Trại đào tạo hoa hậu tại Philippines: Nơi những cô gái học cách trở thành nữ hoàng

Đằng sau sự thống trị của người Philippines tại đấu trường sắc đẹp quốc tế là những trại đào tạo các ứng viên tiềm năng, với quy trình nghiêm ngặt và chặt chẽ.

Chung kết Miss Universe 2018, vương miện đã thuộc về Catriona Gray, một ứng viên người Philippines.

3 năm trước, cũng một người đẹp Philippines khác là Pia Wurtzbach lên ngôi hoa hậu tại Miss Universe 2015.

Catriona Gray - tân Hoa hậu Hoàn vũ 2018

Thực tế đã chỉ ra trên đấu trường thi đấu sắc đẹp quốc tế, các người đẹp Philippines từ lâu đã nổi lên là những đối thủ cực kỳ đáng gờm. 15 lần giành được vương miện tại các cuộc thi hoa hậu nằm trong "Big 4" (Miss World, Miss Universe, Miss International và Miss Earth), nhiều lần lên ngôi Á hậu, và vô số lần nằm trong top 10 - đó là những con số thống kê đầy ấn tượng về những gì người Philippines làm được trên đấu trường sắc đẹp quốc tế.

Một phần nguyên nhân cũng là bởi người Philippines có một niềm yêu thích đặc biệt dành cho các cuộc thi sắc đẹp, kể từ khi được du nhập từ người Mỹ tại Lễ hội Manila vào đầu thế kỷ 20. Nhưng theo Jose Wendell Capili - một học giả từ ĐH Philippines, yêu thích sẽ dẫn đến kỳ vọng, nên tính cạnh tranh của các cuộc thi vì thế mà ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Và khi cạnh tranh ngày càng nhiều, người nào được chuẩn bị tốt hơn sẽ giành chiến thắng.

Trại đào tạo hoa hậu - nơi biến những cô gái đẹp thành nữ hoàng

"Cái thời một ứng viên chưa được rèn luyện có thể thắng giải nhờ sắc đẹp và thế lực đã qua lâu rồi," - Capili cho biết. "Ngày nay, chúng ta có những người săn lùng tài năng, cộng thêm các công ty người mẫu ra đời để đào tạo các cô gái. Phải mất hàng tháng, thậm chí hàng năm, trước khi đưa họ ra thi đấu."

Tại Philippines có vô số các trung tâm, được gọi là "trại sắc đẹp" (beauty camp), chuyên để đào tạo các ứng viên thi hoa hậu. Một trong những trại nổi tiếng nhất thuộc về Jonas Gaffud - CEO của công ty người mẫu nổi tiếng Mercator. Tuy không lấy chi phí đào tạo, nhưng các cuộc thi sắc đẹp trong nước dường như bị thống trị bởi ứng viên từ trại Mercator, đồng thời đạt thứ hạng cao trên đấu trường quốc tế.

Jonas Gaffud - huấn luyện viên nổi tiếng từ "trại" Mercator

Trong giai đoạn 2010 - 2013, các đại diện Philippines tại Miss Universe đến từ đội của Gaffud, và đều lọt top 3. Khi hoa hậu Megan Young giành vương miện Miss World về cho Philippines, Gaffud là một trong những người được ghi công. Pia Wurtzbach - Hoa hậu Hoàn vũ 2015 là người của team Gaffud.

Và tân Hoa hậu Hoàn vũ 2018 Catriona Gray, cô cũng từng là học trò của ông tại Miss World 2016, dù chỉ dừng chân ở top 5.

Meghan Young - Miss World 2013 là học trò của Gaffud

Quá trình tuyển chọn, rèn luyện gắt gao, nhưng xuất phát từ đam mê cái đẹp

Trong một lần chia sẻ với BBC, Gaffud chia sẻ 2 yếu tố quan trọng đầu tiên cần xét đến khi tìm kiếm một ứng viên tiềm năng, đó là chiều cao và vẻ đẹp khuôn mặt. Ứng viên phải đạt ít nhất 1,65m, cùng một nét mặt đẹp hài hòa mới có thể đến được vòng tuyển chọn tiếp theo.

Tiếp sau đó là quá trình rèn luyện - phần cũng cực kỳ quan trọng. Gaffud cho biết các ứng viên sẽ bắt đầu tập luyện trước cuộc thi ít nhất là 6 tháng, thậm chí là hàng năm. Trong thời gian này, họ sẽ phải học từng yêu cầu trong cuộc thi, từ cách di chuyển trên sân khấu, cách làm tóc và trang điểm, đến cách đứng sao cho tôn được vẻ đẹp hình thể, và trả lời các câu hỏi vấn đáp.

Sandra Seifert - Hoa hậu Trái đất Philippines 2009 không thuộc team Gaffud, nhưng cũng tham gia rèn luyện một trại sắc đẹp khác trong vòng 1 tháng trước khi dự thi Miss Universe. Dù bị loại vì các hình ảnh cô mặc bikini được phát tán trên tạp chí đàn ông, nhưng cô đã không nản chí mà tiếp tục tham dự Miss Earth, để rồi gặt hái được thành công.

Sandra Seifert - Miss Earth Philippines 2009

Theo lời Seifert, quá trình rèn luyện ở trại thực sự là cực kỳ gắt gao. "Có rất nhiều bài tập đến mọi vị trí trên cơ thể. Từ giãn cơ, xoay cổ, các bài tập hông rất nặng để định hình đường cong cho vòng 2," - cô chia sẻ.

Một trong những bài tập bắt buộc ở trại là "duck walk", trong đó yêu cầu bạn bước thành vòng tròn khi đi giày cao gót và chỉ mặc mỗi bikini, xung quanh là gương. Bài tập nhằm mục đích chỉnh lại dáng cho các người đẹp và tăng sự tự tin.

Duck Walk trong trại luyện hoa hậu của Philippines

Ngoài ra, bất chấp từng có kinh nghiệm dẫn chương trình trên TV, Seifert vẫn phải luyện tập thi vấn đáp, và được các người đẹp từng có giải trong quá khứ truyền đạt kinh nghiệm.

Cũng giống Seifert, Sian Elizabeth Maynard - một người đẹp khác cũng từng tham gia rèn luyện tại trại sắc đẹp trước khi thi hoa hậu quốc gia, dù trước đó đã giành được 3 vương miện tại các cuộc thi tại địa phương.

"Khi đi duck walk, bạn giống như làm động tác lunge trong khi phải lắc hông, thực sự mệt. Và bạn phải làm mọi thứ trên một đôi giày cao gót ít nhất là 10cm. Động tác này giúp chúng tôi kéo dài sải chân, và lắc hông thường xuyên hơn," - Maynard chia sẻ.

Và trong quá trình tập luyện, họ sẽ nhận được các câu hỏi vấn đáp từ huấn luyện viên.

"Thực sự không chỉ là luyện cười và thả dáng trước đám đông. Đó là một quá trình rèn luyện vất vả."

Theo Gaffud, mọi chi tiết dù là nhỏ nhất đều là quan trọng. Ông giúp các ứng viên chọn trang phục phù hợp, cách lựa chọn màu son, tự mình thị phạm về cách lắc hông trên sàn diễn. Gaffud cho biết, các bài tập sẽ được xây dựng để giúp ứng viên toát lên nét riêng, và từ đó làm tăng cơ hội của họ khi trình diễn.

Điều ấn tượng nhất là hầu hết các huấn luyện viên như Gaffud đều không lấy chi phí huấn luyện. Họ làm là vì... lòng yêu nghề, để tìm cho ra một cô gái có khả năng trở thành niềm tự hào của quốc gia.

"Giống như một dự án làm thêm thôi," - trích lời "thầy" Gaffud. Thậm chí, những người hướng dẫn còn sẵn sàng hỗ trợ ứng viên chi phí trang điểm, thực phẩm, và đôi khi là cả tiền thuê nhà.

"Họ không đòi chúng tôi bất kỳ thứ gì, và điều này làm tôi cảm thấy rất cảm kích," - Seifert chia sẻ. "Dù tốn rất nhiều thời gian nhưng họ dành nhiều tâm huyết vào đó, để giúp chúng tôi rèn luyện và phát triển tốt hơn."

Danh hiệu đi kèm trách nhiệm

"Thời khắc tôi giành được vương miện, đó là khi mọi nỗ lực có được thành quả." - Seifert chia sẻ.

Trở thành hoa hậu không chỉ có hào nhoáng. Là một Hoa hậu Trái đất người Philippines, sau đó lọt top 3 Miss Earth toàn cầu, đó cũng là lúc cô phải xuất hiện nhiều hơn trước công chúng để tuyên truyền các chiến dịch liên quan đến môi trường.

Với người Philippines, hoa hậu là một danh hiệu cao quý, và người giành được nó cũng đi kèm với trách nhiệm lớn. Ngoài việc trở thành một hình mẫu cộng đồng, các hoa hậu sẽ phải là những tấm gương cho thế hệ phụ nữ trẻ noi theo.

Theo Anjo Lorenzana - giảng viên ĐH Anteneo de Manila chuyên ngành truyền thông, các cuộc thi sắc đẹp là cơ hội để Philippines quảng bá hình ảnh của quốc gia trên đấu trường quốc tế.

"Bằng việc chiến thắng tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, người Philippines có được vị thế tốt hơn," - ông cho biết.

Các cuộc thi sắc đẹp có thể là một bước đệm tốt để ứng viên nâng cao địa vị kinh tế và xã hội. Bởi lẽ, sự quan tâm của người dân đến các cuộc thi sắc đẹp là cực kỳ lớn.

"Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy tự hào khi con gái họ đạt được một giải hoa hậu nào đó. Các cuộc thi sắc đẹp xuất hiện ở mọi nơi." - Tammy David, nhiếp ảnh gia 10 năm kinh nghiệm chụp ảnh thi sắc đẹp cho biết.

Theo TOP

Helino

Theo cafebiz.vn

Từ khóa : đào tạo hoa hậu, Philippines, nữ hoàng, hoa hậu