Cam sành Hà Giang tìm cơ hội mở rộng thị trường

Năm 2018, sản lượng cam sành Hà Giang tăng khoảng 20% so với năm trước. Dù đã làm theo quy trình VietGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhưng đầu ra vẫn là điều trăn trở của người trồng cam.

 

Tại thị trường Hà Nội khách hàng đánh giá cam sành Hà Giang là sản phẩm sạch, ngon, hương vị đặc trưng

Tham gia chương trình xúc tiến quảng bá trái cam sành Hà Giang tại Hội chợ nông đặc sản vùng miền, Tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang, quýt Bắc Kạn diễn ra từ ngày 19-26/12 tại Hà Nội, ông Hoàng Ngọc Linh – Tổ trưởng Tổ cam VietGAP Quang Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội cam Hà Giang (xã Hương Sơn, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) chia sẻ: "Vụ mùa năm 2018, sản lượng cam Hà Giang sản lượng tăng hơn năm ngoái khoảng 20%".

Dù vậy, ông Linh cũng tỏ ra lo lắng khi được mùa và đầu ra sản phẩm vẫn chủ yếu dựa vào thương lái. Trong khi đó, đến thời điểm này, thương lái vẫn chưa vào đặt mua cho bà con nông dân, kể cả cam VietGAP.

Năm nay, thị trường khá chậm. Tuy nhiên, khi tham gia Hội chợ lần này, huyện Quang Bình mang 3 tấn cam sành Hà Giang và chỉ sau 2 ngày, lượng cam tiêu thụ được 2/3 số lượng với giá 25.000 đồng/kg. Thị trường Hà Nội mang đến những tín hiệu rất tích cực khi khách hàng đánh giá cam sành Hà Giang là sản phẩm sạch, ngon, hương vị đặc trưng. 

Hiện, trên 60% diện tích trồng cam tại Hà Giang đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, ông Linh cũng kỳ vọng, thông qua Hội chợ sẽ có thể kết nối được với các siêu thị, chuỗi cửa hàng… tìm đầu ra ổn định cho trái cam, đồng thời quảng bá đến nhiều người tiêu dùng tại thị trường Hà Nội và các địa phương trên cả nước.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Giang, từ khi cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và có truy xuất nguồn gốc, đã giúp nâng cao giá trị của sản phẩm này, giá bán trước kia chỉ 10.000-15.000 đồng/kg thì nay đã nâng lên 25.000 đồng/kg.

Để nâng cao giá trị gia tăng cho trái cam sành Hà Giang, mong muốn của người nông dân như ông Linh là có các nhà máy chế biến các sản phẩm từ cam. Việc này, đòi hỏi vốn lớn, mà tự nông dân không làm được. Ông Linh kiến nghị tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển ngành sơ chế, bảo quản và chế biến cam. Giúp trái cam bảo quản được lâu hơn, giảm áp lực thu hoạch với số lượng lớn vào chính vụ, giảm được sự ép giá từ thương lái. Đồng thời, hỗ trợ cho người dân trong công tác hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Năm 2018, diện tích trồng cam của Hà Giang đạt hơn 9.000 ha với sản lượng hơn 62.000 tấn. Về thị trường đầu ra, ông Nguyễn Khắc Quyền - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Giang - cho hay, cam Hà Giang được tiêu thụ theo hai kênh lớn, chủ yếu là kênh ngoài tỉnh với 89,4% sản lượng. Thị trường chủ yếu tại các siêu thị, các chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và bán lẻ trong các cửa hàng hoa quả tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, sản phẩm được khách hàng ưa chuộng vì sự nổi tiếng và chất lượng. 

Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cam sành trong thời gian tới, ông Nguyễn Khắc Quyền cho hay, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn qua nhiều kênh để cam sành Hà Giang đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. “Tỉnh Hà Giang sẽ xây dựng Sàn giao dịch thương mại điện tử và áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ Blockchain để phục vụ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của tỉnh, trong đó có sản phẩm cam sành”, ông Quyền cho biết thêm.

LÊ HẬU

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Cam sành, Hà Giang, thị trường