Ai mua lại lâu đài và nhà hàng 30 triệu đô của Khải Silk ?

(NTD) - Mua lại tòa lâu đài tráng lệ TajmaSago và nhà hàng Cham Charm trị giá 30 triệu USD nên Chloe Hospitality được coi là đại gia mới nổi trong làng bất động sản. Vì vậy, Chloe Hospitality khiến nhiều người bất ngờ khi có vốn điều lệ và giá trị doanh nghiệp ngót nghét vài chục tỷ đồng.

Khải Silk dứt ruột bán TajmaSago và Cham Charm

Trong những ngày cuối tháng 12, dư luận xôn xao với thông tin doanh nhân Hoàng Khải (Khải Silk) dứt ruột bán 2 tác phẩm nghệ thuật nổi danh mà ông dành nhiều tâm huyết xây dựng nên. Đó là tòa lâu đài tráng lệ TajmaSago và nhà hàng xa xỉ Cham Charm. Cả 2 công trình này đều nằm trên những mảnh đất vàng ở TP.HCM.

Bên mua là Công ty TNHH Chloe Hospitality. Mới đây, Giám đốc điều hành Chloe Hospitality Nguyễn Đình Toàn đã “đính chính” thông tin về thương vụ này. Theo ông Toàn, ở đây không có quan hệ mua bán. Thực tế, Chloe Hospitality chỉ “thuê” và khai thác lại. Bản thân doanh nhân Khải Silk cũng thuê đất chứ không sở hữu “đất vàng”.

Sau khi được “thuê” lại TajmaSago và Cham Charm sẽ mang thương hiệu mới là Chloe Gallery với mô hình hoạt động có nhiều đổi mới so với trước đây. Sau khi sửa chữa, chỉnh trang, dự án sẽ đón khách trong những ngày cuối tháng 12 này.

Khải Silk không chỉ “bán” 2 đứa con tinh thần TajmaSago và Cham Charm, trước đó, hồi tháng 8 vừa qua thông tin chiếc Rolls-Royce Phantom từng thuộc sở hữu của đại gia Khải Silk được một showroom tư nhân tại Hà Nội chào bán cũng gây xôn xao dư luận.

Dư luận xôn xao nhưng không… bất ngờ trước thông tin này bởi lẽ Khải Silk “im hơi lặng tiếng” suốt hơn 1 năm qua sau scandal bán hàng giả, hàng cắt mác. Hồi tháng 10/2017, khách hàng cho biết đã phát hiện sản phẩm Khaisilk – thương hiệu do doanh nhân Khải Silk phát triển - gắn mác “made in China”, một số khăn khác lại có dấu hiệu cắt nhãn mác.

Tòa lâu đài TajmaSago gắn liền với tên tuổi Khải Silk đã được sang tên.

Không chỉ có vậy, những chiếc khăn “có vấn đề” của Khaisilk được bán với mức giá 644.000 đồng/chiếc nhưng cộng đồng mạng nhanh chóng tìm ra những sản phẩm giống y hệt được bán trên nhiều website Trung Quốc với mức giá rất thấp, chỉ vài chục ngàn đồng một chiếc.

Kể từ đó, thương hiệu Khaisilk và thương hiệu cá nhân doanh nhân Khải Silk bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cửa hàng Khaisilk phải đóng cửa. Doanh nhân Khải Silk hoàn toàn “mất tích” trên thị trường. 

Ông chủ mới là ai ?

Không kể tiền đất, Khải Silk đã phải rót tới 30 triệu USD (670 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) để hoàn thành TajmaSago và Cham Charm. Vì vậy, ông chủ mới của 2 công trình này được tin này phải chi số tiền rất khủng để thực hiện thương vụ. Điều đó có nghĩa tài sản của ông chủ mới sẽ là con số khổng lồ. Thế nhưng, thực tế, Chloe Hospitality và cả công ty mẹ đều chỉ có nguồn vốn vỏn vẹn vài chục tỷ đồng.

Công ty TNHH Chloe Hospitality được thành lập vào tháng 9/2018, vốn điều lệ 36 tỷ đồng, hoạt động chính là kinh doanh bất động sản. Vào đầu tháng 12/2018, Chloe Hospitality thay đổi nhân sự cấp cao khi chức danh Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật được giao cho bà Đào Ngọc Bảo Phương, sinh năm 1994 (ngụ TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Còn thông tin về thuế và hộp thư điện tử của Chloe Hospitality đặt tại Công ty Cổ phần đầu tư Địa ốc Bến Thành (Bến Thành Land), tiền thân của Công ty cổ phần Capella Holdings. Đồng thời, Bến Thành Land cũng là chủ sở hữu Chloe Hospitality.

Doanh nhân Khải Silk đã trải qua 1 năm đầy biến động.

Bến Thành Land thành lập vào tháng 9/2006. Thời gian đầu, Bến Thành Land là công ty liên kết của Benthanh Group. Năm 2014, Benthanh Group đã bán Bến Thành Land. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính năm 2014 của Benthanh Group, Tập đoàn này không tiết lộ đối tác mua Bến Thành Land. Dù vậy, giá trị thương vụ đã được hé lộ.

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ đã được kiểm toán năm 2014 của Benthanh Group, tại thời điểm cuối năm, khoản phải thu từ việc bán cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Bến Thành (Bến Thành Land) là 57,6 tỷ đồng. Con số này hồi năm 2013 là 0 đồng.

Benthanh Group kiếm được khoản lời không nhỏ khi thoái vốn khỏi Bến Thành Land. Trước năm 2014, Benthanh Group sở hữu 20,77% vốn tại Bến Thành Land, tương đương giá trị 30,2 tỷ đồng. Như vậy, vốn điều lệ của Bến Thành Land chỉ là 145 tỷ đồng.

Sau đó, ĐHCĐ thường niên 2015 của Bến Thành Land đã thông qua việc đổi tên công ty thành Capella Holdings. Capella Holdings hiện đang là cái tên được biết đến là một tập đoàn lớn trong ngành ẩm thực và giải trí (F&B Hospitality).

 Bảo Linh

 

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : lâu đài, nhà hàng, Khải Silk