Cần có chính sách 'thật' cho phát triển ngành tre, nứa

Mỗi năm đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu khoảng 250 triệu USD, tuy nhiên, hiện nguồn nguyên liệu cho ngành mây tre không ổn định về số lượng và chất lượng đang là thách thức đặt ra cho ngành này.

 

Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ gặp khó vì thiếu nguyên liệu

Theo số liệu Vụ Phát triển rừng - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), hàng năm nhu cầu tiêu thụ của Việt Nam khoảng 400-500 triệu cây tre nứa và khoảng 80.000 tấn song mây/năm. Đây là nguồn thu nhập quan trọng trong kinh tế hộ gia đình nông thôn miền núi, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày, góp phần tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo. Đồng thời, đây cũng là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến, thủ công mỹ nghệ, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu.

Giá trị xuất khẩu mây tre đan khoảng 250 triệu USD/năm. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng 10-15%/năm, nhu cầu nguyên liệu đến năm 2020 là 1 tỷ cây. Do đó, ngoài diện tích hiện có, cần trồng mới thêm khoảng 60.000 ha tre luồng.

Với lợi thế về nguồn nguyên liệu, Việt Nam có tiềm năng phát triển các sản phẩm mây tre đan. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và doanh nghiệp tiềm lực, lợi thế của chuỗi ngành tre được đánh giá chưa phát triển xứng tầm bởi quy mô còn hạn chế, hệ thống thu gom, buôn bán tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu phục vụ xây dựng, đan lát giá trị thấp.

Nguyên nhân do, chưa hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất nên các doanh nghiệp gần như chủ yếu gia công cho các nhà sản xuất, nhập khẩu từ nước ngoài. Đặc biệt, Việt Nam chưa có đủ tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng tre, chứng chỉ rừng, giải pháp lâm sinh ứng dụng cho tre nứa còn nhiều hạn chế, thiếu các phương án quản lý rừng bền vững, vùng nguyên liệu vẫn còn phân tán.

Nghệ An là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, gần 1,2 triệu ha, chiếm trên 70% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Theo kết quả kiểm kê rừng năm 2015, tổng diện tích rừng tre, nứa toàn tỉnh là 44.090,68 ha phân bố trên 16 huyện, thị xã.

Ông Đặng Xuân Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An - cho biết: Trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất liên quan đến lĩnh vực tre, nứa phân bố tại khu công nghiệp Nam Cấm và trên địa bàn hai huyện Quế Phong, Quỳ Châu. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ mới có 2 doanh nghiệp sản xuất có quy mô xuất khẩu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là Công ty Đức Phong và Công ty TNHH Lâm sản Khánh Tâm tại huyện Quế Phong. Còn lại chủ yếu là hoạt động đơn lẻ, chế biến sản phẩm thô xuất bán ra thị trường phía Bắc, một phần còn lại chế biến thành các sản phẩm như hàng mây tre đan, làm hương phục vụ nhu cầu trong tỉnh.

Còn theo ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong (TP.Vinh, Nghệ An), đơn vị đang sản xuất, tiêu thụ ổn định các loại đèn treo, đèn bàn hộp đựng đồ, giỏ đựng trái cây... Doanh nghiệp đã có những khách hàng lớn và ổn định tại thị trường châu Âu và châu Á với những đơn đặt hàng lớn, dài lâu. Một số thị trường mới nổi những năm gần đây như Trung Quốc, Tây Ban Nha, Chi lê, Anh… đang có xu hướng nhập khẩu nhiều các mặt hàng mây tre đan từ Việt Nam.

Song, Đức Phong cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ khi nguồn nguyên liệu không ổn định về số lượng và chất lượng, giá cả ngày càng cao. Trình độ tay nghề lao động còn thấp, năng suất chất lượng sản phẩm chưa cao, thu nhập thấp… chưa thu hút được đông đảo lực lượng lao động ở các địa phương. Đặc biệt, Nhà nước chưa có chính sách riêng hỗ trợ cây mây tre, mà vẫn lồng ghép trong các văn bản chính sách nông nghiệp chung.

Công ty Cổ phần BWG Mai Châu (Hòa Bình) là nhà máy duy nhất tại Việt Nam sản xuất đủ tất cả các dòng sản phẩm từ tre ép công nghiệp, 99% sản phẩm của công ty được xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp này cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn về công nghệ chế biến, lao động và cơ chế chính sách.

Đại diện Công ty Cổ phần BWG Mai Châu cho hay, công nghệ chế biến tre chưa hoàn thiện, vừa làm vừa sửa. Trong khi đó, công nhân vùng cao hiếm, thiếu ý thức công nghiệp, kỹ năng yếu. Sự quan tâm của nhà nước với sự phát triển ngành tre chưa có. Mặc dù ngành này thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ theo Nghị định 210 và Nghị định 57, nhưng sau 2 năm vẫn không được hỗ trợ do không có ngân sách…

Đáng chú ý, theo vị đại diện của doanh nghiệp này, thì nhu cầu đầu vào ngày càng tăng, năm 2019 dự kiến là 60.000 tấn, con số này năm 2020 là 72 nghìn tấn và đến năm 2023 sẽ là 150 nghìn tấn. Tuy nhiên, đầu vào không ổn định, chưa có chuỗi giá trị ngành tre, chất lượng nguyên liệu thấp, tỷ lệ sử dụng thấp dẫn đến hiệu quả không cao. Chưa được tổ chức trồng và khai thác hiệu quả….

Để ngành tre thực sự phát triển cần nỗ lực rất lớn từ nhà nước và chính quyền địa phương.

Đại diện Công ty Cổ phần BWG Mai Châu kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách “thật” cho phát triển ngành tre như: Hỗ trợ thuế giá trị gia tăng (VAT) là 0% (như nông sản); dành ngân sách hàng năm cho phát triển ngành tre. Về phía địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thông qua các chính sách về đất đai; tổ chức trồng và khai thác tre luồng có hệ thống; xây dựng chuỗi giá trị ngành tre…

LÊ HẬU

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : chính sách, ngành tre, nứa