Xu hướng của thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển như thế nào trong tương lai?

(thegioitiepthi.vn) - Đó là nội dung mà các đại biểu tập trung thảo luận tại hội thảo “Tương lai của bán lẻ Việt Nam” diễn ra sáng 28/2 tại TP.HCM thu hút hơn 400 khách mới là các chuyên gia hàng đầu, nhà đầu tư và doanh nghiệp bán lẻ trong nước quốc tế.

Sự kiện này do Công ty CP Vincom Retail tổ chức nhằm kết nối các đối tác và chuyên gia để phân tích và tìm ra xu hướng đón đầu tương lai phát triển của ngành bán lẻ tại Việt Nam. 

Trong bối cảnh thị trường bán lẻ Việt Nam đang có những kết quả phát triển khả quan với GDP tăng trưởng ổn định mức 5% trong 10 năm qua, cao nhất trong khu vực các nước ASEAN; Doanh thu bán lẻ Việt Nam dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép lên đến 11,9% tới thời điểm 2020, cao gần gấp 3 lần so với nước đứng vị trí tiếp theo tại Đông Nam Á, thì việc đặt ra vấn đề “Tương lai của bán lẻ Việt Nam” sẽ cần thiết để  để đạt mục tiêu đề ra.  

Với 4 chủ đề sát sườn thực tế : Các báo cáo tổng quan thị trường; Phân tích xu hướng bán lẻ hiện đại; Câu chuyện kinh nghiệm từ các mô hình thực tiễn và Chiến lược phát triển của Vincom Retail. Bà Rebecca Pearson - Phó Giám đốc phụ trách bán lẻ CBRE Châu Á – cho rằng các xu hướng mới mang tính sáng tạo và thấu hiểu sẽ tác động tới hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Người tiêu dùng bây giờ không chỉ nhìn thấy trực tuyến trên màng hình mà họ muốn đến cửa hàng thực thể tiếp nhận trực tiếp để cầm, sờ cảm nhận. Vấn đề là các nhà bán lẻ làm gì kết hợp nhu cầu trực tuyến và ngoại tuyến. 

Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế và bán lẻ Việt Nam đã cung cấp nhiều thông tin đáng chú ý về xu hướng sức cạnh tranh của thị trường trong những năm tới, tính ưu việt trong việc phát triển kinh doanh theo chuỗi và chỉ ra vai trò quan trọng của các nhà bán lẻ trong việc mang tới những chuẩn mực văn minh tiêu dùng tại thị trường Việt Nam, tiệm cận với xu hướng thế giới. Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà Bán lẻ Việt Nam cho biết, phát triển chuỗi bán lẻ tại Việt Nam là xu thế tất yếu nhằm gia tăng nhận biết thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao và gia tăng doanh số, giảm rủi ro. Trong khi ngành bán lẻ hiện đại tại Việt Nam chưa đạt đến 30% thì đây là thị trường đầy tiềm năng, do đó, nếu kết hợp những đặc thù về văn hóa, lối sống của người dân Việt thì khả năng thành công cao. Ngoài ra, yếu tố chọn vị trí mặt bằng rất quan trọng tăng cạnh tranh. 

PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia Kinh tế khẳng định doanh nghiệp bán lẻ nội nên thay đổi để bắt kịp các xu hướng mới trong tiêu dùng, theo đó tạo lòng tin cho người tiêu dùng thông qua các yêu tố hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng, hàng thực phẩm phải an toàn vệ sinh thực phẩm và nắm tâm lý người tiêu dùng một cách triệt để. 

Trong phần phân tích dự báo về sự dịch chuyển các mô hình bán lẻ hiện đại áp dụng công nghệ đã thành công trên thế giới. Ông Geoff Morrinson – Nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành Concept I và Phó Chủ tịch Viện thiết kế bán lẻ Chris Dobson chia sẻ hữu ích về cuộc cách mạng thật sự với bán lẻ là công nghệ điện tử và công nghệ kiến trúc. Theo đó, những sáng tạo đặc sắc trong thiết kế giúp “hút hồn” khách hàng bằng những trãi nghiệm thực tế thú vị như không gian, tăng cường các khu ăn uống, vui chơi, hỗ trợ khách hàng... Cụ thể một thương hiệu mắt kính chỉ có 6 nhà thiết kế mẫu, nhưng cần đến 60 nhà thiết kế không gian cho khách hàng trải nghiệm. Hay như Gucci Concept đã đưa ra một không gian bán lẻ như ở chính ngôi nhà của bạn, nó thể hiện rõ triết lý và phong cách của thương hiệu. 

Bà Dymfke Kuijpers đến từ Công ty tư vấn McKinsey với 6 xu hướng phát triển công nghệ chủ đạo trong các TTTM hiện đại phân tích những lợi ích gia tăng khi đầu tư ứng dụng kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo.

Tại hội thảo, các câu chuyện và kinh nghiệm thành cũng được chia sẻ bởi Giám đốc điều hành tiNiWorld – Ông Thomas Ngo và Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam – Bà Patricia Marques mang tới nhiều bài học quý giá về cách xây dựng thương hiệu, quản lý và phát triển chuỗi. 

Vincom Retail cũng báo cáo chiến lược phát triển và đồng hành cùng thúc đẩy khách hàng phát triển. Riêng trong năm 2019, hệ thống sẽ tiếp tục mở rộng với kế hoạch ra mắt thêm 13 Vincom mới, nâng tổng số trung tâm thương mại lên con số 79 trên toàn quốc, tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường, góp phần thay đổi diện mạo các đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Đồng thời, cũng chia sẻ những kế hoạch trong việc đón bắt xu hướng phát triển của thị trường đưa vào ứng dụng trong các TTTM Vincom.

Hội thảo “Tương lai của bán lẻ Việt Nam” đã chỉ ra 3 xu hướng của thị trường gồm : Tăng cường trải nghiệm tại điểm bán; Trung tâm thương mại không chỉ là điểm mua sắm, giải trí mà trở thành các cộng đồng kết nối văn hóa; và ứng dụng công nghệ sẽ trở thành xu thế mới để tăng tính cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ cả trong nước và quốc tế. 

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : thị trường bán lẻ