Kinh tế Việt Nam 2018: Tăng trưởng cao nhưng tính bền vững rất thấp

Năm 2018 sắp khép lại với những thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Tăng trưởng kinh tế ước đạt 7%, lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát là 4% và môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng cải thiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tính bền vững của nền kinh tế rất thấp.

 

Toạ đàm với chủ đề “Sức bật kinh tế 2019 nhìn từ tam nông” với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia kinh tế uy tín trên cả nước cùng đại diện các cơ quan quản lý được tổ chức ngày 19/12, tại Hà Nội.

Xung quanh những điểm nhấn của kinh tế Việt Nam 2018, chuyên gia kinh tế TS. Phạm Chi Lan nêu quan điểm: "Mối quan tâm xuyên suốt của tôi là phát triển khu vực tư nhân Việt Nam, tuy nhiên, chúng ta chưa thật hài lòng."

Bà Lan phân tích, năm 2018 đặt ra nhiều điểm mới trong sự phát triển khu vực tư nhân lớn. Đáng chú ý, đó là sự kiện gây kinh ngạc trong nước và nước ngoài là tập đoàn Vingroup tham gia vào ngành công nghiệp ô tô. Một mặt đánh giá tích cực, theo hướng tư nhân sẵn sàng, có niềm vui, phấn khởi khi DN Việt Nam sẵn sàng tham gia đầu tư dù rủi ro cao. Việc ở Vân Đồn (Quảng Ninh) đang có sân bay do tư nhân xây dựng... Tuy nhiên, về phía DN nhỏ và vừa, hiện 98% DN tư nhân ở Việt Nam là vừa, nhỏ có nhiều vấn đề.

Cũng theo bà Phạm Chi Lan, DN mới tăng lên nhiều nhưng đóng cửa ngừng hoạt động đạt kỷ lục mới. Ước tính khoảng 10 DN ra đời thì 7 ngưng hoạt động, đây là những khía cạnh rất đáng xem xét.

Có sự phát triển khá lệch lạc trong sự phát triển. Nguồn lực của đất nước rơi vào DN nhà nước, DN nước ngoài, DN đại gia, 98% còn lại không có khả năng tiếp cận các nguồn lực, khó có điều kiện phát triển.

Môi trường kinh doanh có cải thiện, nhưng trong đó vẫn rất nhiều điều nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, việc này chưa thực chất mang lại lợi ích cho DN. Những cố gắng quá vất vả, tốn kém thời gian công sức. Năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện nghị định 35 của chính phủ, cam kết 10 nguyên tắc quan hệ giữa nhà nước và DN, các nguyên tắc này gần như chưa đạt được.

Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại - lưu ý, năng suất lao động của Việt Nam có tăng, nhưng tăng do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông thôn sang thành thị. Còn năng suất từng ngành vẫn rất thấp, nếu không nâng cao năng xuất từng ngành thì không thể phát triển được.

Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào FDI, chiếm tới 25% GDP, 75% giá trị xuất khẩu. Song chủ yếu là gia công, không có sản phẩm nào thể hiện sự chuyển giao công nghệ ở Việt Nam. Đối với các nước công nghệ phát triển, trừ Hàn Quốc có một chút, Nhật Bản không có chuyển giao công nghệ gì. Tính bền vững của nền kinh tế rất thấp, nếu có biến cố xảy ra, FDI rút đi, vậy chúng ta tăng trưởng dựa vào gì? Nợ công trên GDP có giảm, nếu tính trên GDP thì thấp đi nhưng số nợ công tuyệt đối vẫn rất cao.  

Bên cạnh những điểm chưa tích cực, TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – nhận định: Năm 2018 có điểm đặc biệt là hội nhập, thực tiễn mở cửa, chúng ta đỡ lệ thuộc nhiều, trong bối cảnh thế giới chao đảo nhiều, Việt Nam vẫn tăng trưởng và ổn định, rõ ràng là điểm sáng. 

Còn theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường ĐH Fubright Việt Nam: Năm 2018, Việt Nam có 3 động lực để phát triển kinh tế gồm: Cải thiện vốn đầu tư; cải thiện năng suất lao động; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam trong năm qua cũng còn tồn đọng như sau: Tiền lương cao hơn năng suất lao động, đây có thể là việc làm giảm lợi thế nền kinh tế của nước ta; nhiều ngân hàng vẫn còn đối diện với rủi ro như nợ xấu cao, biên lợi nhuận thấp, vốn mỏng, thách thức nguồn cung vốn; dấu hiệu nợ nước ngoài của quốc gia.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, 2019 bắt đầu thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nếu Việt Nam không cải thiện môi trường kinh doanh, các DN vẫn chết như thường. Do đó, bà Phạm Chi Lan cho rằng, chúng ta phải đo những thước đo mới, đòi hỏi cao hơn. Việc vượt qua được thách thức thế nào còn là cả một vấn đề lớn. Đây là những điểm rất cần quan tâm trong khi đất nước hội nhập sang giai đoạn mới.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn tin tưởng rằng nếu Chính phủ tiếp tục cam kết như năm 2018 vừa qua thì 3 động lực trên sẽ tạo những hiệu quả kinh tế mới trong năm 2019.

LÊ HẬU

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Kinh tế Việt Nam, Tăng trưởng cao, tính bền vững