Rút giấy phép công ty tài chính tiêu dùng tiếp tay xã hội đen

Trước sự bành trướng của tín dụng đen trong thời gian gần đây, lãnh đạo ngành ngân hàng đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ quyết tâm đẩy lùi tín dụng đen bằng vốn “ngân hàng”. Riêng đối với các công ty tài chính tiêu dùng tiếp tay cho tín dụng đen sẽ bị rút giấy phép hoạt động.

Lấn át, đẩy lùi tín dụng đen bằng vốn ngân hàng

Thời gian qua, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan công an và các địa phương đã cảnh báo nhiều nhưng tín dụng đen vẫn bùng nổ. Số liệu thống kê chưa chính thức của Bộ Công an được ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, cho biết trong 4 năm qua, cả nước có tới 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo… NHNN đã phối hợp theo đề nghị của cơ quan công an, các sở, ban - ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỷnh, thành với tổng số tiền khoảng 117 tỷ đồng. Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.

Gần đây, tại các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên, tình hình tín dụng đen lại diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, cho thấy người dân chưa lường hết được tác hại, vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi.

Dưới góc độ cơ quan công an, Đại tá Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an nhận định, tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen đã xảy ra từ nhiều năm nay và ngành công an cũng áp dụng nhiều giải pháp tuy nhiên đến nay tín dụng đen vẫn đang có chiều hướng gia tăng phức tạp và tinh vi hơn

"Tín dụng đen như những tên cướp ngày, các cơn bão tín dụng càn quét nhất ở các vùng nông thôn, vùng tây nguyên, vùng xâu vùng xa. Các đối tượng cho vay nặng lãi cho vay rất nhanh gọn, nhưng lại gắn nhiều thủ đoạn đòi nợ, nếu không trả nợ thì chỉ bỏ nhà đi trốn nhưng trốn cũng không xong vì bị xã hội đen tìm đến người thân, bố mẹ anh chị em ruột, cơ quan...", ông Tám cho biết.

Lý giải nguyên nhân khiến cho tình trạng tín dụng đen ngày càng phổ biến, phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, “Tín dụng đen là một vấn đề mà cả xã hội bức xúc bởi không chỉ gây mất trật tự an toàn tại địa phương mà ảnh hưởng lớn đến xã hội. Tại nhiều địa phương, người dân không tiếp cận được tín dụng chính thức mà phải tiếp cận tín dụng đen”

Theo tính toán chưa đầy đủ thì số vốn mà các tổ chức cho vay có tính chất xã hội đen là khoảng 2.500 tỷ đồng. Vì vậy để đẩy ngăn chặn tín dụng đen hoành hành, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú đề nghị Agribank sớm triển khai gói tín dụng cho vay tín chấp khoảng 5.000 tỷ đồng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú

“Việc đưa ra gói tín dụng vay tín chấp 5.000 tỷ đồng giao cho Agribank triển khai để phục vụ nhu cầu vay cấp bách của người dân, nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc của tín dụng”, ông Đào Minh Tú nói.

Phó Thống đốc yêu cầu cơ chế cho vay phải nhanh, có thể xét duyệt trong 1 ngày và mức cho vay tối đa khoảng 30 triệu đồng. Lãi suất cho vay cũng tính toán hợp lý đủ bù đắp chi phí.

Ngoài ra, ông Đào Minh Tú cũng giao Ngân hàng chính sách xã hội trình NHNN để báo cáo Chính phủ cho bổ sung chương trình cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống của hộ cận nghèo, hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng ưu tiên với lãi suất cho vay hợp lý. Giải quyết tín dụng đen thông qua ngân hàng chính sách xã hội là kênh hiệu quả vì đối tượng mà tín dụng đen nhắm tới là hộ nghèo, khó khăn.

"Khi có chương trình này thì chắc chắn hạn chế được tín dụng đen ở vùng quê, vùng sâu vùng xa", Phó Thống đốc khẳng định

Rút giấy phép công ty tài chính tiêu dùng tiếp tay xã hội đen

Đại tá Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết “Giờ đây, mọi ngõ ngách đều có thể bắt gặp quảng cáo tờ rơi về tín dụng đen. Các đối tượng sử dụng sim rác để giao dịch, phát dán tờ rơi quảng cáo mạng điện thoại, internet...”.

Mời gọi vay vốn xuất hiện mọi ngõ ngách

Ngoài ra, đối tượng cho vay tín dụng đen còn sử dụng hình thức chơi hụi họ, phường, kinh doanh đa cấp, sử dụng ứng dụng di động, cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng P2P... để mời chào người vay vốn với lãi suất cao. Thậm chí tín dụng đen còn xuất hiện ngay trong những xới bạc mà lực lượng công an đã từng triệt phá.

Đặc biệt, hình thức mà các đối tượng tín dụng đen đang hoạt động là núp bóng cơ sở kinh doanh như cầm đồ, đòi nợ thuê, các công ty tài chính trá hình, tổ chức tín dụng hoạt động biến tướng khuyến mại, hoa hồng, uỷ thác trái phiếu với lãi suất cao.

Đồng quan điểm, phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, đối với các công ty cho vay tài chính tiêu dùng, bên cạnh mặt tích cực là hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thì có những hạn chế là lãi suất cho vay quá cao.

“Thực tế, trong 16 công ty tài chính tiêu dùng, có nhiều công ty cho vay với lãi suất về mặt luật pháp là không sai nhưng về mặt dư luận xã hội là không chấp nhận được khi cho vay đến 50%/ năm”, Phó thống đốc nói.

NHNN sẽ rút giấy phép công ty tài chính tiêu dùng tiếp tay xã hội đen

Do vậy, theo ông Đào Minh Tú, tới đây NHNN sẽ rà soát để sửa đổi bổ sung các quy định về tổ chức của các công ty tài chính tiêu dùng như mức lãi suất cho vay. Đặc biệt là chế tài xử phạt nếu công ty tài chính tiêu dùng có hành vi vi phạm, lợi dụng hoạt động của mình để tiếp tay cho xã hội đen, cho vay nặng lãi.

Phó Thống đốc nhấn mạnh “Nếu kiểm tra có chuyện tiếp tay, thuê người đòi nợ... thì phải xử phạt hành chính thật nặng hoặc không thì rút giấy phép đối với công ty tiêu dùng vi phạm. Không thể để các tổ chức này hoạt động mà để lại hệ lụy cho xã hội. Đó là quan điểm của NHNN”.

HUYỀN ANH/Dân Việt

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Rút giấy phép, công ty tài chính, tiêu dùng, xã hội đen