Doanh nghiệp vẫn chưa mấy chú trọng nâng cao tính cạnh tranh chuỗi cung ứng logistics

Trao đổi với Thế Giới Tiếp Thị Online, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, doanh nghiệp Việt phải đầu tư bài bản, chuyên nghiệp để nâng cao tính cạnh tranh chuỗi cung ứng logistics.

TS.Võ Trí Thành

-Tôi nghĩ cái hay của doanh nghiệp Việt là rất linh hoạt, biết chấp nhận và vượt qua khó khăn. Nhưng cái hay, sự linh hoạt của người Việt cũng là cái dở. Đôi khi chúng ta liều và thiếu bài bản, do đó chúng ta phải trả phí rất cao.

Ví dụ khi có Hiệp định tự do thương mại (FTA), lẽ ra anh phải nhìn nhận, xây dựng chiến lược đối với những mặt hàng anh sẽ gắn với FTA, với thị trường. Nhưng nhiều khi doanh nghiệp của ta ít chịu bỏ thời gian để đọc, học, xây dựng kế hoạch và chiến lược ấy.

Kiểu của doanh nghiệp Việt là cứ làm rồi va vấp, va vấp rồi trả phí, và từ trả phí đó sẽ trưởng thành. Đó cũng là một cách. Nhưng cái tôi mong muốn là các doanh nghiệp Việt phải học. Vì sao? Vì khi học ta sẽ học từ những điều tốt nhất, như thế sẽ đỡ mất phí thời gian. Thứ nữa, học sẽ cho ta tính bài bản, chuyên nghiệp, vì cuộc chơi bây giờ phải bài bản, có luật, chứ không phải cứ chơi bừa, chơi ẩu, ăn xổi và học qua những phí tổn.

Rõ ràng việc học bài bản sẽ tạo ra cách chơi khác, sẽ căn cơ và chuyên nghiệp hơn, đặc biệt khi ta có những cơ hội. Trong câu chuyện logistics cũng vậy, việc học sẽ giúp ta hoạt động bài bản hơn.

Theo ông đâu là nguyên nhân khiến chi phí logistics Việt Nam quá cao?

-Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng cụ thể có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, chúng ta có chính sách hỗ trợ nhưng chưa nhìn trong tổng thể, vẫn luẩn quẩn, chưa đánh giá đầy đủ. Và nó tạo ra tổn phí vòng quanh mà bây giờ rất khó sửa.

Tôi lấy ví dụ, chúng ta muốn bảo hộ ngành ô tô, trước đây giá ô tô đắt thì chi phí vận tải đắt. Đó cũng là lý do vì sao chi phí taxi tại Việt Nam cao hơn Thái Lan. Như thế anh muốn phát triển ngành này nhưng anh lại gây ra chi phí logistics cao. Đó là chưa kể vòng luẩn quẩn giữa tổn phí làm đường, chi phí vận tải và phát triển ngành ô tô. 

Vấn đề thứ hai là chi phí phi chính thức. Tôi cho rằng chi phí này không hề nhỏ. Một hình ảnh rất rõ là Đà Nẵng trước đây đã từng có ý định là trả lương cho cảnh sát giao thông rất cao để không có chi phí đó nữa. Thế nhưng điều đó lại liên quan đến vấn đề bộ máy, luật công chức, chế độ tiền lương… của rất nhiều ngành khác nhau chứ không riêng gì ngành công an.

Ngoài ra còn liên quan đến vấn đề nhũng nhiễu, tham nhũng… dù những cái này không lớn, nhưng cộng lại thì phí tổn của chi phí này lại rất cao.

Thứ ba là vấn đề ứng xử giữa doanh nghiệp với Nhà nước, dù biết sai nhưng vẫn phải làm. Chở quá khổ, quá tải là thực tế phổ biến, nhưng nếu bắt buộc làm đúng luật thì sẽ không có lợi nhuận, rất khó cạnh tranh. Trong trường hợp này, ứng xử của doanh nghiệp lại vô hình trung khuyến khích nhũng nhiễu.

Tôi nghĩ đó là ba vấn đề mà nếu muốn xử lý thì từ doanh nghiệp, Nhà nước, từ các chính sách đối với các ngành nghề khác nhau phải cùng chung tay nỗ lực thay đổi mới giải quyết được.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường châu Âu và châu Mỹ đối với doanh nghiệp Việt, đặc biệt là lĩnh vực logistics?

-Xét về mặt truyền thống, châu Âu và châu Mỹ là hai thị trường khá khác nhau. Châu Âu là thị trường rất lớn, là đối tác hàng đầu của Việt Nam về thương mại. Doanh nghiệp Việt đã bươn chải, làm ăn với châu Âu rất nhiều. Nhưng hiện giờ có hai vấn đề lớn: Một là sắp tới ta sẽ ký Hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA). Đây là cơ hội, đặc biệt đối với các mặt hàng truyền thống mà chúng ta đã xuất sang châu Âu.

Thứ hai, ngoài việc tận dụng việc ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu thì việc tìm hiểu, lựa chọn đối tác liên quan đến logistics là vô cùng quan trọng. Vì chúng ta biết trong hoạt động thương mại, phần logistics là chi phí rất lớn. Như vậy, việc tìm hiểu các hệ thống, trung tâm logistics, những điểm đến, điểm đi gắn với mặt hàng, thị trường xuất khẩu là rất cần thiết đối với doanh nghiệp Việt.

Đối với thị trường châu Mỹ, đặc biệt là Mỹ Latinh lại khác. Cho đến nay đây là thị trường đầy tiềm năng, nhưng Việt Nam khai thác chưa tốt. Có hai nguyên nhân khiến Việt Nam chưa khai thác tốt thị trường này. Một là vấn đề văn hóa, ngôn ngữ. Hai là khoảng cách. Nhưng qua kinh nghiệm của những doanh nghiệp Việt đã làm thì khoảng cách có lẽ không phải là vấn đề lớn nhất.

Chúng ta biết thị trường này với hơn 500 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người gấp đôi ASEAN (Việt Nam lại thấp hơn ASEAN), mà cho đến nay Việt Nam mới có hoạt động thương mại chỉ khoảng 15-16 tỷ USD (mức rất thấp so với con số khoảng 450 tỷ USD xuất nhập khẩu vào Việt Nam).

Sắp tới tiềm năng ở thị trường này sẽ mở ra. Đó là sẽ có một số nước nằm trong Hiệp định thương mại tự do CPTPP như Mexico, Peru… Ngoài ra, một tháng trước Việt Nam và Cuba cũng ký một hiệp định gần như là thương mại tự do giữa hai nước. Và sắp tới cũng có nhiều ý kiến mong muốn xây dựng Hiệp định thương mại tự do ASEAN với Mỹ Latinh. Mỹ Latinh có những liên minh Thái Bình Dương. Như thế nếu ta chơi với một nước ở đó thì có thể chơi với nhiều nước khác.

Ngoài ra, ở thị trường Mỹ Latinh chúng ta có thể tham gia vào các hoạt động logistics, các trung tâm logistics hoặc tự chúng ta mở ra các trung tâm tại đây. Việc đó góp phần tạo thêm lợi thế trong chuỗi cung ứng của ta, làm giảm chi phí, tạo thêm giá trị gia tăng mà ta có thể đạt được, trong đó có cả lợi nhuận. 

Xin cảm ơn ông!

 

HƯƠNG GIANG thực hiện

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Doanh nghiệp, cạnh tranh, chuỗi cung ứng, logistics