Top 10 doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán: Không ai qua được Vingroup

(NTD) - Trong top 10 doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, Vingroup dẫn đầu với vốn hóa thị trường lên đến gần 326.000 tỷ đồng (khoảng 14,6 tỷ USD). Sức mạnh của Vingroup càng lớn hơn khi công ty con Vinhomes đứng ở vị trí thứ 2 với 260.000 tỷ đồng (khoảng 11,6 tỷ USD). Trong top 10, có tới 3 đại diện thuộc ngành ngân hàng.

Vingroup dẫn đầu

Trước đây, Tổng công ty khí Việt Nam (GAS) hay Tổng công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) thường xuyên thay nhau đứng ở vị trí doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Nhưng “quy luật” đó đã thay đổi trong năm 2018. Nhờ cổ phiếu VIC tăng phi mã, CTCP Tập đoàn Vingroup đã thay thế GAS và Vinamilk giữ ngôi vị quán quân.

Cụ thể, năm Mậu Tuất 2018, cổ phiếu VIC bắt đầu từ ngày 21/2/2018 với mức giá 74.360 đồng/CP, tới những ngày cuối năm, VIC dao động quanh mức 102.000 đồng/CP. Như vậy có nghĩa năm qua, VIC đã tăng 27.640 đồng/CP, tương ứng 37,2% và lọt vào danh sách các cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng/CP. Đây là điều khá bất ngờ với nhà đầu tư vì VIC có lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường rất lớn.

Đà tăng mạnh đó của VIC giúp vốn hóa thị trường Vingroup tăng khoảng 88.216 tỷ đồng (tương đương 3,95 tỷ USD) lên 325.545 tỷ đồng (tương đương 14,6 tỷ USD). Vốn hóa của Vingroup cao vượt trội so với những doanh nghiệp còn lại trong top 10.

Thời gian qua, cổ phiếu VIC tăng mạnh khi Vingroup dồn dập công bố nhiều thông tin tích cực. Đó là VinFast, công ty con của Vingroup ra mắt xe đạp điện Klara và 3 mẫu xe hơi đầu tiên. Các sản phẩm công nghệ cao của VinFast nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận.

Về bất động sản, vào ngày 26/7/2018, Vingroup khiến nhiều người ngỡ ngàng thích thú khi khai trương Landmark 81, tòa nhà cao nhất Việt Nam. Không chỉ có vậy, Landmark 81 còn nằm trong top 10 tòa nhà cao nhất thế giới. Ngoài ra, trong những tháng cuối năm, Vingroup ra mắt điện thoại thông minh Vsmart.

Mậu Tuất là năm thành công lớn của Vingroup. Thành công của tập đoàn này sẽ lớn hơn nữa nếu tính cả các công ty con. Trong đó, đáng chú ý nhất là CTCP Vinhomes (VHM). Với vốn hóa thị trường lên đến 249.204 tỷ đồng (khoảng 10,67 tỷ USD), Vinhomes đứng ở vị trí thứ 2, chỉ sau công ty mẹ Vingroup.

Với việc cung cấp những sản phẩm cao cấp, tối 3/12/2018, tại Lễ trao giải thưởng Bất động sản Quốc tế - International Property Awards tổ chức tại London, Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside đã được vinh danh là “Bất động sản tốt nhất thế giới” 2018. Đây là lần đầu tiên, một dự án Việt Nam đạt được ngôi vị cao nhất trong hệ thống giải thưởng bất động sản danh giá toàn cầu.

Trước kia, GAS và Vinamilk thường xuyên là quán quân thì nay 2 đơn vị này lần lượt đứng ở vị trí thứ 6 và 3. Nguyên nhân là do cổ phiếu VNM biến động khá chậm chạp còn cổ phiếu GAS giảm khá sâu do ảnh hưởng của giá dầu thô trên thế giới. Đứng ngay trên và ngay sau GAS là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB).

CTCP Tập đoàn Masan (MSN) chốt ở vị trí cuối cùng trong top 10 với vốn hóa thị trường 91.888 tỷ đồng (khoảng 3,94 tỷ USD). Đây là bước đi lùi của Masan vì các năm trước đây, Masan thường xuyên đứng ở vị trí khá cao trong danh sách này.

Ngân hàng có 3 đại diện

Trong top 10 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ngành ngân hàng “đóng” góp 3 đại diện. Đó là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Trước kia, vị trí thứ 3 thường xuyên thuộc về Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Tuy nhiên, kể từ cổ phiếu TCB của Techcombank niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, VietinBank dần bị đẩy ra khỏi top 10 do cổ phiếu CTG có một năm kém thành công. Hiện tại, VietinBank đứng ở vị trí 11 ngay sau Masan với vốn hóa thị trường “chỉ” đạt 75.771 tỷ đồng (3,25 tỷ USD).

Trong ngành ngân hàng, Vietcombank luôn dẫn đầu. Thế nhưng, trong danh sách các cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán, Vietcombank đang rớt hạng sâu. Trước đây, có nhiều khoảng thời gian dài, Vietcombank không chỉ là số một trong ngành ngân hàng mà còn là doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Thế nhưng, hiện tại, Vietcombank phải nhường những vị trí cao cho Vingroup, Vinhomes và Vinamilk khi cổ phiếu VCB không thuận lợi.

Trong những ngày cuối năm Mậu Tuất 2018, cổ phiếu VIC thường xuyên dao động quanh mức 53.000 đồng/CP, giảm 10.000 đồng/CP so với 1 năm trước đó. Như vậy, sau gần 1 năm giao dịch, vốn hóa thị trường Vietcombank giảm 35.978 tỷ đồng (khoảng 1,54 tỷ USD) xuống 191.041 tỷ đồng (khoảng 8,18 tỷ USD). Vì vậy, vị trí hiện tại của Vietcombank là 4.

BIDV và Techcombank lần lượt đứng ở vị trí thứ 8 và 9 với 116.236 tỷ đồng (khoảng 4,98 tỷ USD) và 94.058 tỷ đồng (khoảng 4,03 tỷ USD). Trong đó, Techcombank nhận được nhiều sự chú ý từ giới đầu tư chứng khoán hơn vì cổ phiếu TCB niêm yết trong năm 2018. Có thời điểm, Techcombank có vốn hóa thị trường lớn hơn Vietcombank và dẫn đầu ngành ngân hàng. Tuy nhiên, thời điểm đó rất ngắn.

Bảo Linh

 

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : chứng khoán, Vingroup