Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường Myanmar
Ngày 25/1, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) đã tổ chức Hội thảo thông tin về “Thị trường Myanmar và cơ hội cho hàng Việt Nam;” giới thiệu về Hội chợ triển lãm Thương mại-Dịch vụ-Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh 2016 tại thành phố Yangon; đồng thời triển khai chương trình khảo sát thị trường tại thành phố Yangon và thành phố Mandalay (Myanmar).
Cụ thể, Hội chợ Ho Chi Minh City Expo 2016 sẽ diễn ra từ ngày 1-4/4, với nét mới là khu vực triển lãm nông nghiệp công nghệ cao và khu trưng bày giới thiệu vật liệu xây dựng.
ITPC phối hợp với Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh và cùng doanh nghiệp đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu, giới thiệu các sản phẩm mới, kỹ thuật mới để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao đến với nông dân và doanh nghiệp Myanmar.
ITPC phối hợp với Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu các loại vật liệu xây dựng, các công nghệ mới ứng dụng trong xây dựng. Ngoài ra, ITPC cũng hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày các cataloge tại gian hàng chung của Ban tổ chức.
Riêng Chương khảo sát thị trường tại thành phố Yangon và thành phố Mandalay từ ngày 31/3-5/4, sẽ do lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đoàn. Các doanh nghiệp sẽ khảo sát thực địa tại các chợ đầu mối, chợ trung tâm, siêu thị, khu vật liệu xây dựng, văn phòng đại diện Satra, khu thương mại Hoàng Anh Gia Lai. Bên cạnh đó, ITPC còn tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam về cơ hội đầu tư, chính sách thuế, hải quan... của Myanmar.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cho biết thị trường Myanmar hiện phân khúc bình dân vẫn chiếm phần lớn nhưng phân khúc tiêu dùng trung và cao cấp cũng đang có chiều hướng tăng từ khi Myanmar mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài nhiều, tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân. Trong đó, thành phố Yangon đánh giá là thị trường chính của Myanmar, định hướng tiêu dùng cho các thị trường còn lại tại nước này.
Mặt khác, thị hiếu tiêu dùng của người dân Myanmar không chỉ do nhu cầu tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán và tôn giáo. Do đó, người dân Myanmar ưu tiên mua sắm những mặt hàng sử dụng trong cuộc sống gia đình. Họ thường chú ý đến giá cả trước, ít chủ động tiếp cận sản phẩm nếu không được giới thiệu, mời chào. Khi có người chọn mua sản phẩm ưng ý thì mức độ lan truyền thông tin sản phẩm rất nhanh. Sản phẩm có khuyến mãi hoặc rút thăm trúng thưởng sẽ được người tiêu dùng Myanmar quan tâm nhiều hơn.
Theo Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay người dân Myanmar có cảm tình đặc biệt với hàng Việt Nam, tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý ghi rõ thông tin sản phẩm và giá bán bằng tiếng Myanmar hoặc tiếng Anh để người mua dễ nhận biết.
Các mặt hàng Việt Nam đã xuất khẩu và thâm nhập thị trường Myanmar ở nhiều lĩnh vực như nhựa gia dụng, may mặc, giày dép, thiết bị điện-điện tử, vật liệu xây dựng-hàng trang trí nội thất, văn phòng phẩm, thực phẩm...; trong đó, có thể kể đến một số thương hiệu hàng Việt Nam được người tiêu dùng Myanmar ưa chuộng gồm Kangaroo, Happy Cook; Đại Đồng Tiến, Điện Quang, Cadivi, Lioa, Visan, Sa Giang, Trung Nguyên, Tân Quang Minh...
Năm 2015, Việt Nam xuất sang Myanmar ước đạt trên 378,5 triệu USD. Mặc dù so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, thương mại song phương Việt Nam-Myanmar còn thấp, nhưng Myanmar vẫn được xác định là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, Myanmar là một trong những thị trường ở khu vực ASEAN đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài và hàng hóa từ các nước nhập khẩu vào./.
Theo TTXVN/Vietnam +
Từ khóa : thị trường Myanmar