4 tỷ phú Việt Nam được Forbes công nhận kiếm tiền thế nào trong năm Mậu Tuất 2018?

(NTD) - Trong năm Mậu Tuất 2018, 4 tỷ phú đô la của Việt Nam được Forbes công nhận có “số phận” khác nhau. Chỉ duy nhất ông Phạm Nhật Vượng có cơ hội chứng kiến khối tài sản khổng lồ của mình tăng vọt.

Mậu Tuất 2018 là năm kém may mắn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều đại gia Việt phải chứng kiến khối tài sản khổng lồ của mình hao hụt đi ít nhiều. “Số phận” 4 doanh nhân Việt Nam được Forbes công nhận là tỷ phú đô la cũng được dư luận quan tâm.

4 doanh nhân này là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) và ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.

Trong 4 doanh nhân này, ông Phạm Nhật Vượng là người duy nhất may mắn khi tài sản tăng rất mạnh. 3 doanh nhân còn lại kém may mắn hơn khi cổ phiếu họ nắm giữ không cưỡng lại được xu hướng giảm giá chung của VN-Index.

Cụ thể, khi các phiên giao dịch năm Mậu Tuất kết thúc, cổ phiếu VIC của Vingroup đã tăng 27.650 đồng/CP, tương ứng 38,9% so với ngày 13/2/2018 – phiên giao dịch cuối cùng của năm Đinh Dậu. Với đà tăng này của VIC, vốn hóa thị trường Vingroup có thêm 88.248 tỷ đồng.

Là cổ đông cá nhân lớn nhất tại Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng được hưởng lợi nhiều nhất khi cổ phiếu VIC bứt phá. Sau 1 năm giao dịch, tài sản của ông Vượng tăng 51.572 tỷ đồng (khoảng 2,23 tỷ USD) lên 193.793 tỷ đồng (khoảng 8,37 tỷ USD).

Với khối tài sản khổng lồ này, ông Vượng vững vàng ở vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ông Vượng bỏ xa các tỷ phú khác về mức độ giàu có.

Trong khi đó, theo thống kê của Forbes, tài sản của ông Vượng cũng có tốc độ tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, tại ngày 5/2/2019, tài sản của ông Vượng được Forbes xác nhận đạt tới 6,5 tỷ USD, tăng 2,2 tỷ USD, tương đương 51,2% so với ngày 6/3/2018 – ngày Forbes công bố danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2018.

Vào ngày 6/3/2018, bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, 2 doanh nhân Việt Nam khác đã được Forbes đưa vào danh sách các tỷ phú đô la. Đó là ông Trần Bá Dương và ông Trần Đình Long. Tuy nhiên, ngoại trừ ông Vượng, 3 tỷ phú còn lại đều chứng kiến tài sản giảm đáng kể.

Theo đánh giá của Forbes, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là tỷ phú giàu thứ 2 Việt Nam. Trong năm qua, Forbes xác định tài sản của bà Thảo đã giảm 600 triệu USD, tương đương 19,4% xuống còn 2,5 tỷ USD.

Còn theo diễn biến giá cổ phiếu VJC và HDB, tài sản của bà Thảo cũng hao hụt đáng kể. Sau năm Mậu Tuất 2018, VJC giảm 37.670 đồng/CP, tương ứng 23,2% so với ngày 13/2. Đà giảm của VJC khiến tài sản của bà Thảo giảm xuống 21.908 tỷ đồng (khoảng 950 triệu USD). Có thể thấy, tài sản theo thị giá cổ phiếu VJC và HDB của bà Thảo thấp hơn nhiều so với tính toán của Forbes.

Tuy nhiên, trong năm 2019, khối tài sản này hứa hẹn sẽ tăng lên nhiều khi mà giá dầu đang có xu hướng rẻ hơn. Mà xăng dầu là nhiên liệu đầu vào, chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng chi phí của một hãng hàng không như Vietjet.

Vẫn duy trì ở vị trí thứ 3 trong danh sách các tỷ phú giàu nhất Việt Nam do Forbes bình chọn nhưng ông Trần Bá Dương cũng ít nhiều hao hụt tài sản. Tại ngày 5/2/2019, tài sản của ông Dương đạt 1,7 tỷ USD, giảm 100 triệu USD so với ngày 6/3/2018.

Trong khi đó, ông Trần Đình Long là người kém may mắn nhất. Sau khi được Forbes đưa vào danh sách 4 người giàu nhất Việt Nam, ông Long có lúc chứng kiến tài sản tăng 400 triệu USD lên 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện tại, khối tài sản này đã lùi về 1,3 tỷ USD.

Vì vậy, ông Long rời khỏi danh sách những người giàu nhất Việt Nam. Hiện tại, danh sách này chỉ còn 3 người là ông Vượng, bà Thảo và ông Dương.

Vy Vy

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : tỷ phú Việt Nam, Forbes