Nhượng quyền thương mại tại Việt Nam ngày càng sôi động
(NTD) - Dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng khiến hoạt động kinh doanh có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là xu hướng thu hút các thương hiệu nước ngoài đẩy mạnh hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam.
Việt Nam thành “miếng bánh ngon” thu hút nhượng quyền thương mại
Theo chia sẻ của TS.LS Bùi Quang Tín, tiềm năng phát triển thế giới, năm 2017 tổng doanh thu hoạt động nhượng quyền thương mại trên thế giới chiếm 2.000 tỷ USD và đứng đầu là Mỹ. Còn tốc độ phát triển nhượng quyền thương mại ở Việt Nam trong 5 năm qua theo các đánh giá uy tín đạt từ 15-20%.
Số liệu thống kê của Bộ Công thương đến ngày 4/12 cho thấy hiện nay có 213 doanh nghiệp nước ngoài chính thức nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam. Cuối 2017 có 187 DN trong đó các doanh nghiệp đến từ Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc chiếm trên 97% còn lại là một số nước tại Đông Nam Á chiếm 3%. Từ đầu năm 2018 đến nay đã có 26 doanh nghiệp ngoại nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam. Trên thực tế, phần lớn các thương hiệu được nhượng quyền tại Việt Nam đến từ các quốc gia châu Á.
Hiện nay các lĩnh vực doanh nghiệp nước ngoài nhượng quyền nhiều nhất là ăn uống, khách sạn, tiêu dùng, bán lẻ. Doanh nghiệp nhượng quyền thương mại mạnh nhất ở Việt Nam thời gian qua là MC Donald’s, thương hiệu này đến thị trường Việt Nam vào giữa năm 2013 và chính thức 2014 đã triển khai nhượng quyền. Với tham vọng lớn về thị trường Việt Nam có tiềm năng như Trung Quốc nên MC Donald’s đã đưa ra chỉ tiêu trong 2 năm từ 2014-2016 sẽ phát triển 100 chi nhánh tại Việt Nam. Nhưng sau 4 năm MC Donald’s đánh giá lại thị trường Việt Nam thì kế hoạch này phải đến năm 2024 mới thực hiện được.
Bên cạnh MC Donald’s, các thương hiệu nổi tiếng thế giới từ đồ ăn nhanh, khách sạn, nhà hàng cho đến mỹ phẩm, quần áo cũng đã và đang nhanh chóng bước vào thị trường Việt Nam và ngày càng mở rộng quy mô như Baskin Robbins, Haagen-Dazs (đến từ Hoa Kỳ), Pizza Hut, Kentucky Fried Chicken, Pepper Lunch, Burger King (Singapore), Lotteria, Tous Les Jours, BBQ Chicken (Hàn Quốc), Swensen’s (Malaysia), Oasis, Karren Millen, Warehouse, Topshop, Coast London (Anh), Bulgari, Moschino, Rossi (Italy)…
Trên thực tế, con số thống kê của cơ quan quản lý dường như chưa phản ánh hết mức độ sôi động của thị trường nhượng quyền trong thời gian qua, bởi có nhiều thương hiệu dù đã hoạt động trên thị trường nhưng không thấy được ghi nhận trong danh sách.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay việc nhượng quyền của đối tác nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dừng lại ở mô hình nhượng quyền cấp 1 (nhượng quyền độc quyền) hay còn gọi là phát triển hệ thống chuỗi. Khi kinh doanh bằng hình thức này thì các bên đã gắn kết với nhau thông qua nhiều giao dịch ràng buộc lẫn nhau như cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, tỷ lệ phân chia lợi nhuận…
Tuy nhiên, yếu tố gánh nặng lớn nhất đối với bên nhận nhượng quyền (thông thường hay diễn ra trong các ngành hàng F&B – cung cấp, bán lẻ ăn uống) là việc thoả thuận để thuê mặt bằng với thời hạn lâu dài đối với bên thứ ba. Đây cũng là một điều khó khi để có thể kiểm soát được chi phí một cách tốt nhất.
Các chuyên gia tư vấn cũng cho rằng 50% thành công của hoạt động nhượng quyền thương hiệu là dựa vào vị trí đắc địa. Thực tế, khảo sát một vài doanh nghiệp nhận nhượng quyền thương hiệu FiveStar hiện nay cho thấy việc chuyển địa điểm kinh doanh làm mất đi một lượng khách hàng quen thuộc làm cho công việc và thu nhập trở nên khó khăn trong khi chi phí hàng tháng đã lên rất cao. Đây cũng là một trong những bất lợi mà bên nhận nhượng quyền nếu không nắm được sẽ rất mất công gây dựng để rồi lại không có gì trong tay. Nhiều đơn vị nhận nhượng quyền là những doanh nghiệp nhỏ chưa có nền tảng vận hành, chưa biết cách khai thác hiệu quả về chất lượng sản phẩm, không thể cạnh tranh làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhượng quyền và cả bản thân doanh nghiệp mình.
Về phía doanh nghiệp nhượng quyền cũng phải gánh chịu những rủi ro nhất định như đảm bảo an toàn những bí mật kinh doanh là điều đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng thương hiệu, uy tín.
Theo luật sư Vũ Quyết Tiến, điểm cần lưu ý đối với hoạt động nhượng quyền thương hiệu là các rắc rối trong khung pháp lý về tranh chấp hợp đồng, sở hữu trí tuệ. Bởi ông Tiến cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp nhận nhượng quyền thương hiệu còn chưa chú trọng các hồ sơ pháp lý, hợp đồng lúc mới bắt đầu hợp tác để đến khi xảy ra tranh chấp lại khó giải quyết.
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, kinh doanh, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận nhượng quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo 2 điều kiện:
Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền.
Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận nhượng quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Kim Ngọc
Theo www.nguoitieudung.com.vn
Từ khóa : Nhượng quyền, sôi động