Về Phú Yên chiêm ngưỡng nét đẹp cổ kính của tháp Nhạn

(thegioitiepthi.vn) - “Phú Yên có đỉnh Cù Mông/Có hòn Nhạn Tháp, có dòng sông Ba”. Câu ca quen thuộc của người dân xứ Nẫu đã giới thiệu về những địa danh nổi tiếng của mảnh đất này, trong đó có tháp Nhạn - công trình kiến trúc nghệ thuật Chăm quý giá, biểu tượng của TP.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) ngày nay.

Tháp Nhạn - điểm du lịch nổi tiếng của Phú Yên.

Nằm bên bờ sông Đà Rằng, từ xa nhìn về phía đỉnh núi Nhạn đã thấy ngọn tháp Chăm cổ kính vươn cao sừng sững, nổi bật hẳn giữa một khung cảnh xanh thẫm màu cây cối và màu trời. Núi Nhạn - sông Đà Rằng không chỉ là một cặp sông - núi hữu tình do tự nhiên khéo sắp đặt cạnh nhau, mà còn là không gian linh thiêng, nơi người Chăm xưa hướng về thánh địa thờ phụng thần linh bao đời.

Núi Nhạn - sông Đà Rằng.

Đường lên tháp Nhạn.

Núi Nhạn là một trong hai ngọn núi cao nhất của TP.Tuy Hòa, đứng từ trên đỉnh có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố. Người Phú Yên vẫn kể, từ lâu, cứ mỗi độ xuân về, chim chóc về tụ hội trên ngọn núi thiêng này rất nhiều. Tiếng hót, tiếng gọi bạn râm ran. Trong đó, nhiều nhất là chim nhạn. Nơi đất lành chim đậu, ngọn núi có chim nhạn bay về lâu dần được gọi thành tên riêng. Cũng có người giải thích rằng, nếu đứng từ xa nhìn lại, hình dáng ngọn núi này giống như con chim nhạn đang thu mình chuẩn bị cất cánh nên được gọi là núi Nhạn.

Tháp Nhạn đứng sừng sững trên đỉnh núi Nhạn.

Tháp Nhạn được đặt trong một khoảnh đất bằng phẳng gần đỉnh núi, xây dựng khoảng thế kỷ XI - XII. Theo những nguồn tư liệu của địa phương, tháp có bình đồ hình vuông, cao 23,5m. Giống như nhiều kiến trúc tháp Chăm khác trải dọc duyên hải miền Trung, tháp Nhạn hướng về phía Đông, đó là hướng của mặt trời, thần linh, mang ý nghĩa của sự sống, sự sinh sôi này nở. Tháp được xây bằng gạch nung xếp khít với nhau, độ kết dính rất chắc nhưng hoàn toàn không thấy vết của mạch hồ.

Màu gạch nung đỏ nổi bật giữa trời xanh.

Tòa tháp được xây theo tỉ lệ cân đối với ba phần: đế, thân và mái. Các tầng tháp đều có phong cách giống nhau, càng lên cao càng thu nhỏ lại. Chân tháp được ốp đá sa thạch. Thân cao, đồ sộ với một màu nâu đỏ rực rỡ. Nóc của tháp gồm nhiều lớp xếp. Trên đỉnh tháp là hình tượng Linga bằng đá được điêu khắc công phu, gắn với ý nghĩa tâm linh của người Chăm.

Sự kết hợp hài hòa giữa vật liệu xây dựng, đường nét kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc đã tạo cho tháp Nhạn một dáng vẻ vừa vững chãi vừa thanh thoát, tinh tế, mang tính thẩm mỹ cao.

Trên đỉnh tháp là hình tượng Linga bằng đá được chạm khắc công phu.

Đứng từ chân tháp Nhạn, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát các phố phường trong TP.Tuy Hòa. Nhìn về phương Nam thấy xa xa là dãy đèo Cả khi tỏ, khi mờ. Trên đèo có núi Đá Bia cao vút như chọc thủng trời xanh, chóp núi quanh năm mây mù bao phủ. Xa hơn nữa là biển Đông mênh mông sóng nước và dòng Đà Rằng thướt tha như lụa cùng ruộng đồng thẳng cánh cò bay kéo dài đến chân đèo Cả. Cảnh non nước thật hữu tình!

Tháp Nhạn là di tích quốc gia đặc biệt.

Quang cảnh TP.Tuy Hòa nhìn từ đỉnh núi Nhạn.

Năm 1988, tháp Nhạn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia. Năm 2018, tháp Nhạn được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Bia đá giới thiệu về tháp Chăm tôn nghiêm này có viết: “Những dấu tích ở núi Nhạn cho biết xưa kia từng có một quần thể kiến trúc Chămpa rất lớn tại đây. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn lại công trình kiến trúc tháp Nhạn chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử và nghệ thuật, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Phú Yên,chiêm ngưỡng, nét đẹp, cổ kính, tháp Nhạn