Phải tạo dựng lòng tin của khách hàng để xây dựng thương hiệu nông sản Việt

(thegioitiepthi.vn) - Câu chuyện về tạo dựng lòng tin trong kinh doanh được PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhắc đi nhắc lại. Ông cho rằng, để xây dựng thương hiệu sản phẩm phải tạo dựng được uy tín với khách hàng.

Phải tạo dựng lòng tin với khách hàng mới có thể xây dựng được thương hiệu sản phẩm

Thương hiệu nông sản Việt không đơn thuần là vẽ logo

PGS. Thịnh nhấn mạnh, xây dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu tuy đơn giản nhưng lại cực kỳ phức tạp. “Thương hiệu hoàn toàn không phải là vẽ ra một cái logo, kèm theo đó là câu khẩu hiệu rồi mang đi quảng bá, truyền thông trên một vài phương tiện. Để có được thương hiệu, ta phải là tạo dựng được lòng tin với khách hàng” – ông Thịnh cho biết.

Ông Thịnh đặt câu hỏi, tại sao hiện nay rất nhiều nông sản của Việt Nam chưa bán được nhiều trên thị trường, giá vẫn còn thấp, đó là vì lòng tin của người tiêu dùng chưa thực sự có. “Bây giờ cứ thử hình dung ta ra ngoài chợ mua mớ rau, người bán rau bảo rau của tôi rất sạch, tôi trồng luống riêng để gia đình tôi ăn. Thử hỏi ai trong chúng ta tin điều đó. Cho nên, việc tạo dựng lòng tin, uy tín của mình trên thị trường là vô cùng quan trọng...” – ông Thịnh nói.

Bàn về việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, bà Bùi Thị Quy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thương mại chế biến nông lâm sản đường Vạn Phát (huyện Krongpa, Gia Lai) cho rằng, để xây dựng một thương hiệu bền vững, bản thân các doanh nghiệp phải tự túc được sản phẩm, phải san bằng lợi nhuận giữa doanh nghiệp và bà con nông dân.

“Nguyên nhân khiến thương hiệu nông sản Việt chưa được chú ý một phần bởi chúng ta chưa đảm bảo xuất khẩu nhưng đã về phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân trồng nguồn hàng. Khi không đủ nguồn hàng sẽ phải thu mua khắp nơi để đắp vào chỗ thiếu mà không có sự phân loại, lựa chọn kỹ càng. Theo đó chất lượng hàng xuất khẩu không đảm bảo dẫn đến ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp. Đây chính là sai lầm của các doanh nghiệp...” – bà Quy chỉ ra.

Để phát triển thương hiệu sản phẩm cần có sự tham gia của rất nhiều chủ thể

Bà Quy nhấn mạnh, chỉ khi nào doanh nghiệp ổn định về vấn đề đầu ra thì hãy phổ biến rộng rãi về sản phẩm, nguyên liệu, cây trồng. “Doanh nghiệp tiêu thụ đến đâu thì hãy lo vấn đề đầu vào của mình tới đó. Còn nếu làm quá sức sẽ có hại cho người nông dân và cũng có hại cho chính doanh nghiệp” – bà Quy nói.

Giải pháp để phát triển thương hiệu nông sản Việt

Đưa ra các giải pháp để xây dựng thương hiệu nông sản Việt, PGS. Thịnh cho biết: “Chúng ta bàn về việc xây dựng thương hiệu cho nông sản, đặc biệt là nông sản xuất khẩu thì ta phải xác định chủ thể xây dựng thương hiệu. Hiện ở Việt Nam quan niệm có 3 chủ thể chính tham gia vào quy trình xây dựng thương hiệu cho nông sản. Thứ nhất là các doanh nghiệp trực tiếp chế biến và cung ứng xuất khẩu đối với nông sản. Thứ hai là các tổ chức tập thể bao gồm các hiệp hội, hợp tác xã. Thứ ba là các chủ sở hữu của các nhãn hiệu chứng nhận”.

Ông Thịnh nêu ví dụ trong ngành cá Việt Nam, chủ sở hữu các nhãn hiệu chứng nhận là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vậy nếu chỉ dừng lại ở chủ thể này để trực tiếp tham gia xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản thì sẽ có nhiều hạn chế. Do đó cần có sự tham gia của rất nhiều chủ thể khác, từ các hộ sản xuất cho đến chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, các cơ quan truyền thông giám sát…

Tại Diễn đàn Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu quan điểm, xây dựng thương hiệu cho nông sản là hướng đi cần thiết và phù hợp cho phát triển ngành nông nghiệp và các mặt hàng nông sản trong thời gian tới. Tuy nhiên việc xây dựng thương hiệu sản phẩm là rất khó khăn, không chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng vậy, muốn xây dựng một thương hiệu sản phẩm phải đòi hỏi cả một quá trình.

“Chúng ta từ một nước thiếu ăn mới trở thành một nước đủ ăn và sản xuất hàng hóa. Chính phủ, các địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người nông dân… đều đang rất quyết tâm để xây dựng thương hiệu sản phẩm, tiến tới từng bước một sẽ có những nông sản mà thứ hạng đi sâu vào đời sống chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này chắc chắn rất gian khó, nhất là khi nền kinh tế dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ là chính như hiện nay. Để đạt được điều này đòi hỏi sự đồng bộ, quyết tâm mạnh mẽ của các bộ, ngành và người dân…” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : lòng tin, khách hàng, xây dựng thương hiệu, nông sản Việt