Ngân hàng tìm cách tăng vốn điều lệ: Cái khó ló cái khôn
(thegioitiepthi.vn) - Áp lực nâng "tấm đệm rủi ro" với hệ thống ngân hàng đang trở nên cấp bách khi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn quản trị rủi ro Basel II đang đến gần. Bốn ngân hàng đang tìm đủ mọi cách để không chạm vào giới hạn này và đã có nhà băng thành công, tuy nhiên điều này là không hề dễ dàng.
Tích cực tìm lối thoát
Ngay đầu năm Kỷ Hợi, Vietcombank đã đón nhận tin vui khi mà sau 3 năm trao đổi, bàn bạc thì cuối cùng ngân hàng này cũng đã chốt bán cho GIC - Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore hơn 94 triệu cổ phần mới, tương đương với việc sở hữu 2,55% cổ phần Vietcombank. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đã bán thêm cho Mizuho – đối tác chiếc lược – gần17 triệu cổ phần mới để duy trì mức sở hữu 15% cổ phần Vietcombank.
Giao dịch tại BDV. Ảnh: CTV.
Với hai khoản đầu tư của GIC và Mizuho, Vietcombank đã thu về 6.200 tỷ đồng và vốn điều lệ của ngân hàng này đã tăng lên 37.100 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,6 tỷ USD) và tạo nền tảng vốn vững chắc cho việc đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II cũng như khẳng định vị thế dẫn đầu của Vietcombank trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.
Qua giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank dự tính giảm từ 77,11% xuống 74,8%. Đây là tỷ lệ sở hữu lớn, đồng nghĩa với dư địa còn lại khá lớn để ngân hàng tiếp tục có các kế hoạch chào bán trong tương lai, theo các giai đoạn phát triển với nhu cầu vốn từng thời kỳ.
Với giao dịch trên, dự kiến từ năm 2019, Vietcombank sẽ được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, có thêm điều kiện vốn và không gian để tăng trưởng trong năm 2019.
Cơ cấu cổ đông tại Vietcombank đến cuối năm 2018.
BIDV hiện là ngân hàng quốc doanh niêm yết có tỷ lệ sở hữu Nhà nước cao nhất, đạt hơn 95%. Hơn 8 năm nay, nhà băng này vẫn đang tìm đối tác chiến lược để chào bán riêng lẻ nhưng chưa thành công. "Cửa phát hành” đang mở ra khi mới đây, BIDV đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với ngân hàng Hàn Quốc KEB Hana, tuy nhiên thương vụ này vẫn chưa được tiết lộ.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định: "Quá trình phê duyệt hiện chưa có thời điểm rõ ràng, nhưng thương vụ này nếu thành công sẽ là yếu tố quan trọng để đưa hệ thống BIDV tiến gần hơn sự đạt chuẩn của Basel II."
Mặc dù vậy, BIDV cũng vừa “thở phào” khi phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn.
Còn ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, cũng chia sẻ ngân hàng này phải phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để giải ngân nhu cầu vốn vụ mùa nông nghiệp. Ông Khánh cho biết đóng góp đáng kể trong đợt tăng vốn cấp 2 là của người lao động Agribank.
Còn VietinBank vẫn là ngân hàng sẽ khó có khả năng tăng vốn nhất bởi lẽ tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại ngân hàng này đã giảm về mức tối thiểu theo quy định (~65%). Việc phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu cũng khó khả thi khi mà Nhà nước chủ trương sẽ không đầu tư thêm vào ngành ngân hàng, giờ chỉ còn trông chờ vào những thay đổi từ chính sách qua việc chia cổ tức và giảm sở hữu vốn Nhà nước.
Nỗ lực từ cơ quan chức năng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, vấn đề tăng vốn của các ngân hàng thương mại Nhà nước nói chung là vấn đề hết sức cấp thiết, bản thân ông không dưới 3 lần ký các văn bản liên quan trình gửi các Bộ ngành và trình lên Chính phủ xin ý kiến để xin tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, trong số này đặc biệt có VietinBank.
Cũng theo Phó Thống đốc, ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cũng hiểu rõ rằng, đây là một nhu cầu rất bức thiết của các ngân hàng nhưng do các Bộ, ngành vẫn chưa có được sự đồng thuận cao vì thế sau khi dự hội nghị tổng kết của ngành ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ lên lịch để có thể nghe đầy đủ các ý kiến từ các Bộ, ngành. Theo Thủ tướng, không có vốn ngân sách cho tăng vốn ngân hàng nhưng các ngân hàng cần tự lấy lợi nhuận để tăng vốn, tăng được thêm vốn sẽ có thêm tín dụng cho nền kinh tế.
“Tôi hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết trong thời gian tới. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã và đang cùng các đồng chí để tháo gỡ khó khăn này nhưng tôi nghĩ đây là dịp để chúng ta xem xét lại tài sản của mình, là dịp để sàng lọc tín dụng, sàng lọc khách hàng, bây giờ việc tăng 1% tín dụng đối với các ngân hàng là vô cùng quan trọng nên việc lựa chọn tín dụng tốt để đảm bảo chất lượng tín dụng tốt nên đây là dịp để rà soát lại,” Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.
Giao dịch tại Agribank. Nguồn: CTV.
Phó Thống đốc cũng đề nghị các ngân hàng không “độc canh” về tín dụng mà phải đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó, chủ trương đưa tỷ trọng thu nhập phi tín dụng tăng lên trong thời gian tới, đây cũng là một thách thức.
Thực tế, không phải đến thời điểm này, câu chuyện chia cổ tức bằng cổ phiếu hay bằng tiền mặt của các ngân hàng thương mại nhà nước mới được đề cập tới. Năm 2016, BIDV và VietinBank đưa ra đề nghị này, song đã bị Bộ Tài chính từ chối thẳng thừng trong bối cảnh ngân sách thiếu trước hụt sau. Đến nay, do tình hình quá cấp bách, các ngân hàng phải “khóc” một lần nữa.
Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, có thể thời điểm trước ngân sách còn khó khăn nên yêu cầu trên cũng là tình thế cấp bách nhưng nay, thu ngân sách cũng đã cải thiện hơn nên thành viên này cũng kiến nghị Nhà nước cho phép các ngân hàng được chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Vị chuyên gia này lý giải, vấn đề tăng vốn trở nên cấp bách, có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống ngân hàng, nhất là bối cảnh hiện nay, các cú sốc có thể đến từ bên ngoài. Nếu không có bộ đệm tốt, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn xoay sở ứng phó.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng, Nhà nước phải tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tăng vốn và đây cũng là thực hiện một trong những nội dung quan trọng của Đề án 1058 tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng. Trong đề án nêu rõ cần tạo điều kiện có phương án cho các ngân hàng thương mại nhà nước tăng vốn. Việc cho phép các ngân hàng này giữ lại lợi nhuận để tăng vốn là một trong những biện pháp đó.
Ngoài ra, theo ông Lực đề xuất cần phải đẩy nhanh tốc độ phê duyệt nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Vì nhà đầu tư nước ngoài không thể kiên nhẫn chờ đợi quá lâu và các ngân hàng Việt Nam sẽ bỏ qua mất cơ hội quan trọng này. Hiện tại, gọi vốn đầu tư nước ngoài đang được xem là con đường ngắn nhất và mang lại giá trị cao trong bối cảnh hiện nay khi mà khó có thể tìm được tổ chức trong nước có nguồn lực tài chính mạnh rót vốn đầu tư vào ngân hàng như giai đoạn trước kia.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : Ngân hàng, vốn điều lệ