'Quả ngọt' thu hút FDI tại Đà Nẵng: 2 tháng bằng cả năm

(Chinhphu.vn) – Sau những nỗ lực từ “Năm thu hút đầu tư 2018”, đến đầu năm 2019, Đà Nẵng bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực và chờ đón làn sóng đầu tư FDI rót vào Thành phố.

 

 

Nhà máy lắp ráp và sản xuất xe ô tô Nissan tại Khu công nghiệp Hoà Khánh. Ảnh: VGP/Minh Trang

Gỡ khó đất đai cho doanh nghiệp

 

Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ  đầu tư TP. Đà Nẵng, trong tháng 1, Đà Nẵng cấp mới 12 dự án FDI với tổng vốn cấp mới hơn 8,7 triệu USD, tăng hơn 13,3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

 

Bên cạnh đó, có 1 dự  án tăng vốn thêm 30 triệu USD và 18 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế, tổng vốn đăng ký mua đạt hơn 8,4 triệu USD, tăng hơn 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Ngày 1/3 vừa qua, TP. Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đầu tư và công bố quyết định chủ trương đầu tư 8 dự án với tổng vốn đầu tư gần 490 triệu USD. Thành phố cũng có chủ trương đồng ý cho phép nghiên cứu đầu tư đối với 11 dự án khác với tổng vốn đầu tư gần 3,5 tỉ USD.

 

Như vậy, tổng số vốn thu hút đầu tư của Thành phố trong 2 tháng đầu năm 2019 đã vượt cả năm 2018. Kết quả này được xem là một sự đột phá trong công tác thu hút đầu tư, mà một trong những nhân tố đóng góp vào đó là việc chính quyền Thành phố đã dành năm 2018 để tập trung giải quyết các vướng mắc lớn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

 

Tại Tọa đàm mùa Xuân lần đầu tiên được tổ chức ở Đà Nẵng vào đầu tháng 3/2018, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất khi mở công ty ở Đà Nẵng là phải đi tìm mặt bằng kinh doanh, sản xuất. Quỹ đất ít ỏi, đất còn trống trong các khu công nghiệp (KCN) tương đối manh mún... khiến một số nhà đầu tư “chùn tay”, chọn cách chuyển hướng sang các địa phương khác.

 

Nhận diện rõ vấn đề, năm 2018, Đà Nẵng đã tổ chức rà soát tình hình sử dụng đất tại các KCN hiện có để thực hiện việc sắp xếp, thu hồi các dự án không triển khai hoặc sử dụng đất không hiệu quả để bố trí cho các nhà  đầu tư khác có nhu cầu.

 

Thành phố cũng triển khai đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới như: KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Cẩm Lệ, Hòa Ninh… Ngoài ra, Khu Công nghệ thông tin tập trung nằm bên cạnh Khu Công nghệ cao với 341ha đang khẩn trương hoàn thành các công việc cuối cùng để chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với 131ha vào cuối tháng 3 tới.

 

 

TP vừa khởi công xây dựng nhà xưởng phụ trợ công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao vào cuối tháng 2. Ảnh: VGP/Minh Trang

Trong Kế hoạch thu hút đầu tư năm 2019 của thành phố, Đà Nẵng sẽ tiếp tục kết nối, giữ mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế như: KOTRA, Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EUROCHAM)... để  đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại các thị trường tiềm năng.

 

Theo chương trình, Đà Nẵng sẽ ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới… Do đó, chủ trương của thành phố là sẽ tập trung tiếp cận và mời gọi các nhà đầu tư đa quốc gia, chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc và châu Âu.

 

Thu hút đầu tư phải đi đôi với hấp thụ vốn

 

Với chủ đề “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019”, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết kế hoạch thu hút đầu tư sẽ xoay quanh 5 nội dung: hoàn thiện cơ chế, chính sách, Thành phố sẽ triển khai thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2045; xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số cụm công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao; chuẩn bị thủ tục, xúc tiến các dự án trọng điểm; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư; hỗ trợ các nhà đầu tư tại chỗ một cách hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh gọn, kịp thời.

 

Theo Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh, việc thu hút đầu tư phải đi đôi với hấp thụ vốn. Việc số vốn đăng ký lớn nhưng số vốn giải ngân thấp cho thấy những khó khăn, hạn chế trong quản lý và hấp thụ nguồn vốn đầu tư.

 

 “Thực tế thì một số dự án đăng ký vốn nhưng lại không thể thực hiện vì chủ đầu tư gặp khó khăn trong huy động vốn để giải ngân. Về vấn đề này Thành phố có chủ trương quản lý chặt đối với những doanh nghiệp có dự án chậm giải ngân. Các cơ quan chuyên môn sẽ thường xuyên rà soát và rút giấy phép, hủy bỏ những dự án đầu tư ảo nhằm đảm bảo mục tiêu và hiệu quả đầu tư. Mặc khác, về phía chính quyền, Thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tạo thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng cho các nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ cam kết”, ông Hồ Kỳ Minh cho biết.

 

Bà Lê Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch&Đầu tư TP. Đà Nẵng cho hay, Sở KH&ĐT đã xây dựng và đang lấy ý kiến của các ngành về Đề án “Một cửa liên thông về đầu tư”.

 

Bên cạnh đó, nhằm kịp thời phát hiện các hành vi sai trái và hạn chế sai phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Sở cũng đã xây dựng và  đang lấy ý kiến của các ngành về Quy chế phối hợp trong công tác giám sát đầu tư đối với dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

 

Với những quyết tâm và hành động cụ thể, lộ trình thu hút đầu tư năm 2019 đã  được vạch ra đang được TP. Đà Nẵng đặt nhiều kỳ vọng thu hút đầu tư khả quan.

 

Minh Trang

Theo baochinhphu.vn

Từ khóa : FDI, Đà Nẵng