Từ cù lao Tân Phong đến câu chuyện du lịch của Tiền Giang
(NTD) - Cù lao Tân Phong (Cai Lậy) chỉ cách thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) hơn 20 km. Nơi đây đang được coi là “làn gió mới” của du lịch Tiền Giang khi thu hút được rất đông du khách tới tham quan và trải nghiệm.
Cù lao Tân Phong đang “thay da đổi thịt”
Đối diện chợ nổi Cái Bè về phía Nam, cù lao Tân Phong nổi lên giữa dòng sông Tiền như một con thuyền chở đầy trái ngọt. Được mẹ thiên nhiên ưu đãi nên khí hậu mát mẻ, đất đai trù phú màu mỡ, quanh năm cây trái tốt tươi. Tân Phong nổi tiếng với các loại trái như: Chôm chôm, nhãn, bưởi, cam, mận, dâu…
Trong những năm gần đây, cuộc sống của người dân ở cù lao Tân Phong đã thay đổi khi họ “khởi nghiệp” với du lịch. Nhận thấy những người từ địa phương khác đến cù lao Tân Phong rất thích thú với khung cảnh sông nước và vườn cây ăn trái trĩu quả, rất nhiều người dân nơi đây quyết định cải tạo vườn cây ăn trái của gia đình thành khu du lịch sinh thái. Tiếng lành đồn xa, các công ty dẫn tour du lịch đến với cù lao Tân Phong ngày càng đông hơn và thu nhập của người dân địa phương vì thế cũng tăng theo.
Bà Trần Thi Út, Trưởng phòng du lịch huyện Cai Lậy, chia sẻ: “Du lịch cù lao Tân Phong phát triển góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt, khoảng 2 năm trở lại đây, cù lao Tân Phong phát triển du lịch theo mô hình homestay. Hiện nay, Tân Phong có 15 điểm du lịch sinh thái, du lịch homestay và mô hình này đang phát huy hết sức hiệu quả”.
Du khách đến với Tân Phong sẽ được trải nghiệm thú vui đạp xe quanh làng chiêm ngưỡng vườn cây ăn trái. Đò chèo (xuồng nhỏ chèo bằng tay) tham quan đời sống của người dân miệt vườn theo những con lạch nước, nghe đờn ca tài tử - một nét đặc trưng của miền sông nước miền Tây…
Du lịch phải gắn với phát triển bền vững
Trong những ngày đầu năm mới, Tiền Giang đang tưng bừng tổ chức Lễ hội Văn hóa – Thể thao – Du lịch năm 2019. Thông qua sự kiện này, ban tổ chức kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực cho ngành du lịch tỉnh có bước phát triển mới, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Trước đây, hoạt động du lịch của Tiền Giang chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm tỉnh với các điểm du lịch nổi tiếng đã được khẳng định: Cù lao Thới Sơn, trại rắn Đồng Tâm, chùa Vĩnh Tràng… nằm trên địa bàn TP. Mỹ Tho thì giờ đây, các tour, tuyến du lịch đã mở rộng sang các địa bàn lân cận và chính cù lao Tân Phong đã được hưởng lợi từ sự đổi mới này.
Cuối năm 2018, tại hội thảo liên kết phát triển du lịch tiểu vùng phía Đông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 4 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh cũng đã có những dự án thiết thực, tạo cơ hội quảng bá, tìm kiếm đối tác kinh doanh, hợp tác, đầu tư phát triển du lịch cho cả khu vực. Viện nghiên Cứu phát triển Kinh tế và Du lịch, đơn vị đã có nhiều năm hợp tác với du lịch Tiền Giang nói riêng và du lịch khu vực ĐBSCL nói chung, đánh giá rất cao nỗ lực của các cơ quan hữu quan Tiền Giang trong việc phát triển du lịch. Tiến sĩ Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch nhận xét: “Tiền Giang là một trong những địa phương ở khu vực ĐBSCL phát triển du lịch rất quy củ và thực chất. Tỉnh quan tâm đến sự phát triển du lịch bền vững, thực chất chứ không chạy theo những con số thống kê”.
Mặc dù đã đạt được những thành tích nhất định trong thời gian qua (năm 2018, đón hơn 1.850.000 lượt du khách) nhưng du lịch Tiền Giang vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều. Bài học đặc sản ốc gạo Tân Phong bị “tuyệt chủng” vì nạn khai thác cát vẫn còn nóng hổi. Tân Phong giờ đây được du khách ưa chuộng vì đặc sản chôm chôm nổi tiếng, vì nét hoang sơ, đất đai màu mỡ. Nhưng nếu Tiền Giang không quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và những yếu tố bền vững, du lịch nơi đây không thể nâng tầm.
Theo Tiến sĩ Tạ Duy Linh, việc Tiền Giang gần TP.HCM là một lợi thế bởi du khách từ trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước gặp thuận lợi khi di chuyển đến Tiền Giang để trải nghiệm du lịch, nhưng cũng là một thách thức không hề nhỏ. Du lịch Tiền Giang phải có những nét hấp dẫn, đặc trưng để thu hút du khách lưu trú ở địa bàn lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, đóng góp ngân sách của tỉnh thay vì chỉ đi du lịch trong ngày.
Lý thuyết là vậy nhưng hiện tại, hệ thống cơ sở hạ tầng ở Tiền Giang vẫn còn rất khiêm tốn. TP. Mỹ Tho vẫn chưa có nhiều khách sạn lớn, những địa điểm vui chơi sầm uất… Ngay ở khách sạn Cửu Long, một trong những khách sạn tốt nhất tại Mỹ Tho, du khách vẫn phải ngủ dậy, ăn sáng bằng bánh mỳ ốp la, bún Thái… thay vì hủ tiếu Mỹ Tho, vốn là đặc sản, là niềm tự hào của ẩm thực Tiền Giang. Và nếu có ra ngoài ăn, du khách cũng chưa biết ăn hủ tiếu Mỹ Tho ở đâu chất lượng khi mà khu ẩm thực quy mô ở đây vẫn chưa biết khi nào mới xuất hiện…
Bài, ảnh: Thế Anh
Theo www.nguoitieudung.com.vn
Từ khóa : cù lao Tân Phong, du lịch, Tiền Giang