Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 đạt kỷ lục mới 40 tỷ USD

Mặc dù áp lực cạnh tranh thị trường và sự giảm sút một số mặt hàng cây công nghiệp trên toàn thế giới, tuy nhiên, xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 đạt mức kỷ lục khoảng 40 tỷ USD.

 

Nông sản Việt Nam trong năm 2018 đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra

Thị phần xuất khẩu đều duy trì, củng cố và mở rộng

Thị trường thế giới năm 2018 có nhiều biến động, tiêu biểu là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước thị trường nông sản lớn của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

Mặc dù có áp lực lớn từ sự cạnh tranh thị trường và sự giảm sút về giá thị trường thế giới của nhiều mặt hàng cây công nghiệp, tuy nhiên, theo Bộ NN-PTNT kim ngạch xuất khẩu (XK) nông sản của Việt Nam vẫn có sự vươn lên khá mạnh mẽ, ước tính cả năm sẽ đạt vượt mức kỷ lục 40 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế cường quốc về XK nông sản, đứng thứ 15 trên thế giới.

Thị phần XK đều duy trì, củng cố và mở rộng. Theo đó, 5 thị trường XK các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc chiếm thị phần lần lượt là 22,9% (giá trị tăng 3,6% so với năm 2017), 17,9% (tăng 9,4%), 19,1% (tăng 7,1%); 10,64% (tăng 11,0%) và 6,9% (tăng 29,4%). Các thị trường mới nổi, thị trường ngách như: Trung Đông, châu Phi, Đông Âu… đều được lực chọn phát triển bài bản, có tính bổ trợ cho các thị trường trọng điểm.

Giá trị XK các mặt hàng chủ lực đều tăng

Trong số các mặt hàng nông sản chủ lực XK của Việt Nam, có một số mặt hàng phải chịu áp lực giảm giá mạnh trong năm 2018, tuy nhiên cũng có những mặt hàng có sự tăng giá trên thị trường thế giới, điển hình là gạo, rau quả, cá tra, đồ gỗ và lâm sản. Cụ thể: đối với mặt hàng gạo, khối lượng gạo XK 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,7 triệu tấn và 2,9 tỷ USD, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp đó là rau quả với giá trị XK 11 tháng năm 2018 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017, cá tra đạt trên 2 tỷ USD tăng 27,4%.

Trong khi đó, thị trường nông sản thế giới năm 2018 ghi nhận sự sụt giảm mạnh về giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước XK khiến cho nguồn cung tăng nhanh trong khi nhu cầu thế giới giảm hoặc tăng trưởng chậm. Những khó khăn của thị trường nông sản thế giới là một cản trở lớn cho Việt Nam để duy trì đà tăng trưởng hai con số về kim ngạch XK nông sản. Tuy nhiên, các mặt hàng chủ lực như: cà phê, điều và cao su mặc dù bị giảm giá nhưng nhờ tăng số lượng XK nên Việt Nam vẫn duy trì được giá trị XK ở mức cao.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định, với những giải pháp phù hợp, XK nông sản Việt Nam trong năm 2018 vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh và đạt được mục tiêu tăng trưởng XK mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

TS Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển nông nghiệp nông thôn - cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp có khởi sắc chính là nhờ thay đổi cơ cấu sản xuất, giảm diện tích lúa. Sản xuất nông nghiệp có biến chuyển rất mạnh sang chất lượng cao, vệ sinh an toàn. Thủy sản và trái cây Việt Nam tăng trưởng mạnh.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, nông nghiệp Việt Nam năm 2018 đã có bước tiến nhảy vọt, tăng XK và đã đẩy mạnh XK vào nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Úc. Tuy nhiên đến nay, nhiều nông sản của chúng ta vẫn chưa có thương hiệu, chưa thể truy xuất nguồn gốc, hàm lượng chế biến thấp… Những điều này cần tăng tốc cải thiện trong thời gian tới, nếu không làm tốt những khâu này, khó có thể tăng được thu nhập của người nông dân.

LÊ HẬU

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : nông lâm, thủy sản