Tìm giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam

Mặc dù đã tiến hành cải cách mạnh mẽ nhưng theo kết quả công bố ngày 31/10/2018, môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy tăng 1,59 điểm, nhưng giảm 1 bậc so với năm 2017. Vì vậy, cần có những giải pháp cải cách hiệu quả, không để xảy ra tình trạng “tiến bộ so với chính mình nhưng tốc độ cải thiện lại chậm so với quốc gia khác”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: GIA HUY

Đó là phát biểu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc với các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) vào sáng 14/6.

Buổi làm việc được trực tuyến đến đầu cầu WB tại Washington, D.C (Hoa Kỳ).

Tham dự buổi làm việc có Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione cùng các chuyên gia của WB; các thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng Chính phủ “liêm chính, kiến tạo, hành động quyết liệt, phục vụ người dân và doanh nghiệp”. Một trong những điểm nhấn là từ năm 2014 đến nay, Chính phủ Việt Nam đều ban hành những Nghị quyết chỉ đạo nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (các Nghị quyết 19).

Căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu, đòi hỏi khách quan qua từng năm, phạm vi mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 19 ngày càng được mở rộng, tuy nhiên nhiệm vụ, giải pháp cốt lõi, chủ yếu vẫn tập trung vào cải thiện 10 chỉ số thành phần của Báo cáo Môi trường kinh doanh. Từ đó, phạm vi, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 19 ngày càng được hoàn thiện, mở rộng hơn.

Ngoài sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ còn huy động sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh.

Sau 5 năm, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam cải thiện đáng kể, tăng 24 bậc (từ vị trí 93/189 theo công bố năm 2014 lên vị trí 69/190 theo công bố năm 2018). Trong ASEAN, hiện môi trường kinh doanh Việt Nam xếp thứ 5, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei. Trong đó, Việt Nam đã có chuỗi tăng liên tục 25 bậc trong 4 năm, từ 2014 đến 2017.

Đánh giá riêng về các chỉ số thành phần trong môi trường kinh doanh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, một số chỉ số cải thiện đáng kể như: Tiếp cận điện năng tăng 108 bậc, từ 135 lên 27. Nhưng ngược lại, một số chỉ số dù xếp thứ hạng khá cao nhưng không có sự cải thiện nào về số thủ tục, thời gian thực hiện các thủ tục trong 5 năm qua như: Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản… Một số chỉ số vẫn nằm cuối bảng xếp hạng như khởi sự kinh doanh xếp thứ 104; giải quyết phá sản doanh nghiệp xếp thứ 133...

"Chúng tôi thẳng thắn cho rằng những chỉ số này còn thấp", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, theo kết quả công bố ngày 31/10/2018, môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy tăng 1,59 điểm, nhưng giảm 1 bậc so với công bố năm 2017 và nhấn mạnh: "Điều này có nghĩa là tuy chúng ta có tiến bộ so với chính mình, nhưng mức độ cải thiện còn chậm hơn so với các quốc gia khác".

"Do vậy, chúng ta có nguy cơ tiếp tục tụt hậu trong ASEAN và tụt hậu so với chính mình nếu không kịp thời đề ra các giải pháp cải cách hiệu quả", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Năm 2018, với sự chỉ đạo quyết liệt của của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ, đã cắt giảm 6.776/9.926 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu; cắt bỏ và đơn giản 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh; giảm thời gian thông quan từ 62 giờ xuống 56 giờ với hàng nhập khẩu, từ 58 giờ xuống 55 giờ với hàng xuất khẩu. Như vậy riêng cắt giảm thủ tục liên quan TTHC và hàng hóa xuất nhập khẩu, từ đầu năm 2018 đã tiết kiệm 7.200 tỷ đồng (theo tính giá năm 2012).

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, mặc dù Việt Nam đã có những cải thiện mạnh mẽ nhưng vẫn phải xem xét lại một cách nghiêm túc các chỉ số để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Vì vậy, các ý kiến thẳng thắn, cởi mở, toàn diện từ phía các chuyên gia sẽ giúp Việt Nam có những giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh một cách nhanh chóng và bền vững.

Cuộc làm việc tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: VGP/GIA HUY

Từ đầu cầu Washington, bà Sylvia Solf, chuyên gia của WB đã giới thiệu về các xu hướng toàn cầu, cải cách thể chế và tập trung vào kết quả môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm qua và báo cáo môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2019.

Theo chuyên gia WB, qua báo cáo môi trường kinh doanh năm 2017-2018, Việt Nam cải cách ở 3 lĩnh vực: Thành lập doanh nghiệp, nộp thuế và thực thi hiệu lực hợp đồng.

Với thành lập doanh nghiệp, Việt Nam đã giảm chi phí thành lập qua công bố trực tuyến thông tin về vấn đề này; việc nộp thuế liên tục cải cách qua nhiều năm, giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp thông qua giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về thực thi hiệu lực hợp đồng được công khai trực tuyến mọi phán quyết về các vụ thương mại ở tòa án các cấp. Việt Nam xếp thứ 62 trong báo cáo môi trường kinh doanh năm 2019, đạt điểm 62,07 cho chỉ số thực thi hiệu lực hợp đồng, thứ hạng cải thiện so với báo cáo năm 2018 (xếp thứ 66) là nhờ cải cách về minh bạch.

Tuy nhiên, bà Sylvia Solf cho rằng Việt Nam cần cải thiện việc xử lý tình trạng phá sản (Việt Nam xếp thứ 133 trong báo cáo môi trường kinh doanh năm 2019, đạt điểm 34,93 trong điểm số về xử lý tình trạng phá sản). Điểm số không thay đổi so với năm trước nhưng thứ hạng thấp hơn so với cải cách ở các quốc gia khác.

Sau khi các đại biểu, chuyên gia thảo luận về các nội dung liên quan vấn đề nhằm nâng cao các chỉ số nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam như việc thực thi hiệu lực hợp đồng, việc tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành trong nhiều lĩnh vực; vấn đề nộp thuế, chỉ số sau kê khai; khuyến khích phát triển doanh nghiệp..., ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết các chuyên gia sẽ tổng hợp các thông tin, câu hỏi, khuyến nghị, rồi từ đó làm rõ hơn trong chương trình hoạt động tiếp theo của WB.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, căn cứ các ý kiến trao đổi, khuyến nghị của chuyên gia, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ sẽ tư vấn để Thủ tướng ban hành các giải pháp tổng thể và giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

GIA HUY/Baochinhphu

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : giải pháp, cải thiện, môi trường kinh doanh