phê hay các chương trình tái canh, phát triển cây cà phê bền vững đã ra đời.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), VCCB đã cùng Bộ NN&PTNT xây dựng tài liệu hướng dẫn phát triển cà phê bền vững. Theo đó, với sự tham gia đóng góp tích cực của các doanh nghiệp (DN) thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê, những mô hình canh tác như “cà phê cảnh quan”, tưới nước tiết kiệm, xen canh, sử dụng hóa chất có trách nhiệm đã đóng góp đáng kể vào hiệu quả của Chương trình tái canh 120.000 ha cà phê tại Việt Nam. “Với sự phối hợp đồng bộ này, Việt Nam đã hoàn thành hơn 90% diện tích cà phê cần tái canh và có thể hoàn thành kế hoạch này sớm hơn dự kiến, tức trước năm 2020”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy những mô hình hợp tác công-tư sản xuất cà phê bền vững đang có những thành công đáng chú ý, cả về hiệu quả kinh tế, xã hội lẫn môi trường.
Thống kê cho thấy, với hơn 256 vườn mẫu ở 4 tỉnh, năng suất cà phê tại các mô hình này đã tăng lên rõ rệt, từ mức tăng 12% giai đoạn 2010-2014 lên 17% giai đoạn 2015-2016. Nhờ đó, thu nhập trung bình của hộ nông dân trong mô hình này cũng tăng 14% trong 5 năm qua. Lượng phát thải khí nhà kính cũng giảm đi đáng kể. Các hoạt động như hội thảo, tập huấn đầu bờ, chuẩn bị lực lượng nhân sự... đã tạo nên một nền tảng kỹ thuật rất tốt cho các nông hộ, DN tham gia các dự án trên…
Tương tự, với vị thế của địa phương đang có nhiều dự án liên kết cùng các tổ chức quốc tế để phát triển, sản xuất, kinh doanh cà phê theo hướng có trách nhiệm, bảo vệ môi trường, tỉnh Lâm Đồng dù không phải thủ phủ cà phê cả nước nhưng cây cà phê cũng đã đạt năng suất lên tới 3,5-4 tấn/ha (mức trung bình cả nước đang là 2,5 tấn/ha).
Không chờ đợi các quy định, quy trình hay văn bản được luật hóa nào khác, ngành cà phê được đánh giá là đã rất chủ động trong hợp tác công-tư suốt cả chục năm qua. Dù vậy, các kết quả hợp tác công-tư thành công ấy mới chỉ có thể dừng lại trên những địa điểm “mẫu” nhất định chứ chưa thể phủ sóng trên diện rộng.
Đó là lý do vì sao cũng như những nông sản khác, ngành cà phê nhìn chung vẫn đang đối mặt với hàng loạt thách thức như: Lạc hậu trong canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến; cạnh tranh gay gắt về đất đai, lao động, nguồn nước; sản xuất nhỏ lẻ, thiếu đồng nhất về chất lượng; bất thuận về thời tiết; lỏng lẻo trong liên kết giữa DN với nông dân và các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ khác (giống, kỹ thuật, phân bón, thu mua…).
Để nông dân không bị bỏ lại phía sau
Từ góc nhìn của các nông hộ - thành tố quan trọng hình thành nên chuỗi giá trị ngành cà phê Việt Nam, TS. Trương Hồng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, một trong những đích đến cuối cùng của hợp tác công-tư trong sản xuất nông sản nói chung còn là phân bổ lợi nhuận của chuỗi giá trị cho các bên tham gia một cách nhân văn chứ không chỉ tìm cách nâng cao giá trị của chuỗi. Nhà khoa học này ước tính nông dân sản xuất cà phê giỏi hiện nay chỉ lãi được từ 70 triệu đến 100 triệu đồng/ha. Đây là mức lãi ngang với mức của… 7 năm trước đó. Tức nếu trừ đi sự tăng giá của vật tư đầu vào, công lao động và các yếu tố trượt giá khác thì giá trị tương đối mà cây cà phê trả lại cho nông dân đã giảm mất 40-50%.
Ông Hồng tin rằng cần có cơ chế để các mắt xích khác như DN thu mua, chế biến, xuất khẩu, nhà cung ứng vật tư… chia sẻ bớt giá trị gia tăng trên sản phẩm cà phê trong những năm qua cho nông dân. “Nông dân không có tiếng nói đủ ‘nặng’ khi đàm phán giá bán với DN, nông dân cũng không thể chôn vốn găm giữ cà phê đợi giá lên vì áp lực lãi vay. Nhưng nông dân vẫn phải trồng cà phê vì sinh kế. Nếu cứ để cung-cầu thị trường quyết định giá thu mua cà phê như hiện nay thì dù ngành chế biến, kinh doanh cà phê có mạnh tới đâu, giá trị gia tăng cà phê Việt Nam có lớn lên bao nhiêu đi nữa thì nông dân vẫn cứ khổ mãi”.
Vì vậy, theo TS. Đặng Kim Sơn, một những mấu chốt cấp bách hiện nay là phát triển một hệ thống các DN cung cấp vật tư đầu vào cho sản xuất cà phê; cải tiến hệ thống tín dụng nông thôn để nông dân có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn, tránh hiện tượng đại lý vật tư nông nghiệp đang “nắm cả phần tín dụng và khống chế một phần các quyết định canh tác và lợi nhuận của nông dân” như hiện nay.
Tán thành quan điểm trên, bà Jenny Kwan, Giám đốc Chương trình IDH (Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững từ Hà Lan) cho hay, sau khi các đóng góp của IDH cho những dự án sản xuất cà phê bền vững tại Lâm Đồng đi tới thành công, tổ chức này đang tiếp tục xúc tiến hỗ trợ nông dân tiếp cận tài chính thông qua một số quỹ do nhiều chính phủ, giới DN và các định chế tài chính tham gia tài trợ. IDH đang đặt mục tiêu sẽ tiếp cận và hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho khoảng 20% người trồng cà phê tại Việt Nam, tức khoảng 160.000 nông hộ.
Ghi nhận các kiến giải cho những gút mắc của ngành cà phê, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Văn Đức cho hay Việt Nam rất mong muốn nhận được sự đầu tư, hỗ trợ của cộng đồng DN, chuyên gia, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước trong xây dựng chuỗi giá trị cà phê. “Chúng tôi cũng mong muốn lập các nhóm hợp tác công tư để nghiên cứu phát triển cây cà phê sao cho DN và nông dân cùng được hưởng lợi nhiều hơn”.
Thật vậy, sáng kiến về xây dựng mã số vùng trồng nhằm quản lý, truy xuất nguồn gốc cà phê như kiến nghị của nhiều DN và tổ chức trước đó đã được Việt Nam luật hóa tại Luật Trồng trọt, được Quốc hội phê chuẩn hồi tháng 11 vừa qua.
Phương Hiền
Theo baochinhphu.vn
Từ khóa : Hợp tác, PPP, ngành cà phê, thách thức