Lỗ hổng xử lý kinh doanh hàng giả trên thương mại điện tử
(thegioitiepthi.vn) - Mua hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử đang là xu hướng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả, hàng nhái qua thương mại điện tử đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp và người tiêu dùng là người chịu thiệt hại đầu tiên.
ảnh minh họa
Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định. Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm chức năng. Kinh doanh thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Bán thuốc chưa được phép lưu hành.Kinh doanh mỹ phẩm chưa thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm. Đó là 6 lỗi vi phạm của ông Nguyễn Bá Tước - chủ hộ kinh doanh tại địa chỉ: Lô 15, khu đô thị Mễ Trì Hạ, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội vừa bị Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp với Phòng chống Tội phạm Công nghệ cao (PA05, công an thành phố Hà Nội) và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và chức vụ công an quận Nam Từ Liêm kiểm tra và phát hiện ngày 22/1.
Ông Nguyễn Bá Tước đang kinh doanh 57 mặt hàng với hơn 1.380 đơn vị sản phẩm gồm các loại sản phẩm: nước hoa gợi tình, xịt chống xuất tinh sớm, thuốc cường dương nam, tăng cường sinh lý nữ,... Toàn bộ số hàng hóa này do nước ngoài sản xuất, không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, ông Tước khẳng định, toàn bộ số hàng hóa mua về và niêm yết giá trên website: nhathuoc18.com với nguyên tắc mua vào 1, niêm yết với giá gấp 10 lần nhưng thực tế không bao giờ ông Tước bán được với giá niêm yết đó.
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết: Tổng tiền xử phạt đối với các lỗi vi phạm là 116,5 triệu đồng. Lực lượng chức năng cũng buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vi phạm với tổng trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy hơn 183 triệu đồng. Đây chỉ là một trong số những vụ vi phạm điển hình trên môi trường thương mại điện tử gần đây.
Cùng với ưu điểm nhanh chóng, tiện lợi, thương mại điện tử ngày càng được nhiều người sử dụng. Theo báo cáo thương mại điện tử của Nielsen 2018, trong số những người tiêu dùng truy cập vào internet thì có đến 98% người tiêu dùng đã mua hàng trực tuyến, tăng 1% so với năm 2017. Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám dốc cấp cao, Trưởng bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam, cho biết: Với sự gia tăng của người tiêu dùng sử dụng mua hàng trực tuyến, không gian thương mại điện tử phát triển liên tục đã làm mờ ranh giới giữa trực tuyến và ngoại tuyến.
"Nhu cầu sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin và di động đã tăng 11% trong hai năm qua, đã đáp ứng những nhu cầu về sự tiện lợi của người tiêu dùng trong hệ sinh thái mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên, vấn đề quản lý, giám sát chất lượng hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử đang là vấn đề cần được đặc biệt chú trọng", ông Dũng nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho hay, đặc thù của các giao dịch thương mại điện tử là người bán, người mua không trực tiếp gặp nhau, người mua cũng không tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa trước khi mua nên xảy ra trường hợp hàng giao không đúng như sản phẩm được giới thiệu về cả mẫu mã, chất lượng. Trong trường hợp này, nếu người bán cố tình lừa đảo và người mua đã thanh toán tiền trước thì phần thiệt luôn là người mua. Thêm vào đó, những món hàng mua qua thương mại điện tử thường là hàng tiêu dùng, có giá trị nhỏ nên người mua cũng ngại khiếu nại để đòi quyền lợi cho mình.
Một vấn đề nữa được đặt ra, đó là sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trong thời gian ngắn đã khiến cơ chế chính sách chưa theo kịp và đặt ra nhiều thách thức cho cả cơ quan quản lý nhà nước và quyền lợi của người tiêu dùng.
Năm 2018, khảo sát 1.000 doanh nghiệp của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, có 61% doanh nghiệp đã áp dụng hình thức kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, hơn 50% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, doanh thu từ thương mại điện tử chiếm từ 30 - 50% tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam - nhận định: Việc quản lý thuế thương mại điện tử hiện nay rất khó khăn, không giống như hình thức kinh doanh truyền thống có cửa hàng, địa chỉ cụ thể, các giao dịch thương mại điện tử diễn ra trên môi trường mạng khó kiểm chứng thông tin nhận dạng người bán. Việt Nam vẫn đang sử dụng hóa đơn giấy là chủ yếu, chiếm 91,8% nên khó quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Ở khía cạnh khác, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết: Các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động. Đây là thuận lợi nhưng cũng tạo ra nhiều kẽ hở để các cá nhân, tổ chức lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, thậm chí giả mạo các doanh nghiệp uy tín để lừa đảo người mua gây thiệt hại kinh tế và niềm tin người tiêu dùng.
Việt Nam có khoảng hơn 20.000 trang web thương mại điện tử bán hàng và gần 900 trang web cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được ngành chức năng xét duyệt, cho phép hoạt động. Với số lượng lớn như vậy, chất lượng của những sản phẩm được chào bán tại đây vẫn còn là điều gây tranh cãi. Những thách thức này cho thấy trong thời gian tới cơ quan quản lý cần khắc phục lỗ hổng về chính sách, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bởi đây là những mắt xích quan trọng giúp thương mại điện tử Việt Nam phát triển bền vững.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : Lỗ hổng, xử lý kinh doanh, hàng giả, thương mại điện tử