Giải quyết tranh chấp công bằng với nhà đầu tư nước ngoài

Ngày 14/12, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Toà án nhân dân Tối cao và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã tổ chức hội thảo nhằm cải thiện chất lượng giải quyết tranh chấp đầu tư của tòa án.

Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: VGP/THU LÊ

Việt Nam đang rất thành công trong việc thực hiện chính sách hội nhập kinh tế quốc tế khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 và đàm phán ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Hiển nhiên những tranh chấp quốc tế sẽ nảy sinh và gia tăng về mặt số lượng cũng như độ phức tạp và tính đa dạng. 

Thực tế, doanh nghiệp thường lựa chọn giải quyết tranh chấp tại toà án như một giải pháp cuối cùng để bảo vệ quyền và lợi ích của họ. Vì vậy, thẩm phán Việt Nam sẽ gặp phải nhiều vấn đề và thử thách khi xử các vụ việc thương mại, đặc biệt là các tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước tiếp nhận đầu tư. Toà án sẽ phải giải quyết tranh chấp nảy sinh từ những thay đổi về chính sách, hoạt động và quyết định hành chính gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã cung cấp kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp, quy trình giải quyết tranh chấp và nghĩa vụ của Việt Nam trong việc thực hiện các công ước quốc tế về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước tiếp nhận đầu tư. Cũng tại hội thảo, các chuyên gia trong nước chia sẻ tiến độ thực hiện các công ước đầu tư quốc tế và các hiệp ước liên quan mà Việt Nam đã ký kết.

Bà Caitlin Weisen, Quyền Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: “Toà án có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm một môi trường kinh doanh công bằng. Nếu hệ thống toà án kém hiệu quả do tham nhũng sẽ không những khiến cho lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống tư pháp bị lung lay mà còn ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, việc bảo đảm cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và áp dụng luật pháp công bằng là một trong những biện pháp then chốt để chống tham nhũng”.

“Quá trình tham gia, ký kết các điều ước quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, giúp mở ra các cơ hội mới, thu hút đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam có cơ hội tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn, minh bạch hơn, dễ dự đoán hơn và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp,” bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao phát biểu.

THU LÊ/Baochinhphu

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : tranh chấp, nhà đầu tư