Vì sao xuất khẩu sản phẩm cây công nghiệp chưa bứt phá?

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 sẽ đạt 40 tỷ USD. Song, sự đóng góp của các sản phẩm cây công nghiệp vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dường như vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Chế biến cà phê nhân xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 sẽ đạt 40 tỷ USD. Ngành hàng cây công nghiệp mà tiêu biểu là cà phê, hạt điều, cao su, hồ tiêu, sắn đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất – xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam còn đứng số 1 về điều, tiêu; thứ 2 về cà phê. Tuy nhiên, đến nay, sự đóng góp của các sản phẩm cây công nghiệp vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dường như vẫn “giậm chân tại chỗ”. 

Đến nay, xuất khẩu cà phê đạt 1,73 triệu tấn với 3,3 tỷ USD, tăng 23,4% về khối lượng nhưng chỉ tăng 3,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu cà phê cả năm nay dự báo đạt cao kỷ lục 1,8 triệu tấn với 3,5 tỷ USD, tăng 15% về khối lượng nhưng chỉ tương đương về giá trị so với năm 2017. 

Bởi giá cà phê xuất khẩu giảm mạnh (17%) so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, cơ cấu xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam có tới 95% là cà phê nhân, chủ yếu là cà phê vối robusta và 5% là cà phê chế biến sâu (cà phê rang xay, cà phê hòa tan). 

Mặt hàng sắn đến nay xuất khẩu đạt 3,4 triệu tấn với 905,2 triệu USD, giảm 3,93% về lượng và 0,45% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam với 88% tổng giá trị xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này có xu hướng giảm khá mạnh so với năm 2017. 

Điều này bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc xả kho dự trữ ngô sử dụng cho thức ăn chăn nuôi, khiến giá ngô trong nước trở nên cạnh tranh hơn với các sản phẩm thay thế sắn lát nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhu cầu tại thị trường Trung Quốc lại giảm do nhiều nhà máy Trung Quốc đã mua đủ lượng hàng cho các tháng kế tiếp và lượng hàng mua chính ngạch từ Thái Lan trước đó dồn về. Cộng với tỷ giá giữa CNY/VND giảm xuống gây bất lợi cho các giao dịch xuất khẩu qua kênh biên mậu. 

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, phản ánh của một số doanh nghiệp cho biết phía Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) sẽ áp dụng nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam nhập khẩu qua các cửa khẩu tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc trong thời gian tới. Hiện nay, đã vào chính vụ sản xuất tinh bột sắn tại Việt Nam, nguồn cung về mặt hàng này khá dồi dào. Nhưng, nhu cầu mua hàng từ thị trường Trung Quốc chậm hơn so với các năm gần đây. Trong khi giá sắn lát xuất khẩu của Thái Lan liên tục giảm giá gây áp lực không nhỏ đến giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. 

Người dân ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyên Bù Đốp (Bình Phước) phơi hạt tiêu sau thu hoạch. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Ảm đạm nhất là hồ tiêu. Khối lượng xuất khẩu hạt tiêu 11 tháng đạt 220.000 tấn với 718 triệu USD, tăng 8,9% về khối lượng nhưng giảm 32,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Với kết quả đến thời điểm này thì chỉ với 1 tháng còn lại của năm, hồ tiêu sẽ dễ bị đánh mất danh hiệu cây “tỷ đô”. 

Do giá xuất khẩu hạt tiêu giảm liên tục nên giá trị xuất khẩu tiêu sang hầu hết các thị trường, bình quân giảm 38% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, giảm mạnh nhất ở thị trường các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (giảm tới 58%). 

Ngược với xu hướng giảm giá, sản lượng xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng mạnh. Dù có gia tăng về sản lượng nhưng với sự giảm mạnh về giá cũng vẫn kéo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. 

Giá hạt tiêu thế giới đang được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới nhờ thặng dư cung – cầu giảm. Năm 2019, dự báo sản lượng của một số nước sản xuất chính như Việt Nam và Ấn Độ đều không khả quan do ảnh hưởng từ dịch bệnh và thiên tai. 

Trong dài hạn, chất lượng sẽ là yếu tố quyết định lên giá hạt tiêu, do đó cần có chính sách giúp đỡ và thúc đẩy nông dân sản xuất hạt tiêu theo hướng hữu cơ, đồng thời xây dựng và quảng bá thương hiệu tiêu của từng địa phương đến các thị trường trên thế giới. 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, hồ tiêu Việt Nam cần phải quyết liệt tái cơ cấu ngành. Trước hết phải giảm diện tích hồ tiêu ở những vùng trồng trái với quy luật, năng suất và chất lượng không cao để nhường cho cây trồng khác. Cây tiêu phải chạy theo chất lượng. Theo đó, phải tập trung về giống tiêu và thị trường, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường chế biến sâu. 

Mặt hàng điều cũng chung tình cảnh trên. Đến nay, xuất khẩu điều đạt 342.000 tấn với kim ngạch 3,1 tỷ USD, tăng 5,9% về lượng nhưng giảm 3,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. 

Tuy có kim ngạch xuất khẩu cao, đứng đầu thế giới song đây lại là ngành mà Việt Nam chưa chủ động được nguồn nguyên liệu cho chế biến. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã phải nhập đến 1,14 triệu tấn với giá trị đạt 2,25 tỷ USD để chế biến xuất khẩu. Mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới nhưng chỉ đóng góp 18% giá trị trong chuỗi giá trị điều toàn cầu. 

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thời gian tới, giá điều nhân trên thị trường thế giới có thể được đẩy lên khi nhu cầu tăng mạnh vào dịp cuối năm và ảnh hưởng từ chính sách thu mua toàn bộ điều thô trong nước từ vụ 2018 của Tanzania sẽ làm nguồn cung thế giới thiếu hụt. Việc Tanzania thu mua toàn bộ điều thô trong nước tạo nguy cơ mất đi một trong những nguồn cung điều thô lớn. 

Bên cạnh đó, các quốc gia sản xuất điều thô ở châu Phi cũng đang chuẩn bị lập kế hoạch chế biến sâu, nâng cao giá trị hạt điều. Do vậy, các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nông dân để chủ động nguồn nguyên liệu thô chất lượng phục vụ chế biến và xuất khẩu. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 10 tỉnh trồng điều trọng điểm, chiếm 94% diện tích trồng điều cả nước phải tập trung rà soát lại quy hoạch và thực hiện tái cơ cấu ngành điều phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Đối với những vườn điều già cỗi tại các vùng có lợi thế sản xuất thì thực hiện trồng tái canh hoặc ghép cải tạo. 

Bên cạnh đó, Bộ đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp Campuchia thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu điều và cam kết Việt Nam sẽ nhập khẩu toàn bộ sản lượng điều thu hoạch được nhằm nâng cao sản lượng điều nguyên liệu có chất lượng cao phục vụ ngành chế biến điều trong nước.

Theo Bnews/TTXVN

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : xuất khẩu, cây công nghiệp, bứt phá