Khánh thành nhà máy chế biến sâu cà phê lớn nhất Việt Nam

(NTD) - Công ty Cổ phần Cà phê Tín Nghĩa vừa khánh thành nhà máy chế biến cà phê tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (Đồng Nai). Đây là nhà máy chế biến sâu cà phê có quy mô lớn nhất tại Việt Nam hiện nay với công suất 10.000 tấn/năm.

Nhà máy được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, khép kín theo tiêu chuẩn hệ thống an toàn thực phẩm FSSC 22000. Sản phẩm chủ lực là cà phê rang xay và cà phê hòa tan hỗn hợp. Đặc biệt, nhà máy sử dụng công nghệ sấy lạnh (freezed dried), lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Máy móc của nhà máy do Công ty Devex của Đức cung cấp.

Công nghệ sấy lạnh giúp giữ lại toàn bộ chỉ tiêu cao nhất về chất lượng và các phẩm chất về hương tự nhiên của cà phê. Ông Quách Văn Đức, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tín Nghĩa cho biết, sản phẩm cà phê của nhà máy phần lớn sẽ được xuất khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á.

Giai đoạn 1 của nhà máy có vốn đầu tư 30 triệu USD, công suất 3.200 tấn. Đến năm 2019 công suất nâng lên 5.000 tấn và năm 2021 nhà máy sẽ đạt công suất 10.000 tấn cà phê hòa tan và cà phê rang xay. Tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 100 triệu USD.

Công ty Cổ phần Cà phê Tín Nghĩa có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, Tổng Công ty Tín Nghĩa góp 50% vốn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thành Công 30% và Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) góp 20% vốn. Thành Thành Công đang nắm phần lớn thị phần ngành đường ở Việt Nam. Tổng Công ty Tín Nghĩa là nhà xuất khẩu cà phê nhân hàng đầu Việt Nam trong 20 năm qua. Maseco kinh doanh đa lĩnh vực, cũng có nhà máy chế biến cà phê nhân ở nhiều nơi.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, hiện nay cà phê đóng góp khoảng 2% GDP của cả nước, 30% GDP các tỉnh Tây Nguyên. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê hòa tan của Việt Nam so với tổng sản lượng xuất khẩu cà phê hòa tan thế giới liên tục tăng qua các năm. Chẳng hạn giai đoạn 2011 - 2012 là 3,8% thì đến năm 2015 - 2016 là 9,4%. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam nằm trong top 5 các nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn trên thế giới, đứng sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.

Cà phê hòa tan chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, gần 90% lượng cà phê của Việt Nam được các doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài dưới dạng cà phê thô chưa qua chế biến, không có thương hiệu và có giá trị thấp. Vụ mùa cà phê 2017-2018, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,8 triệu tấn cà phê nhân với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD.

Nguyễn Dương

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : chế biến, sâu cà phê, cà phê