Quảng Ninh đang mất lợi thế về hoạt động tái xuất hàng hóa

Hoạt động tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở biên giới là một lợi thế của tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên lợi thế này đang bị mất dần do phía Trung Quốc thắt chặt kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhập khẩu vào thị trường.

Điểm xuất hàng hết thời sôi động

Tại điểm thông quan Lục Lầm, phường Hải Hòa, TP. Móng Cái, nơi khoảng 5 năm trước được xem là điểm xuất hàng nhộn nhịp nhất nhì Móng Cái, với hàng nghìn lượt container và tàu xuồng qua lại mỗi ngày, thì nay im lìm, quạnh quẽ như một bến sông quê.

Theo số liệu của Sở Công thương Quảng Ninh, hiện nay trên tuyến biên giới đất liền của tỉnh có 18 cửa khẩu, lối mở, điểm xuất hàng đã được công bố thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, tái xuất hàng hóa và hoạt động mua bán hàng hóa, có đầy đủ các lực lượng chức năng, được đầu tư cơ bản, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động xuất nhập cảnh (XNC), xuất nhập khẩu (XNK). 18 cửa khẩu, lối mở, điểm xuất hàng này nằm trên các địa bàn biên giới Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái.

Các mặt hàng nông sản qua Cảng ICD Thành Đạt (phường Hải Yên, TP.Móng Cái) xuất sang Trung Quốc giảm sút nặng nề thời gian vừa qua. Ảnh: Nguyễn Quý.

Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu chính ngạch của các doanh nghiệp qua địa bàn biên giới tỉnh Quảng Ninh diễn ra tương đối thuận lợi và có sự tăng trưởng cao. Tuy nhiên đối với hoạt động tái xuất hàng hóa thuộc loại hình tạm nhập tái xuất (TNTX), chuyển khẩu (CK), kho ngoại quan (KNQ) qua địa bàn tỉnh những năm gần đây lại không ổn định và đang có xu hướng giảm.

Nguyên do, theo một cán bộ Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, chính sách biên mậu phía Trung Quốc liên tục thay đổi, các lực lượng chức năng phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xây tường rào, đổ trụ bê tông ngăn chặn các điểm xuất hàng nên việc giao nhận hàng hóa gặp nhiều khó khăn, kim ngạch giảm mạnh so với cùng kỳ.

Ngoài ra, từ tháng 1/2018 đến nay, phía Trung Quốc lập các hàng rào kỹ thuật (tiêu chuẩn chất lượng, chứng thư kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ…) để ngăn chặn không cho hàng TNTX, KNQ trà trộn hàng trong nước để xuất sang Trung Quốc và tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa tất cả các nguồn hàng xuất sang từ phía Việt Nam.

Tiếp đó, từ 1/5/2018 đến nay, phía Trung Quốc lại có biện pháp yêu cầu kiểm nghiệm, chứng thư kiểm dịch, xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa đối với các loại hàng nông sản, trái cây; bắt buộc phải có tem cố định in trên bao bì thể hiện tên khoa học, quy cách, ngày tháng sản xuất, số giấy phép, điều kiện bảo quản, phương thức sản xuất (tự nhiên, nuôi trồng), nơi sản xuất, tên xí nghiệp sản xuất và số lô sản xuất đối với hàng thủy sản đông lạnh; Siết chặt quản lý hàng hóa biên mậu của cư dân biên giới duy trì đúng 8.000NDT/người/ngày, chuyển từ hình thức ước lượng bằng mắt thường sang cân điện tử để cân trọng lượng hàng hóa…

Một lô hàng tươi sống (hàu nuôi) phải quay đầu về Việt Nam do không có chứng thư kiểm dịch. Ảnh: Nguyễn Quý.

Ông Lê Quang Đông, Trưởng phòng Quản lý XNK – Sở Công thương Quảng Ninh, cho biết: “Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa thủy sản, nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu vào đất nước họ cho thấy Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường Trung Quốc. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp các ngành chức năng liên quan cần cố gắng để đưa ra giải pháp thực hiện, mang lại lợi ích ổn định và lâu dài cho thủy sản, nông sản, trái cây Việt Nam”.

Làm gì trước áp lực từ bên kia biên giới?

Theo các chuyên gia, mặc dù sẽ gặp một số khó khăn ban đầu, nhưng các hàng rào kỹ thuật của các nước có nhu cầu nhập khẩu thủy sản, trái cây, bắt buộc nông dân Việt Nam phải nâng cao quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Theo đó, cả nông dân trực tiếp, doanh nghiệp và chính cơ quan quản lý cần phải thay đổi tư duy để bắt kịp thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm đầu ra của mình và có giải pháp quy hoạch vùng nuôi trồng, đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản.

Điểm xuất hàng tại Cảng ICD Thành Đạt, phường Hải Yên, TP.Móng Cái không còn nhộn nhịp như trước. Ảnh: Nguyễn Quý.

Anh Lê Minh Tuấn, chủ một DN chuyên xuất khẩu nông sản tại Móng Cái, cho rằng: Thủ tục hành chính cần được đơn giản hơn nữa, công khai, minh bạch các quy trình thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, không đặt ra các quy định khác làm cản trở hoạt động mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, hạn chế tối đa phát sinh các chi phí không chính thức cho doanh nghiệp để giảm chi phí dịch vụ cho doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.

Các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục tăng cường khuyến cáo tới các doanh nghiệp, thương nhân có hoạt động xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh cần đàm phán, thống nhất chặt chẽ, cụ thể với bạn hàng Trung Quốc về mặt hàng, quy trình áp dụng... để có kế hoạch kinh doanh, tránh rủi ro, thiệt hại.

Chính quyền, các cơ quan quản lý tại các cửa khẩu, lối mở tiếp tục thường xuyên thông tin về chính sách cho doanh nghiệp (bao gồm cả chính sách của Việt Nam và nước đối diện) trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; hướng dẫn thương nhân, doanh nghiệp xuất khẩu về các vướng mắc có liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu theo quy định.

Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa thủy sản. Ảnh: Nguyễn Quý.

Nhiều DN đề xuất, cần thành lập Trung tâm giao dịch hàng hóa nông lâm thủy hải sản, hoa quả tại địa phương biên giới để liên kết, hợp tác trong tiêu thụ, hỗ trợ và kết nối xuất khẩu nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, hạn chế tình trạng bị ép giá khi xuất khẩu.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật. Không để các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại biên giới để buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Quảng Ninh, tái xuất hàng hóa