Thử và sai 3 năm, tiền hết, ý tưởng xếp xó, Startup kết nối du học sinh này đã có màn trở lại đầy ngoạn mục

Startup kết nối du học sinh Ella - Top 5 Startup Việt - được nhen nhóm ý tưởng từ năm 2015, nhưng tất cả các mô hình thử nghiệm đều thất bại. Hơn 1 năm gặp khó khăn về tài chính, các founders cùng nhìn lại, thống nhất phải có một mô hình kiếm nguồn tài chính để nuôi lại và phát triển nền tảng dịch vụ đang được xây dựng…

Lọt Top 5 Startup Việt 2018 diễn ra tại Tp.HCM và Top 10 Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (nằm trong hội nghị Khởi nghiệp Quốc gia TechFest 2018) mới đây mới đây, Ella Study là một startup nhận được sự chú ý với những kết quả bước đầu khá ấn tượng: kết nối cộng đồng hơn 2.800 du học sinh, 400 học viên, 13.000 người theo dõi, 25 đối tác trường đại học hàng đầu. Mục tiêu trong năm 2019 phát triển đạt 1.000 học viên.

Ella Study xây dựng nền tảng trực tuyến kết nối học viên, du học sinh (Alumni) và các trường Đại học, giúp học viên được hỗ trợ, tư vấn bởi chính Alumni (định hướng du học và phát triển sự nghiệp, chọn trường chọn ngành, chuẩn bị hồ sơ, đưa đón tại nơi đến,...); đồng thời, tự động gợi ý những chương trình học, dịch vụ phù hợp nhất; cung cấp dịch vụ truyền thông - tuyển sinh trực tuyến cho các trường Đại học trong và ngoài nước.

Nguyễn Trọng Duy, co – Founder Ella Study

Chúng tôi có cuộc gặp gỡ với Nguyễn Trọng Duy, co – Founder Ella Study, cựu du học sinh trường Đại học Leipzig, Đức. Chàng trai 8X có 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp và giáo dục – đào tạo tại TOPICA, Ella Study Việt Nam đã có những chia sẻ về hành trình đến với dự án khởi nghiệp Ella Study đầy tâm huyết.

Quá trình xây dựng sản phẩm: Liên tục thay đổi để phù hợp

Ý tưởng của team bắt đầu vào giữa năm 2015, là dự án về tìm kiếm các khóa học. Người sáng lập và định hình dự án này là Đỗ Xuân Khoa, lúc đó đang du học tại Thụy Điển. Thời điểm đó, theo Duy team tập trung chủ yếu về dữ liệu, sau đó phân tích dữ liệu, giúp học viên tìm kiếm chương trình học dựa trên các tiêu chí phù hợp.

Liên tục thay đổi mô hình để đi nhanh và có chỗ đứng trên thị trường, từ mục tiêu tìm kiếm khóa học Ella chuyển hướng sang kết nối các du học sinh nước ngoài dựa trên "nỗi đau" mà các founders là những cựu du học sinh từng nếm trải.

Định hướng đã hợp lý, nhưng mô hình triển khai thì gặp vô vàn rắc rối, từ tư vấn online, offline, tư vấn theo giờ, livestream trong nhóm nhỏ… tất cả đều fail.

"Thực ra, khâu phát triển sản phẩm của team mình đi chệch nhiều lần so với dự tính.Trong quá trình xây dựng, cũng không ít lần đập đi làm lại. Cái mong muốn cuối cùng là hoàn thiện sản phẩm chỉn chu nhất, là cầu nối để tìm được người định hướng tốt nhất cho học viên", Duy giãi bày.

Nguyễn Trọng Duy thuyết trình trước các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Sự kiện Investment Day của VIISA

Đầu năm 2017, cùng lúc phát triển mô hình này thì nhóm gặp khó khăn về tài chính để duy trì dự án. Khi đó, các nhà sáng lập xác định là phải có một mô hình dịch vụ đi cạnh kiếm nguồn tài chính đủ ổn định để nuôi lại và phát triển nền tảng dịch vụ đang được xây dựng, vốn cần rất nhiều tiền.

Từ Startup bị "đóng băng" vì thiếu tiền đến chọn thị trường ngách để thành công

Duy kể lại, lúc đó, team mình quyết tâm đẩy mạnh trước về dịch vụ là hỗ trợ truyền thông cho tuyển sinh ở các trường đại học. Trong đó, tập trung vào các chương trình đào tạo quốc tế và đào tạo liên kết có yếu tố nước ngoài. Do đó các bạn học viên có thể học được chương trình 1+1, 1+2, 1+3.

Bên cạnh đó,Ella cũng chú trọng đào tạo về một số ngành đặc biệt như đào tạo về phi công. "Trong suốt quá trình này vừa phát triển dịch vụ tư vấn du học sinh và học viên, mình vừa phải có cả hướng dự án mang lại nguồn doanh thu để để nuôi đội ngũ. Mình nung nấu ý định: Khi đã đảm bảo được dòng tiền đủ để xoay rồi thì mình quay lại phát triển tiếp nền tảng dịch vụ đã gầy dựng. Nó bị bẵng đi 7 tháng đầu năm 2018", Duy chia sẻ.

Đến tháng 9/2018, Duy nhận thấy cần phải xây dựng chương trình trọn gói để các bạn tư vấn đồng hành cho đến khi các bạn đi học thành công. Thời điểm này, team mình không thu phí một cục mà chia thành các giai đoạn. Khi học viên thống nhất với Alumni thì Ella sẽ thu 30% trên tổng giá trị học phí (khoảng 3 triệu đồng/gói 10 triệu đồng), xem như đây là phí cam kết giữa học viên và Alumni. Sau đó, khi đã đạt được đúng trường học viên dự kiến thì học viên sẽ đóng tiếp 50%. Và 20% còn lại học viên sẽ trả sau khi nhận được visa đi du học. Đây được xem là giải pháp vừa giảm rủi ro cho học viên đồng thời đảm bảo chất lượng tư vấn của Alumni.

Theo Duy, gói dịch vụ này trước khi các bạn học viên đi du học thành công là khoảng 10.5 triệu đồng. Tổng thời gian làm việc của Alumni là 20 giờ, tổng thời gian kéo dài khóa tư vấn từ 6-7 tháng. Ella phải xây dựng quy trình và các công cụ để theo sát Alumni mặc dù có thể Alumni rất am hiểu và trải nghiệm tốt.

Ella lọt top 10 Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (TechFest) 2018

Co-founder Ella Nguyễn Trọng Duy cho biết, hiện tại Ella là chuẩn bị đưa lên hệ thống dịch vụ checking khi các bạn học viên có kịch bản. Chẳng hạn bạn học viên này mong muốn học ở trường top 500 thế giới, ngành nghề tùy sở thích, ngân sách 500 triệu đồng, Ella bắt đầu đưa ra các costlist khoảng 15 chương trình phù hợp nhất. Sau khi thống nhất, sẽ đưa ra khung timeline, khâu định hướng, nhận được visa và đến lúc đi học. Hệ thống checking này sẽ đánh giá tỉ lệ hoàn thành deadline của Alumni với bao nhiêu học viên. "Chương trình này mới thử nghiệm hơn 1 tháng nhưng phụ huynh và học viện rất thích. Giờ cứ 10 người đứng nói huyện vưới mình thì có 4 người là học viên. Khách hàng đang rất tin tưởng mô hình này", Duy cho biết.

Chia sẻ câu chuyện tài chính, Duy cho biết: "Hiện ella tự sống được rồi. Thời gian cao điểm nhân sự của Ella là 30 người, mình tinh gọn lại khoảng 8 người. Với nhân sự hiện tại, Ella vẫn đảm bảo được câu chuyện về nguồn doanh thu và tiến trình phát triển sản phẩm. Dự kiến trong tương lai, nguồn thu của học viên sẽ chiếm 30-40% trong cơ cấu doanh thu", Duy chia sẻ.

"Theo mình, trải nghiệm ở môi trường du học thì cái tốt nhất là dạy kỹ năng sống cho một học viên. Chẳng hạn, kỹ năng làm thế nào để nghiên cứu, làm thế nào tự mình phát triển, làm thế nào sinh sống ở môi trường hoàn toàn khác. Quan trọng hơn nữa là làm thế nào để khoản đầu tư du học của mình là tốt nhất, nghĩa là sau đó trở về nước rồi thì mình làm được điều gì và phát triển như thế nào. Tất cả câu chuyện dài này team mình đã trải qua. Do đó, Ella ra đời với mong muốn bạn trẻ có cơ hội để trải nghiệm tốt nhất tại nước ngoài. Mỗi học viên thành công là niềm vui để Ella phát triển", Duy giãi bày.

Làm startup cần có tư duy "tử tế"

"Mục tiêu của Ella là làm thế nào đi vừa nhanh, vừa chắc. Mà muốn làm được điều này thì xoay quanh câu chuyện là tiền và người. Nếu có đủ khả năng về tài chính thì sẽ tuyển được người phù hợp để họ không phải lo cơm áo gạo tiền, họ tập trung cùng mình đưa dự án đi lên. Ngược lại, có người tốt thì mới tạo ra luồng tiền đủ tốt để duy trì doanh nghiệp. Người thì phải chọn đúng người và đặt đúng chỗ dể phát triển đúng năng lực", Duy trăn trở.

Đối với startup gặp khó khăn về nguồn vốn, tài chính, nhân sự, khách hàng là thường xuyên xảy ra. Bé thì gặp khó khăn bé, càng lớn thì gặp những khó khăn lớn. Nói chung startup phải sống trong khó khăn và vất vả. Những lúc như vậy, chỉ còn cách là tìm cho mình một động lực để giúp mình tiến bước.

"Với mình, động lực lớn nhất không phải là tiền mà là để thế hệ sau này, con cháu mình bạn bè thân hữu của mình định hướng được nghề nghiệp tốt nhất", Duy giãi bày.

Thứ hai, theo Duy, các startup phải có tư duy tử tế. Tử tế đối với đối tác, tư tế với nhà đầu tư, với đội ngũ nhân sự. Trước khi có quyết định gì hãy nghĩ đến những điều đó, nếu đủ trải nghiệm và may mắn thì luôn vượt qua được những khó khăn khi khởi nghiệp.

Tiếp theo, startup phải chạy thật nhanh để hoàn thiện sản phẩm, tiếp cận thị trường thật nhanh. Có như vậy mới tạo rào cản cạnh tranh đối với đối tác nước ngoài.

Phương Nga

Theo Trí Thức Trẻ

Theo cafebiz.vn

Từ khóa : ý tưởng, Startup